Ông Trần Hữu Đức – Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn thừa nhận: “Việc đó là có, tuy nhiên nó diễn ra nhỏ lẻ, một vài triệu đồng để sang tiêu vặt và cũng vì nhỏ lẻ nên chúng tôi ít khi quản lý cái này”. Ông Đức cũng thừa nhận, những đối tượng này khoảng 3-5 người, chủ yếu là con em những cán bộ biên phòng.
Đổi tiền công khai ngay trước cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn.
Sau nhiều lần nghe dư luận phản ánh về tình trạng đổi tiền công khai tại cửa khẩu Nậm Cắn, thuộc xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). Chúng tôi đã có chuyến thực tế lên vùng biên giới này và quả thực những phản ánh đó là có cơ sở.
Công khai đổi ngoại tệ
Có mặt tại cửa khẩu Nậm Cắn khoảng 8 giờ sáng sau một buổi đêm tròng trành cùng chiếc xe khách đi Lào. Đập vào mắt chúng tôi là một khu vực rộng lớn, đủ đầy các trạm, nhà chờ, trung tâm thương mại....của một cửa khẩu quốc tế. Hàng chục chiếc xe nối đuôi nhau làm thủ tục xuất nhập cảnh. Tưởng chừng hình ảnh ấy đẹp giữ mãi trong mắt chúng tôi cũng như du khách.Vậy nhưng, tiến lại gần phòng xuất nhập cảnh chúng tôi bắt gặp một nhóm người chèo kéo, gạ gẫm khách đổi tiền. Qua tìm hiểu biết, nhóm người này có từ 4-6 người, là người miền xuôi “vật vờ” xung quanh cửa khẩu Nậm Cắn để đổi tiền, kinh doanh ngoại tệ.
Quá trình theo dõi, được biết quy trình làm việc của nhóm người này chủ yếu đón chờ những chiếc xe khách, tài xế...từ nước bạn Lào qua cửa khẩu. Sau khi làm xong thủ tục nhập cảnh, những người này tiến đến gạ gẫm, hỏi mua, đổi từ tiền Lào sang tiền Việt Nam, thậm chí đổi cả Đô la Mỹ. Với cái cặp đen mang vai, tay lăm lăm những xấp tiền dày cộm, nhóm người này không ngần ngại đổi tiền công khai ngay trước mặt trạm kiểm soát cửa khẩu.
“Đổi tiền không anh (chị), anh (chị) đi Lào à, đổi bao nhiêu cũng có, đưa tiền đây em đổi cho”- Đó là những lời mời chào đổi ngoại tệ cho những ai có nhu cầu xuất cảnh sang Lào mà chưa kịp đổi tiền. Và cứ như vậy, tình trạng kinh doanh ngoại tệ, đổi tiền tại cửa khẩu Nậm Cắn diễn ra một cách công khai mà không gặp phải một trở ngại nào.
Theo một phụ nữ (sau này được biết là người xã Diễn Trường, Diễn Châu) rằng, làm ở đây đã được 3 năm rồi, đổi ngoại tệ chủ yếu là tiền Việt sang tiền Lào và ngược lại. Cụ thể, số tiền đổi được tính là 1 chia 2,76 (tương đương 1 triệu tiền Việt đổi được 362,3 Kíp) và ngược lại 1 chia 2,4 là số tiền Kíp đổi sang tiền Việt.
Cũng theo người phụ nữ này, hai vợ chồng làm ở đây đã được 3 năm và do có người nhà là bộ đội biên phòng nên được ưu ái. So với các cửa khẩu khác thì cửa khẩu Nậm Cắn lưu lượng người và phương tiện ít nên không đáng là bao, tuy nhiên nhóm người này vẫn hứa nếu cần số tiền lớn từ vài trăm triệu đồng trở lên họ vẫn có thể đáp ứng.
Cơ quan chức năng “ngó lơ”?
Trước hết phải khẳng định, theo Quy chế về Đại lý đổi ngoại tệ (Ban hành kèm theo Quyết định số 21/2008/QĐ - NHNN ngày 11/7/2008 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước) thì đại lý đổi ngoại tệ chỉ được hoạt động sau khi được Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên địa bàn cấp giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi ngoại tệ.
Theo đó, định kỳ hoặc đột xuất, Thanh tra Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra hoạt động đổi ngoại tệ trên địa bàn. Nếu phát hiện tổ chức, cá nhân hoạt động đổi ngoại tệ không có giấy phép thì lập biên bản, tạm giữ tang vật để xử lý theo quy định của pháp luật. Chiếu theo văn bản này thì tất cả những điểm thu mua, kinh doanh ngoại tệ mà các đối tượng tại cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn đang làm được coi là bất hợp pháp.
Mặc dù, việc kinh doanh ngoại tệ, đổi tiền tại cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn diễn ra công khai và không có phép nhưng những cơ quan chịu trách nhiệm quản lý ở khu vực này đều nói không biết.
Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Khắc Chiến – Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn (phụ trách phòng chống buôn lậu) khẳng định, việc kinh doanh ngoại tệ, đổi tiền lẻ tại cửa khẩu là không có, chỉ diễn ra ở đâu đó như Mường Xén...ở đây chưa phát hiện ra trường hợp nào, nếu phát hiện ra xử lý ngay.
Trái với ông Chiến, ông Trần Hữu Đức – Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn thừa nhận: “Việc đó là có, tuy nhiên nó diễn ra nhỏ lẻ, một vài triệu đồng để sang tiêu vặt và cũng vì nhỏ lẻ nên chúng tôi ít khi quản lý cái này”.
Ông Đức cũng thừa nhận, những đối tượng này khoảng 3-5 người, chủ yếu là con em những cán bộ biên phòng.