Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát nổi tiếng với nghề điêu khắc sơn mài ở Làng cổ Đường Lâm (Thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Gần đây, xưởng sản xuất và trưng bày các sản phẩm sơn mài của anh trở thành điểm đến của nhiều du khách, đặc biệt là du khách quốc tế trong hành trình khám phá di sản xứ Đoài.
Ngay từ khi còn bé, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát đã bộc lộ niềm đam mê với mỹ thuật khi những mảnh ngói vỡ, những cành củi khô... đều trở thành họa cụ cho anh ký họa trí tưởng tượng của mình lên trên nền đất hay vách tường quê.
Xuất phát điểm từ gia đình không có truyền thống với nghề sơn mài, nhưng tuổi thơ anh có nhiều cơ hội được theo chân cha và ông đi điêu khắc, trùng tu các ngôi đình làng tại mảnh đất quê hương. Rồi cứ thế, những giá trị nghệ thuật, tình yêu đối với văn hóa truyền thống đã luôn âm thầm chảy trong anh như mạch nước ngầm, thôi thúc người đàn ông này sớm thi vào khoa Mỹ thuật truyền thống, chuyên ngành Sơn mài, trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội.
Chia sẻ thêm với phóng viên, anh Phát tâm sự: “Tôi yêu văn hóa truyền thống nơi mình được sinh ra, khung cảnh làng quê thanh bình và ký ức tuổi thơ chắp cánh cho tôi lựa chọn con đường nghệ thuật sơn mài dù khi ấy sơn mài là ngành học “kén người” vì chi phí cao, đầu ra lại không ổn định”. Kiên trì và bền bỉ trên con đường mình lựa chọn, tính đến nay, anh Phát đã theo đuổi nghề sơn mài được 23 năm, sáng tạo ra hàng nghìn tác phẩm sơn mài độc đáo.
Từ khi còn là sinh viên năm 3 của khoa Mỹ thuật truyền thống, anh Phát đã luôn tự lăn lộn với nghề sơn mài. Vừa đi học, anh vừa đến các làng nghề để học hỏi kinh nghiệm từ các bậc tiền bối, làm thêm tại các con phố cổ ở Hà Nội - nơi chuyên bày bán và sản xuất các sản phẩm sơn mài để vừa trải nghiệm với nghề, vừa tự vỡ ra nhiều bài học cho bản thân.
“Mỗi tác phẩm sơn mài đều là kết tinh của nhiều công đoạn tỉ mỉ – từ việc làm vóc, khảm chất liệu bằng vỏ trai, vỏ trứng, phủ 10 lớp màu đến công đoạn mài cho tới khi ra thành phẩm. Nhưng điều khiến tôi luôn trăn trở là làm sao tác phẩm tạo ra phải đồng thời mang hơi thở của văn hóa truyền thống, hơi thở của thời đại và hơi thở của riêng của mình”, anh Phát bộc bạch.
Khi bước vào không gian sáng tạo PHÁT studio của anh tại làng cổ Đường Lâm, khách tham quan luôn thấy thấp thoáng bóng dáng quen thuộc của những sắc màu, hình ảnh văn hóa dân gian làng đặc trưng. Từ con gà, con trâu, con tằm,.. đều được nghệ nhân “phù phép”, khoác lên mình dáng hình vừa lạ vừa quen, vừa mang giá trị tinh thần, lại mang giá trị sử dụng cao. Trong đó, các tác phẩm không chỉ dùng để trưng bày mà còn dùng làm trang sức, hộp đựng đồ,..
Theo nghề sơn mài, anh Phát không tập trung sáng tác các sản phẩm tranh như nhiều người đi trước đã từng làm. Anh vận dụng kỹ năng điêu khắc được học từ ông cha và tự rèn luyện, trở thành một trong số ít các nghệ nhân chuyên sáng tạo ra các sản phẩm tượng sơn mài, khảm trai trên gỗ. Chia sẻ về tác phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân mình, anh Phát cho biết: “Tác phẩm gắn chặt với tôi mang tên Trâu cổng làng, trong đó linh vật trâu được cách điệu hóa thành hình tượng chiếc cổng làng, gợi lên những hình ảnh tuổi thơ tôi nơi làng quê thanh bình, yên ả. Đây cũng là cảm hứng cho các sáng tác nghệ thuật của tôi về sau này”
Nhiều năm trở lại đây, hiểu được nhu cầu của thị trường, anh Phát cũng nhạy bén thay đổi để xưởng sản xuất, trưng bày sản phẩm sơn mài của mình không chỉ là nơi tham quan, mà còn là nơi để trải nghiệm với cái tên “Lớp truyền nghề sơn mài truyền thống miễn phí” thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến tham gia.
“Tôi mong muốn thông qua lớp học, nhiều người có cơ hội tiếp cận nghệ thuật sơn mài nước ta, đặc biệt là thế hệ trẻ có thể gìn giữ và phát triển ngành nghề hơn nữa. Đồng thời đó, sơn mài là một trong các chất liệu hội họa thuần Việt nhất, đây là nét đặc sắc trong nghệ thuật Việt Nam mà tôi nghĩ chúng ta cần quảng bá đến với bạn bè quốc tế”, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát chia sẻ.
Dịp hè vừa qua, lớp học của anh Phát ước tính đã đón khoảng 4.000 - 5.000 du khách đến trải nghiệm, trong đó phần nhiều du khách quốc tế vô cùng thích thú khi được tự mình làm ra sản phẩm sơn mài truyền thống Việt Nam: “Lớp trải nghiệm thu hút được rất nhiều người trẻ. Những du khách nước ngoài họ thậm chí còn muốn học nghề, bởi qua trải nghiệm, họ phần nào hiểu được hồn cốt văn hóa Việt Nam qua nghề truyền thống này và đặc biệt thích công năng sử dụng, giá trị mà các tác phẩm sơn mài mang lại”
Vợ chồng ông bà Bellini, du khách người Ý khi đến tham quan xưởng trưng bày sản phẩm sơn mài của anh Nguyễn Tấn Phát cũng có cùng cảm nhận: “Những tác phẩm sơn mài được trưng bày ở đây khác biệt hoàn toàn so với các loại hình nghệ thuật mà chúng tôi đã từng tiếp xúc ở nước mình. Màu sắc của các sản phẩm đặc biệt gây ấn tượng cho tôi trong lần chiêm ngưỡng đầu tiên, chúng tôi rất muốn mua các sản phẩm về làm đồ kỷ niệm cho chuyến du lịch lần này”.
Trên hành trình quảng bá nghệ thuật sơn mài, anh Phát cũng tích cực đưa các sản phẩm của mình đến các hội chợ triển lãm quốc tế. Ngày 16/9/2024 vừa qua, các tác phẩm của anh vinh dự được trưng bày trong “Triển lãm tranh, sản phẩm sơn mài Việt Nam” tổ chức tại Paris (Pháp). Nghệ nhân cho biết: “Mang những đứa con tinh thần của mình đến kinh đô ánh sáng, tôi vui vì đã góp phần quảng bá được giá trị của nghề sơn mài truyền thống Việt Nam. Cơ hội này cũng khiến tôi phải nhắc mình kiên trì, bền bỉ để viết tiếp ước mong nghề sơn mài thực sự có chỗ đứng trong lòng công chúng yêu nghệ thuật trên thế giới, trở thành một trong những loại hình nghệ thuật truyền tải rõ ràng nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam”.