Cuộc khủng hoảng trầm trọng về khí đốt đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân Đức, khiến mặt hàng sưởi điện đang trở nên đắt đỏ hơn bao giờ hết.
Dù đang là mùa Hè nhưng nước Đức có rất ít thời gian để xử lý tình trạng thiếu năng lượng vào mùa Đông sắp tới. Họ chỉ có 3 tháng để tự cứu mình ra khỏi cuộc khủng hoảng khí đốt mùa giá rét.
Theo tờ Euronews, doanh số bán máy sưởi điện đã tăng vọt kể từ khi người Đức đối diện với cơn ác mộng thiếu hụt khí đốt có thể xảy ra vào mùa Đông sắp tới. Dữ liệu do công ty nghiên cứu thị trường GFK thu thập được cho thấy, có khoảng 600.000 máy sưởi đã được bán ở Đức trong 6 tháng đầu năm 2022, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng, việc sử dụng máy sưởi điện sẽ tốn kém hơn và khi tất cả mọi người sử dụng đồng thời cùng một lúc có thể gây mất điện. Trên thực tế, đã có nhiều cửa hàng bán hết sạch máy sưởi điện.
Frank Doring, chủ cửa hàng điện Eisen Doring ở Berlin cho biết: "Doanh số bán máy sưởi điện trong hai tháng qua đã tăng lên đáng kể và những chiếc máy sưởi mà chúng tôi có trong tay đang dần hết hàng. Tôi không thể nói trước được điều gì về việc khi nào các nhà cung cấp sẽ đưa thêm máy sưởi đến. Tất cả đều đang quá tải".
Giá điện tại Đức đã tăng 19% chỉ trong tuần đầu tiên của tháng 7 và tăng gần 3 lần trong năm nay. Người dân ở Berlin bày tỏ lo lắng về chi phi năng lượng sẽ tiếp tục tăng và khả năng thiếu khí đốt trong mùa Đông vẫn còn rất lớn.
Vào mùa Đông lạnh giá, ai cũng có nhu cầu được sưởi ấm để đảm bảo an toàn sức khỏe. Tuy nhiên, với một bộ phận người dân nước Đức điều này đang ngày càng trở nên xa xỉ hơn.
Ngoại trừ bệnh viện, tình trạng cắt điện đang diễn ra trên khắp nước Đức. Các chủ nhà cũng lên kế hoạch cắt giảm nhiên liệu sưởi ấm vào ban đêm trong khi các tòa nhà công cộng, trong đó có Reichstag ở Berlin, quyết định tắt máy điều nhiệt. Chi phí gia tăng gây thêm áp lực cho những người có thu nhập thấp.
Những đợt lạnh kéo dài sắp tới trên khắp châu Âu và châu Á sẽ buộc các công ty năng lượng phải tranh giành nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng vốn đã eo hẹp. Theo Penny Leake, một nhà phân tích nghiên cứu tại công ty tư vấn Wood Mackenzie Ltd., điều này có thể khiến rất nhiều các công ty phải tạm dừng hoạt động, đồng thời phá hủy khoảng 17% nhu cầu công nghiệp đối với nhiên liệu.