Trước thực trạng nhiều doanh nghiệp ngành dệt may, da giầy bị cắt giảm đơn hàng dẫn đến công nhân phải nghỉ việc hoặc thiếu việc làm, mới đây, Ban thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có công văn yêu cầu các đơn vị trong tỉnh có biện pháp tháo gỡ tình trạng trên. Trong nội dung công văn nhấn mạnh, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải chịu trách nhiệm trước BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng công nhân đình công, biểu tình trái pháp luật, gây mất ANTT trên địa bàn.
Nguồn tin từ Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hóa ngày 5/1 cho biết, ông Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy vừa ký công văn số 896 về việc tăng cường tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và hỗ trợ người lao động bị mất việc làm trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, hiện nay, nhiều doanh nghiệp ngành dệt may, da giầy bị giảm đơn hàng, có doanh nghiệp không có đơn hàng nên phải cắt giảm nhân công dẫn đến người lao động nghỉ việc luân phiên hoặc tạm ngừng hoạt động, ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập và đời sống của một bộ phận người lao động; tình trạng doanh nghiệp chậm đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp vẫn còn ở mức cao.
Đồng thời, việc thu hồi nợ đọng BHXH còn hạn chế, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, tiềm ẩn nguy cơ đình công, tập trung đông người...
Để tháo gỡ những khó khăn trên, BTV Tỉnh ủy yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh tập trung nắm chắc việc cắt giảm, cho thôi việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp ngành dệt may, da giầy; kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện các quy định chấm dứt hợp đồng, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, cho lao động nghỉ việc không hưởng lương, thực hiện trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, các chế độ tiền lương, tiền thưởng và các phúc lợi khác của người lao động.
Theo dõi tình hình tranh chấp lao động, đình công, chủ động phòng ngừa và giải quyết kịp thời các vụ việc phát sinh. Tổ chức các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề cho lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, tạo điều kiện cho người lao động sớm tìm được việc làm mới.
Đẩy mạnh triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, kế hoạch, cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Chủ động nắm chắc tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đời sống của người lao động trong doanh nghiệp; có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, tạo ra nhiều việc làm mới.
Tăng cường hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, phát triển thị trường, tham gia hiệu quả vào liên kết ngành, liên kết chuỗi giá trị; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn để duy trì, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành, thanh tra đột xuất đối với các doanh nghiệp nợ đóng BHXH từ 3 tháng trở lên, doanh nghiệp chưa đóng hoặc đóng không đầy đủ các loại bảo hiểm cho người lao động, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật.
Đảng đoàn Liên đoàn Lao động tỉnh chỉ đạo các cấp công đoàn theo dõi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất chính đáng của người lao động, nhất là các vấn đề liên quan đến việc làm, tiền lương, tiền thưởng và các chế độ khác trong dịp Tết Nguyên đán 2023.
Phối hợp với doanh nghiệp tìm cách giữ chân người lao động, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng cắt giảm lao động, chấm dứt hợp đồng lao động. Phối hợp hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp gặp khó khăn, phải cắt giảm lao động thực hiện đúng trình tự, thủ tục, bảo đảm chế độ, chính sách cho người lao động; giám sát việc tham gia xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động, việc thực hiện các cam kết với người lao động; có giải pháp giải quyết kịp thời những bức xúc, nguyện vọng chính đáng của người lao động. Thực hiện hiệu quả chương trình chăm lo Tết cho người lao động.
Các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc chỉ đạo triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp; quan tâm chăm lo đời sống công nhân, người lao động, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán 2023. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền chịu trách nhiệm trước BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng công nhân đình công, biểu tình trái pháp luật, gây mất ANTT trên địa bàn.
MTTQ và các đoàn thể tăng cường tuyên truyền, vận động, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của người lao động; kiến nghị, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền giải quyết các chế độ, chính sách đối với người lao động bị ảnh hưởng do chấm dứt hợp đồng lao động. Phối hợp tổ chức tốt các hoạt động chăm lo đời sống cho người lao động trong dịp Tết Nguyên đán 2023.
Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, VCCI Thanh Hóa làm tốt vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước; phối hợp với các ngành, các địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của Tỉnh về phát triển doanh nghiệp; tổng hợp các kiến nghị, đề xuất về khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp, đề xuất với các cơ quan liên quan để kịp thời tháo gỡ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.