Quốc tế

Người Gaza kêu cứu trước nạn đói

Hà Anh 25/07/2025 08:51

Người dân Gaza đang tuyệt vọng trong tình cảnh thiếu lương thực do xung đột. Họ đã từng đối mặt với nạn đói, nhưng chưa bao giờ như hiện nay. Đây là giai đoạn khó khăn nhất mà họ từng trải qua.

Khu điều trị tại bệnh viện Hội Từ thiện Bạn hữu Bệnh nhân chật cứng những đứa trẻ gầy gò, tất cả phải nằm chung trên 12 giường bệnh. Chỉ còn lại 2 đội nhi khoa còn hoạt động ở Thành phố Gaza, và mỗi ngày có tới 200 trẻ em đến điều trị. Bác sĩ Musab Farwana dành cả ngày để cố gắng cứu sống các em nhưng thường thất bại. Sau đó, ông trở về nhà để chia sẻ những bữa ăn quá ít ỏi với các con của mỉnh.

Gaza chưa bao giờ đói kém đến thế, bất chấp nhiều cảnh báo về nạn đói sắp xảy ra trong suốt gần 2 năm chiến tranh. Chỉ trong 3 ngày của tuần này, các quan chức y tế công cộng đã ghi nhận 43 ca tử vong do đói; trước đó, tổng cộng có 68 người.

anh-bai-chinh-24-7.jpg
Người dân Gaza cố gắng nhận thực phẩm tại một bếp ăn từ thiện trong bối cảnh xung đột Israel-Hamas.

Cô Faiza Abdul Rahman - người đã trụ lại Thành phố Gaza trong suốt cuộc chiến - cho biết, ngay cả thời điểm kiểm soát chặt chẽ nhất đối với lương thực vào miền bắc Gaza hồi năm ngoái cũng không tệ như hiện nay. "Chúng tôi đã từng đối mặt với nạn đói, nhưng chưa bao giờ như thế này. Đây là giai đoạn khó khăn nhất mà chúng tôi từng trải qua" - cô Rahman nói.

Theo lời chia sẻ từ người dân và bác sĩ địa phương cùng dữ liệu từ Chính phủ Israel, Quỹ Nhân đạo Gaza, Liên hợp quốc và các tổ chức nhân đạo cho thấy, lương thực tại Gaza đang cạn kiệt. Giá cả tăng vọt được phản ánh bởi tình trạng các kệ hàng trống trơn, với giá bột mì được bán cao gấp hơn 30 lần giá thị trường vào đầu năm.

Ngay cả tiền bạc hay những người có ảnh hưởng cũng không còn có thể bảo vệ người Palestine được nữa. “Các tổ chức nhân đạo đang chứng kiến đồng nghiệp và đối tác của chính họ bị tàn lụi ngay trước mắt” - hơn 100 nhóm cứu trợ đang hoạt động tại Gaza, trong đó có MSF, Save the Children và Oxfam, đã cảnh báo trong một tuyên bố chung trong tuần này.

Ngày 22/7, liên đoàn nhà báo của AFP cho biết, lần đầu tiên trong lịch sử hãng thông tấn này, họ có nguy cơ mất đi một đồng nghiệp vì nạn đói. Ngày 23/7, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tedros Adhanom Ghebreyesus, cho biết “một bộ phận lớn” dân số Gaza đang bị đói. “Tôi không biết phải gọi nó là gì ngoài nạn đói hàng loạt và đó là do con người gây ra” - ông Tedros nói.

Theo WHO, tình trạng suy dinh dưỡng gia tăng đột biến đã gây ra cái chết của ít nhất 21 trẻ em được báo cáo cho cơ quan này vào năm 2025, nhưng nhấn mạnh rằng những con số đó có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Ông Rik Peeperkorn - đại diện của WHO tại các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng - cho biết, chỉ riêng trong tháng 7, có 5.100 trẻ em đã được đưa vào các chương trình hỗ trợ suy dinh dưỡng, trong đó 800 trẻ bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng.

Trong nhiều tháng, Israel đã chặn đứng các chuyến hàng lương thực. Tổng số lương thực được phép vận chuyển kể từ đầu tháng 3 thấp hơn nhiều so với khẩu phần ăn của 2,1 triệu người dân và người Palestine đã bị suy yếu do tác động của tình trạng thiếu lương thực kéo dài và tình trạng di dời liên tục. “Gần hai năm nay, trẻ em ở đây đã phải chịu đựng nạn đói. Ngay cả khi có những ngày các em cảm thấy no, thì vấn đề không chỉ nằm ở việc no, mà còn ở việc cơ thể được cần cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết. Và những chất dinh dưỡng này là hoàn toàn không có ở Gaza” - bác sĩ nhi khoa Farwana cho biết.

Những năm tháng suy dinh dưỡng khiến các em dễ mắc các bệnh khác hơn, và khả năng miễn dịch thấp của các em càng trầm trọng hơn do tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng các vật tư y tế cơ bản, những thứ mà Israel cũng đã chặn không cho nhập khẩu.

“Tôi cảm thấy vô cùng đau khổ vì chúng tôi thậm chí không được cung cấp những thứ đơn giản nhất có thể cứu sống trẻ em” - ông Farwana nói thêm. Tuần này, 3 bệnh nhân suy dinh dưỡng nghiêm trọng đã tử vong trong phòng chăm sóc đặc biệt, trong số đó có một bé gái, lẽ ra đã có thể sống sót nếu các bác sĩ có thể truyền kali tĩnh mạch cho em, một loại thuốc thông thường nhưng hiện không thể mua được ở Gaza.

“Những vụ việc như thế này ám ảnh tôi, nó không bao giờ rời khỏi tâm trí tôi. Đứa trẻ này lẽ ra đã có thể trở về với gia đình và sống một cuộc sống bình thường. Nhưng chỉ vì một điều đơn giản không thể thực hiện được, cô bé đã không qua khỏi” - bác sĩ Farwana đau buồn nói.

Israel đã áp đặt lệnh phong tỏa toàn diện đối với Gaza từ ngày 2/3. Khi Thủ tướng Benjamin Netanyahu dỡ bỏ lệnh phong tỏa vào ngày 19/5, ông tuyên bố chính phủ đang hành động để ngăn chặn "cuộc khủng hoảng đói kém", nhưng thực tế, Chính phủ Israel chỉ đơn giản là thay đổi hướng đi để kéo dài cuộc khủng hoảng đói kém, chỉ cho phép một lượng viện trợ tối thiểu vào Gaza, khiến quá trình xuống dốc của Gaza chậm lại một chút.

Sau đó, Chính phủ Israel đã công bố kế hoạch chuyển toàn bộ viện trợ thông qua tổ chức từ thiện GHF, điều hành 4 điểm phân phối được quân sự hóa. Tuy nhiên, hàng trăm người đã thiệt mạng khi cố gắng nhận thực phẩm tại các địa điểm mà người Palestine mô tả là "bẫy tử thần". Tính đến ngày 22/7, GHF đã hoạt động được 58 ngày nhưng lượng thực phẩm mà tổ chức này mang đến chỉ đủ nuôi sống người dân Gaza trong khoảng 2 tuần ngay cả khi được phân phối đều.

Phía Israel cho biết, họ cam kết cho phép viện trợ vào Gaza nhưng phải kiểm soát để ngăn chặn việc viện trợ bị các chiến binh chuyển hướng. Họ cho biết đã cho phép đủ lương thực vào Gaza trong suốt cuộc chiến và đổ lỗi cho Hamas về nỗi thống khổ của 2,1 triệu người dân Gaza.

Tổng Giám đốc WHO Tedros cho biết, Liên hợp quốc và các đối tác nhân đạo đã không thể cung cấp bất kỳ loại lương thực nào vào Gaza trong gần 80 ngày, từ ngày 3/5, và việc nối lại hoạt động giao hàng vẫn chưa đủ. Theo ông Tedros và các quan chức WHO, tình hình rất nghiêm trọng, với khoảng 10% số người được sàng lọc bị suy dinh dưỡng nặng hoặc trung bình, và lên đến 20% phụ nữ mang thai.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người Gaza kêu cứu trước nạn đói