Trải qua bao biến thiên của thời gian, nghệ thuật hát múa Ải Lao được diễn xướng trong Hội Gióng ở đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) cho đến ngày nay vẫn giữ được gần như nguyên vẹn, là nhờ công của cụ Nguyễn Văn Lũy (phường Phúc Lợi, quận Long Biên, Hà Nội) nay đã ngoài 100 tuổi.
Những bài hát của nghệ thuật hát múa Ải Lao là sự tái hiện trước mắt người xem đầy sống động về giai thoại lịch sử từ khi Ông Gióng tập hợp nghĩa quân cho đến khi quét sạch vó ngựa của giặc Ân xâm lấn bờ cõi nước ta. Tiếc rằng, tới nay chỉ còn lưu giữ được hơn chục bài trên tổng số khoảng 30 bài. Để loại hình nghệ thuật ấy có thể tồn tại cho đến ngày nay, và được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2016, đó là nhờ công lao thầm lặng của cụ ông Nguyễn Văn Lũy.
Huyền tích về đám trẻ mục đồng
Dù tuổi đã cao, nhưng cụ Lũy vẫn minh mẫn. Cụ còn nhớ rõ huyền tích về loại hình nghệ thuật được hình thành bởi đám trẻ chăn trâu của dân làng Hộ Xá xưa (sau vì phạm húy nên đổi lại là làng Hội Xá, từ năm 2004 trở thành cụm dân cư số 1 phường Phúc Lợi, quận Long Biên) lưu truyền lại qua nhiều đời nay. Chuyện kể, đám trẻ mục đồng làng Hộ Xá đang chăn trâu bên bờ sông Thiên Đức thì gặp Ông Gióng trên đường đi đánh giặc Ân. Chúng nghe thấy lời hiệu triệu cùng Ông đi đánh giặc thì mới buộc trâu lại và xin theo Ông ra trận. Sau ngày khải hoàn, đám trẻ mục đồng quay trở về chăn trâu, còn Ông Gióng cưỡi ngựa đến chân núi Sóc (nay thuộc huyện Sóc Sơn, Hà Nội) rồi bay về trời. Chỉ thương cho người mẹ già buồn rầu vì mỏi mòn trông mong mà không thấy bóng dáng con trai quay về, lại thương cho tuổi già hiu quạnh một mình của bà.
Thấu được nỗi u sầu của bà mẹ mất con, Vua Hùng Huy Vương sai sứ giả đi tìm người có tài làm cho bà vui vẻ trở lại sẽ được lãnh thưởng hậu hĩnh. Người tới thử sức cũng không ít, mà chẳng ai làm cho bà vui lên được. May sao có đám trẻ mục đồng làng Hộ Xá đến tâu với nhà vua cho vào hát múa, và xin vua cho đóng cái gióng xung quanh để trong khi hát không có người ngoài bước vào. Sau khi được vua đồng ý, những bài hát mà đám trẻ chăn trâu này cất lên đúng tâm ý của mẹ Gióng, khiến bà vui trở lại. Vua Hùng mới trọng thưởng cho chúng khoảng hơn 30 mẫu ruộng ở bên bờ sông Thiên Đức để an cư lạc nghiệp, còn cho phép hàng năm được tới diễn xướng trong Hội Gióng.
Từ huyền tích ấy, hát múa Ải Lao trở thành hình thức diễn xướng không thể thiếu trong ngày đản sinh của Thánh Gióng. Bởi thế mà nhiều đời nay, người dân làng Hội Xá vẫn truyền nhau câu nói “Phi Ải Lao bất thành Hội Gióng”, nhằm khẳng định nghệ thuật hát múa Ải Lao là một bộ phận cấu thành không thể thiếu của Hội Gióng ở đền Phù Đổng.
Một đời ghi chép và truyền dạy
Cụ Lũy vẫn nhớ chính xác mình đã tham dự vào giáp - một tổ chức xã hội tồn tại từ thời phong kiến vào năm 19 tuổi, cũng là lúc cụ bắt đầu bước chân vào phường múa hát Ải Lao. Nhưng khi ấy, việc tổ chức phường hát Ải Lao được giao luân phiên qua từng năm cho 4 giáp Đông, Đoài, Nam, Bắc.
Cuối tháng 3 hàng năm, tới lượt giáp nào thì ông đình cả, đình nhì (những người đứng đầu trong một giáp) có nhiệm vụ tập trung trai đinh trong giáp vào các buổi chiều tới học hát, học múa, luyện tập biểu diễn cho thật nhuần nhuyễn, ít cũng phải khoảng chục hôm trước ngày làm hội.
Ngày ấy, việc lưu giữ và truyền dạy các bài hát đều diễn ra với hình thức truyền khẩu, đơn giản là người đi trước dạy lớp trai làng thế hệ sau, chứ nào đã có ai chép lại những lời bài hát. Vả lại, cũng chẳng phải ai cũng đủ tâm huyết với truyền thống của quê hương, có những trai đinh tới hát múa để lấy lệ, hết hội lại quay về với việc đồng áng.
Duy chỉ có cha của cụ Nguyễn Văn Lũy là người tiên phong trong việc “văn bản hóa” một nét di sản truyền khẩu. Và tới cụ, khi mới tham gia vào phường hát, cụ đã sớm có ý thức kế tục việc làm của cha bằng việc hình thành thói quen ghi chép lại những bài hát được diễn xướng trong hội, để lưu lại nét văn hóa này cho thế hệ mai sau. Bởi chính cụ cũng cho rằng, nếu chỉ truyền thụ bằng hình thức truyền khẩu thì dễ có thể bị mai một đi ít nhiều bài hát.
Hội Gióng đặc sắc cả về quy mô, bài bản, quy củ trong khâu tổ chức, các nghi thức tế lễ, lẫn hình thức diễn xướng diễn ra trong hội. Chưa hết, trong các lễ hội trên khắp cả nước, Hội Gióng của đền Phù Đổng được xem là hội trận, gợi lại trang sử vàng về chiến thắng vẻ vang dưới thời Hùng Vương thứ VI của Phù Đổng Thiên Vương, qua đó làm thức tỉnh lòng yêu nước trong mỗi người. Điểm đặc biệt này đã tiếp thêm cho cụ tình yêu và niềm tự hào đối với nét di sản này. Đồng thời cũng chính là động lực để cụ toàn tâm viết lại những bài hát được diễn xướng trong Hội Gióng quê hương mình.
Nhờ những ghi chép vô giá ấy mà hôm nay ta mới có cơ hội nhìn thấy dáng vẻ gần như nguyên vẹn của một loại hình nghệ thuật tưởng như bị thất truyền. Cuốn sổ ghi chép lại các bài hát cổ với cụ Lũy là một thứ “gia bảo”. Nếu ai say mê với loại hình nghệ thuật này thì có thể tới chỗ cụ để theo học, cụ sẽ chỉ bảo cho, chứ cụ tuyệt đối không tùy tiện để lộ ra ngoài cho người khác xem.
Từ năm 1981, Hội Gióng được phục dựng và tổ chức trở lại, nghệ thuật múa hát ấy cũng được “hồi sinh” trên nền tảng những tư liệu chép tay của cụ Lũy. Cùng với đó, cụ đã lập ra phường múa hát Ải Lao cố định như hiện nay, sau đó chiêu mộ được hơn 20 người tới theo học, trong đó có Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Trọng Hinh, hiện là trưởng phường hát múa Ải Lao. Tất cả học trò của cụ đều đến học trên tinh thần tự nguyện và vì tình yêu dành cho nét đẹp truyền thống của quê hương. Tiếp nối thành tựu của cụ Lũy, dưới sự dẫn dắt của ông Nguyễn Trọng Hinh, phường hát hiện đã thu hút được thêm nhiều thành viên, với số lượng trên 30 người.
Xứng đáng được tôn vinh
Trong dự án điều tra về văn hóa phi vật thể của Hà Nội do Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị Di sản văn hóa thuộc Hội Di sản văn hóa Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Văn Huy “hữu duyên” với hát múa Ải Lao – loại hình nghệ thuật mà cha ông – GS.TS Nguyễn Văn Huyên sinh thời đã dày công nghiên cứu.
Sau những lần về dự Hội Gióng, ông đã biết được câu chuyện của cụ Lũy và những kì tích làm sống dậy nghệ thuật hát múa Ải Lao của cụ. Nên ông và TS Phạm Kim Ngân, cùng sự hỗ trợ của NNƯT Nguyễn Trọng Hinh đã nỗ lực hết sức trong việc hoàn thiện hồ sơ trình lên Hội Văn nghệ Dân gian để phong tặng cho cụ Nguyễn Văn Lũy và các thành viên cao niên của phường hát: Nguyễn Văn Giang (92 tuổi), Nguyễn Bá Trản (75 tuổi) và Ngô Văn Nhịp (67 tuổi) danh hiệu Nghệ nhân dân gian trong thời gian sớm nhất, tiếp sau đó là tới danh hiệu Nghệ nhân ưu tú do Nhà nước phong tặng.
Thanh âm quen thuộc “tùng tùng choạc, tùng tùng choạc” từ những cặp sênh, những chiếc thanh la, trống khẩu vang lên, báo tin mừng cho những nỗ lực của các nhà nghiên cứu cùng các nghệ nhân trong suốt thời gian qua, khi vào ngày 26/12/2022, các nghệ nhân nêu trên đã đón nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, việc phong tặng danh hiệu này cho các nghệ nhân “gạo cội”, trước tiên là thể hiện sự vinh danh, tri ân công lao của họ đối với Hội Gióng - một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, bởi hát múa Ải Lao là một phần không thể thiếu trong đó, và với cộng đồng nơi họ đang sinh sống.
Đây cũng là nguồn động viên tinh thần to lớn với chính những người nghệ nhân, để họ càng thêm tích cực trong việc truyền dạy loại hình nghệ thuật này cho thế hệ tiếp theo.
Danh hiệu cao quý mà những “cây đa, cây đề” của phường hát nhận được cũng giúp cho tập thể phường hát càng thêm gắn bó, đoàn kết. Bởi sự đoàn kết là yếu tố quan trọng tạo nên khí thế, sức mạnh tinh thần cho phường hát Ải Lao trong việc gìn giữ và quảng bá loại hình di sản này. Cùng với đó là trách nhiệm của địa phương trong việc bảo tồn và phát huy giá trị loại hình nghệ thuật hát múa Ải Lao.