Đã 10 năm nay, cứ như có “phép màu”, vào mỗi buổi tối, người dân thôn Phú Mẫn, thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh lại rộn ràng tiếng trống tuồng khắp làng trên xóm dưới. Phép màu ấy đến từ lòng nhiệt huyết của ông Nguyễn Đức Tý - Trưởng đoàn tuồng Phú Mẫn, một người con của quê hương năm nay đã 63 tuổi.
Trưởng đoàn tuồng Nguyễn Đức Tý.
Không thể đứng im nhìn Tuồng Phú Mẫn lắng xuống như “nốt nhạc” buồn, ông Tý cùng các cộng sự của mình không quản khó khăn, dùng bao công sức, nhiệt huyết và rất nhiều thời gian tạo ra… “phép màu”.
Ông Tý kể: Lịch sử của tuồng Phú Mẫn cũng có trên 200 năm tồn tại và phát triển, dẫu có lúc thịnh lúc suy nhưng ở mảnh đất này dường như chưa bao giờ vắng tiếng hát tuồng.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc, lại được nuôi dưỡng trong mạch ngầm văn hóa của quê hương, ông Tý sớm có ý thức về con đường làm nghệ thuật. Lớn lên, ông thi tuyển vào khoa Tuồng- Trường Nghệ thuật sân khấu Việt Nam.
Tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu, ra trường, ông về công tác tại Đoàn tuồng giải phóng Trung Trung Bộ thuộc Ban Tuyên huấn Khu uỷ Khu V. Trong giai đoạn từ năm 1976 đến 1992 ông về làm nhạc công rồi nhạc trưởng tại Đoàn tuồng Quảng Nam - Đà Nẵng, Đoàn tuồng Hà Bắc… cho đến khi nghỉ công tác.
Hơn 10 năm trước, khi chưa có sự nhiệt huyết của ông Tý, đoàn tuồng thôn Phú Mẫn tưởng như đã thất truyền. Cán bộ văn hoá cũng như người dân ngày đêm lo lắng mất đi truyền thống văn hoá độc đáo.
Tất cả đều mong vực dậy đoàn tuồng năm xưa, khơi dậy phong trào văn hóa địa phương, truyền lại cho thế hệ sau, nhưng không ai đủ sức đứng ra gánh vác, cho đến khi đoàn tuồng may mắn có được một vị trưởng đoàn mẫn cán, giàu kinh nghiệm, luôn hết mình vì nghệ thuật như ông Tý.
Năm 2005, ngay khi vừa “tiếp quản” đoàn tuồng, ông Tý gặp vô vàn khó khăn. Ông Tý cùng những người tâm huyết quyết tâm tìm mọi cách kiện toàn lại đoàn.
Một mặt, ông lo thành lập Hội đồng nghệ thuật với tổ chức chặt chẽ, nề nếp, có đầy đủ tổ nam, nữ diễn viên, tổ nhạc, kế toán, thủ quỹ; mặt khác, ông cùng các diễn viên có vốn hiểu biết về tuồng trong thôn sưu tầm, khôi phục các vở, trích đoạn tuồng cổ ở Phú Mẫn để các diễn viên luyện tập, biểu diễn.
Ông Tý chia sẻ: “Công việc của đoàn đang trên đà tiến triển tốt đẹp thì chúng tôi gặp phải vấn đề về âm nhạc. Bởi, trong nghệ thuật sân khấu tuồng, bên cạnh lời ca, vũ đạo, trang phục thì âm nhạc bao giờ cũng đóng vai trò quan trọng.
Vì âm nhạc ngoài chức năng làm nổi bật giọng hát, điệu múa, còn phải lột tả được cái thần thái của các nhân vật lại vừa minh hoạ cho các hoạt cảnh như mưa gió, bão táp, chiến trận… Việc sử dụng hiệu âm nhạc trong sân khấu khiến anh chị em diễn viên có lúc tưởng bỏ ngang giữa chừng”.
Song với kinh nghiệm mấy chục năm làm nghề, hơn ai hết, ông Tý là người hiểu được vấn đề. Đêm đêm, ông ngồi sưu tầm, chỉnh lí, biên soạn thành các cuốn giáo trình âm nhạc rồi phát cho từng thành viên trong đoàn để luyện tập sao cho nhuần nhuyễn nhất.
Sau nhiều tháng ngày nỗ lực, nhờ sự kết hợp đồng bộ, cuối cùng đoàn tuồng Phú Mẫn đã thành công khi phục dựng được nhiều trích đoạn tuồng cổ mẫu mực như: “Sơn Hậu”; “Nữ tướng Đào Tam Xuân”; “Mộc Quế Anh dâng cây”; “Lưu Kinh Đính giải giá Thọ Châu”, “Lý Thường Kiệt”; “Ngọn lửa Hồng Sơn”, “Tam hạ Nam Đường”…
Vậy là, từ chỗ sơ khai đến nay đoàn tuồng hoạt động ngày càng hiệu quả. Khi có nền tàng vững chắc, để mở rộng giao lưu, cọ sát, nâng cao trình độ chuyên nghiệp, đích thân ông Tý dẫn đoàn đi tham gia nhiều hội diễn sân khấu chuyên và không chuyên toàn quốc.
Những lần “mang chuông đi đánh xứ người”, đoàn tuồng Phú Mẫn gây ấn tượng khi đạt được nhiều giải thưởng cao. Gần đây, tại liên hoan các tác phẩm tuồng Tống Phước Phổ năm 2015 tại Đà Nẵng, với vở Ngọn lửa Hồng Sơn đoạt 2 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc, được Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tặng Bằng khen.
Tại hội diễn sân khấu không chuyên tỉnh Bắc Ninh năm 2011, vở Lý Thường Kiệt đoạt Huy chương Bạc và được giải dàn nhạc hay nhất hội diễn…
Cùng với việc truyền dạy âm nhạc tuồng cho các thành viên trong đoàn, ông Nguyễn Đức Tý còn giúp đào tạo nhạc tuồng cho nhiều CLB trong huyện Yên Phong như CLB tuồng Trung Bạn, Nghiêm Xá, Ngô Nội… và nhiều CLB lân cận khác.
Song song với đó, ông cũng không ngừng khôi phục, phát triển nhạc tuồng, dày công sưu tầm, phục dựng các bài nhạc lễ, nhạc hội đặc sắc của thôn và tham gia sáng tác âm nhạc để phục vụ trong các dịp lễ tết, hội hè hay các sự kiện chính trị quan trọng của địa phương.
Trong khi các sân khấu tuồng chuyên nghiệp ở nhiều tỉnh thành đang sống dở, chết dở, nghệ sĩ tuồng than thở vì đời sống khốn khó, thì ở Phú Mẫn dẫu chỉ là một đoàn tuồng góp của những nông dân, không nhà hát, không biên chế, không lương bổng gì hết, dân tự đóng kinh phí vẫn sống rất khỏe nơi thôn dã.
Họ không những tạo ra được những sân chơi tuồng đầy cảm hứng, mà còn tìm ra được cách thức duy trì sức sống cho tuồng trong cuộc sống hiện đại, song hơn hết có lẽ nỗ lực “cố giữ gìn cái vốn văn hóa truyền thống cha ông để lại”- như câu nói của vị trưởng đoàn Nguyễn Đức Tý mà tôi được nghe đã góp phần bảo tồn tuồng trong dân gian.