Để có cơ sở cho việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng vào năm 2023, Bộ LĐTBXH vừa cho biết, từ ngày 1/4 tới, cơ quan này sẽ tiến hành khảo sát tại 2.000 doanh nghiệp thuộc 18 tỉnh, thành phố để thu thập thông tin về tình hình lao động, tiền lương làm cơ sở cho việc đề xuất điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2022. Trong đó, 3 tỉnh có số doanh nghiệp được khảo sát nhiều nhất là: Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng với số lượng 150 doanh nghiệp/thành phố. Việc điều tra sẽ kéo dài trong 60 ngày.
Hai năm qua, do ảnh hưởng của Covid-19 nên lương tối thiểu vùng đã không tăng và được thực hiện theo mức lương: Mức 4.420.000 đồng/tháng: Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I. Mức 3.920.000 đồng/tháng: Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II. Mức 3.430.000 đồng/tháng: Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III. Mức 3.070.000 đồng/tháng: Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.
Trước thực tế tiền lương tối thiểu vùng chưa được điều chỉnh, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia bày tỏ: Tăng lương tối thiểu là nhu cầu chính đáng và bức thiết của đa số lao động sau hai năm bị trì hoãn. Bởi công nhân chưa hết những khó khăn do đại dịch giờ tiếp tục đối mặt giá cả tăng cao nên rất cần bù đắp khoản thiếu hụt.
Theo tính toán của Viện Công nhân và Công đoàn, sau khi tổng hợp các chỉ số CPI, GDP, năng suất lao động, cung cầu lao động, khả năng chi trả của doanh nghiệp... riêng năm 2022, lương tối thiểu vùng phải tăng lên ít nhất 10% mới có thể tiệm cận mức sống thấp nhất.
Ngoài ra, tổ chức công đoàn khảo sát mức sống tối thiểu để có cơ sở phục vụ cho phiên họp sắp tới của Hội đồng tiền lương quốc gia với kỳ vọng mức tăng năm nay bù đắp được phần thiếu hụt của giai đoạn 2016-2020 và hai năm tạm hoãn. Ông Ngọ Duy Hiểu cho biết, trước đó Tổng liên đoàn nhiều lần đề xuất tăng lương tối thiểu trong năm 2021, rồi vào nửa đầu năm 2022.
Ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) cho rằng, cần sớm điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng ngay trong năm 2022, nếu đợi đến năm 2023 mới điều chỉnh thì đang “nợ” người lao động một khoảng thời gian quá dài không được tăng lương tối thiểu, trong khi các chỉ số làm căn cứ điều chỉnh tiền lương tối thiểu đã thay đổi rất nhiều.