Người lao động khốn khổ với 'tín dụng đen'

Lan Hương – Minh Sang 02/06/2022 07:42

Thủ tục nhanh gọn, không cần thế chấp, giải ngân sau vài giờ... là những lời quảng cáo vô cùng hấp dẫn mà các đối tượng cho vay nặng lãi (tín dụng đen) chào mời người có nhu cầu vay tiền, đặc biệt là công nhân tại các khu công nghiệp. Nhẹ dạ, cả tin, không ít người lao động phải “ngậm đắng nuốt cay” khi vay tiền từ “tín dụng đen”.

Đời sống còn nhiều khó khăn khiến không ít công nhân phải tìm đến “tín dụng đen”.

Thủ tục nhanh gọn, không cần thế chấp, giải ngân sau vài giờ là những lời quảng cáo mà các đối tượng cho vay nặng lãi (tín dụng đen) chào mời những người có nhu cầu vay tiền, đặc biệt là công nhân tại các khu công nghiệp. Có không ít người lao động phải “ngậm đắng nuốt cay” khi vay tiền từ các tụ điểm cho vay nặng lãi.

Lao đao vì vay nặng lãi

Sau nhiều tháng tạm nghỉ việc không lương do ảnh hưởng của dịch Covid - 19, chị Nguyễn Thị Thắm, công nhân khu công nghiệp (KCN) Bá Thiện 1, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc đánh liều vay 30 triệu đồng trên app vay tiền online. Chỉ cần chụp ảnh chứng minh thư hoặc căn cước công dân và điền thông tin, sau 3 giờ đồng hồ, chị Thắm đã được giải ngân số tiền 30 triệu đồng với lãi suất 6%/tháng. Với số tiền này chị Thắm dự định sẽ hoàn trả trong 2 tháng nhưng ra Tết, công ty chưa có nhiều việc, hai vợ chồng chị vẫn tiếp tục nghỉ ở nhà không lương nên tiền nợ vẫn chưa thể trả. Quá hạn trả nợ, chị Thắm phải gánh tiền phạt lên tới 500.000 đồng/ngày, từ số nợ ban đầu 30 triệu đồng, chỉ sau 2 tháng đã tăng lên 60 triệu đồng. Tá hỏa khi nhận số tiền thông báo nợ, song vợ chồng chị Thắm cũng chẳng biết kêu ai đành bán đi 1 sào ruộng đất nông nghiệp để lấy tiền trả nợ.

Câu chuyện của chị Thắm không phải cá biệt. Thời gian gần đây, lợi dụng việc người lao động (NLĐ) gặp khó khăn về tài chính, thất nghiệp, các tụ điểm cho vay nặng lãi mọc lên như nấm tại các KCN với không ít chiêu thức tinh vi. Các đối tượng cho vay nặng lãi thường dán tờ rơi quảng cáo mời chào vay vốn ở gần các KCN, khu nhà trọ nơi có đông NLĐ sinh sống. Không ít công nhân do gặp khó khăn về tài chính và tin vào những lời mời gọi đường mật đã vay tiền với lãi suất cao. Khi không có khả năng chi trả, họ bị chủ nợ đe dọa, thậm chí thuê xã hội đen đến cảnh báo...

Mới đây, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Bình Phước cho biết, đã đề nghị cơ quan chức năng liên quan vào cuộc điều tra, xử lý vụ việc một nữ cán bộ công đoàn của một doanh nghiệp bị đe dọa, đăng hình lên mạng xã hội với dụng ý bêu xấu, lăng mạ do nữ cán bộ công đoàn này không hợp tác trong một sự vụ liên quan đến "tín dụng đen"; đồng thời có biện pháp bảo vệ đối với nữ cán bộ công đoàn này.

Cụ thể, theo trình bày của chị T.T.T, cán bộ công đoàn, Công ty Trách nhiệm hữu hạn New Apparel Far Eastern, ngày 9/5, chị bất ngờ nhận được cuộc gọi từ một số lạ nói có 2 công nhân làm việc tại công ty vay tiền, yêu cầu chị T. báo công nhân trả tiền cho họ. Thấy các đối tượng có thái độ hăm dọa, chị T. đã không hợp tác. Các đối tượng sau đó gán ghép hình ảnh chị T. và đưa thông tin dựng chuyện sai sự thật để lăng mạ, hạ uy tín chị T.. Đáng nói, các đối tượng ghép hình chị T. với nam công nhân đã vay "tín dụng đen" và dựng chuyện, chị T. gạ gẫm cướp chồng người khác. Các đối tượng sau đó đã dùng hình ảnh và thông tin gán ghép trên rồi vào facebook của các công nhân trong công ty New Apparel Far Eastern bình luận với những lời lẽ khiếm nhã.

Sự việc trên cho thấy, những thủ đoạn của các đối tượng cho vay tín dụng đen ngày hạ đẳng, vì lợi nhuận, có thể hạ thấp uy tín của người đi vay...

Thu nhập thấp, đời sống bấp bênh, nhiều công nhân phải tìm đến tín dụng đen để trang trải cuộc sống.
Ảnh: Quang Vinh

Đa dạng gói vay ngắn hạn hỗ trợ NLĐ

Kết quả khảo sát gần đây do Tổng LĐLĐ Việt Nam triển khai cho biết, nạn “tín dụng đen” hoành hành tại các KCN trên khắp cả nước, phổ biến ở các tỉnh: Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Bình Dương… nhiều công nhân là nạn nhân của “tín dụng đen”, phải vay với lãi suất cao. Lãi mẹ đẻ lãi con, công nhân thành con nợ không có khả năng thanh toán và phải bỏ việc do bị đòi nợ, khủng bố, dọa dẫm. Trước thực tế này, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã phát đi những cảnh báo tới hệ thống công đoàn trên cả nước nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của đoàn viên, công nhân lao động.

Bên cạnh đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đã có hướng dẫn, yêu cầu các cấp công đoàn cần tập trung vào việc thực hiện hiệu quả chương trình phúc lợi đoàn viên, trong đó cần chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân lao động như: tiền lương, tiền thưởng, nhà ở; có chính sách hỗ trợ đoàn viên, công nhân lao động nghèo gặp hoàn cảnh khó khăn; hướng dẫn công nhân lao động sử dụng tài chính của bản thân có hiệu quả nhất... Dù vậy nạn “tín dụng đen” vẫn tìm cách len lỏi sâu vào trong KCN-KCX, ngày càng trở thành nỗi ám ảnh của NLĐ.

Tại Bình Dương, trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương cho biết, ngoài ngân hàng, ở Bình Dương có tổ chức tín dụng uy tín phối hợp liên đoàn để hỗ trợ người lao động vay lãi suất thấp, bình quân 0,6% - 0,65%/tháng. Tuy nhiên, với hình thức vay đơn giản, nhanh gọn, các gói cho vay “tín dụng đen” được các đối tượng đưa ra vẫn hấp dẫn công dân, NLĐ tại các KCN, KCX. Chính bởi vậy, dù đã được LĐLĐ tỉnh Bình Phước thường xuyên cảnh báo cũng như tuyên truyền nhưng nhiều NLĐ vẫn chấp nhận rủi ro để vay các mối “tín dụng đen”.

Theo bà Trân, để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn, hạn chế tối đa thực trạng tín dụng đen hoạt động trong các KCN, LĐLĐ tỉnh Bình Dương tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động tới công nhân lao động giúp họ hiểu rõ hơn về sự nguy hiểm của nạn cho vay lãi suất cao; khuyến cáo công nhân khi phát hiện các hoạt động có dấu hiệu của "tín dụng đen" phải báo ngay với tổ chức Công đoàn, các lực lượng chức năng để có biện pháp ngăn chặn.

Quảng cáo về tín dụng đen được dán công khai khắp nơi.

Theo Luật sư Ngô Anh Tuấn - Đoàn Luật sư TP Hà Nội, gần đây, tình trạng công nhân, người lao động tìm đến “tín dụng đen” ngày càng nhiều. Với thủ tục đơn giản, nhanh chóng, thuận tiện, việc vay “tín dụng đen” đã được nhiều người lựa chọn và xem đó là “cứu cánh” trong thời điểm khó khăn. Thế nhưng, chỉ đến khi “bút đã sa” thì NLĐ, công nhân mới té ngửa vì tình trạng “lãi mẹ đẻ lãi con”, nợ chồng nợ đổ ụp lên đầu họ. Chưa dừng lại ở đó, nhiều người còn bị tấn công, đe dọa bởi xã hội đen... Thậm chí nhiều người đã phải bỏ việc để bảo đảm sự bình an cho gia đình.

“Trong Bộ Luật hình sự đã có những quy định về việc xét xử hình sự đối với người cho vay nặng lãi, đây là chế tài tương đối nặng. Tuy nhiên, việc thực thi còn gặp khó vì bản chất của việc vay hoặc cho vay liên quan đến cá nhân nhiều hơn, chỉ khi người đi vay lo sợ bị xã hội đen đòi nợ hoặc không thể trả được nợ thì mới báo cho cơ quan chức năng” – Luật sư Tuấn nhận định. Theo vị luật sư này, để hạn chế, đẩy lùi “tín dụng đen”, các tổ chức tín dụng hoặc các ngân hàng cần có nhiều gói vay linh hoạt hơn để hỗ trợ người dân, người có thu nhập thấp. Cùng với đó, các tổ chức tín dụng cần đa dạng hóa những loại hình tín dụng phục vụ đời sống, tiêu dùng cho người dân với thủ tục đơn giản, thuận tiện.

Trao đổi với báo chí, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, để ngăn chặn hiện tượng biến tướng “tín dụng đen” từ vay qua app, NHNN đang rà soát lại hệ thống pháp lý liên quan đến hoạt động này. Ngoài ra, NHNN phối hợp với các cơ quan chức năng hướng dẫn về mặt kỹ thuật để giúp cho người dân nhận biết được khi sử dụng qua hệ thống công nghệ đâu là chính thức, đâu là không chính thức.

Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam:

Phải hình thành hệ thống tín dụng ưu đãi cho công nhân

Tín dụng đen nở rộ và đang tác động tiêu cực đến đời sống người dân. Đáng chú ý, sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19, đời sống của đại bộ phận công nhân đều gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, khả năng tiếp cận chính sách tín dụng của NLĐ rất hạn chế, do vậy công nhân đã phải lựa chọn vay qua “tín dụng đen”. Hệ lụy của việc vay qua “tín dụng đen” rất lớn, rất nhiều NLĐ rơi vào đường cùng, bán xe cầm cố tài sản để trả nợ, giữ an toàn cho người thân và con cái.

Nhiều NLĐ khi phải tìm đến “tín dụng đen” là việc cực chẳng đã. Một số người là vì kinh tế quá khó khăn, cũng có người vì tính toán sai lầm nên đã “mắc bẫy” tín dụng đen. Tại nhiều địa phương, việc đấu tranh chưa hiệu quả nên hoạt động “tín dụng đen” ngày càng hoạt động một cách công khai. Tại nhiều KCN, KCX không khó để bắt gặp những tờ rơi quảng cáo rầm rộ với mức cho vay và lãi suất hết sức “béo bở”. Vướng vào “tín dụng đen”, không chỉ người vay bị ảnh hưởng mà thời gian gần đây, nhiều cán bộ công đoàn cũng bị đe dọa, bôi nhọ lôi kéo vì NLĐ vay qua “tín dụng đen”. Trước thực tế này, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo các cấp công đoàn trong việc nắm tình hình và phối hợp với chính quyền đặc biệt là công an. Tuy nhiên, để thực hiện bền vững, lâu dài chúng ta phải có chính sách hỗ trợ để công nhân có thể dễ dàng tiếp cận với chính sách tín dụng ưu đãi.

Trước hết ở góc độ Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cần thiết hình thành những nguồn tín dụng cho công nhân giống như nguồn vốn do Ngân hàng chính sách xã hội đang triển khai cho hộ nghèo, cận nghèo vay ưu đãi. Hiện nay công nhân không được xác định là đối tượng nghèo và cận nghèo. Thế nhưng, thực tế thì thu nhập của công nhân rất thấp, thậm chí nhiều NLĐ có thu nhập không bằng nông dân vì không có đất sản xuất nông nghiệp tăng thêm. Trong bối cảnh phát triển kinh tế, NLĐ là lực lượng nòng cốt nên rất cần thiết phải hình thành hệ thống tín dụng ưu đãi dành cho NLĐ, cho công nhân.

Ở góc độ Tổng Liên đoàn Công đoàn, thời gian qua chúng tôi đã triển khai phối hợp với nhiều đối tượng phúc lợi, quỹ tài chính, ngân hàng theo đó các quỹ, ngân hàng này thông qua hệ thống tín chấp của tổ chức hệ thống công đoàn giúp NLĐ tiếp cận vốn. Tuy nhiên bản thân năng lực của các tổ chức tín dụng này không đủ nguồn lực để có thể giúp tất cả NLĐ đang có nhu cầu. Chính vì vậy, theo tôi giải pháp hiệu quả và lâu dài là phải hình thành hệ thống tín dụng ưu đãi dành cho công nhân. Bên cạnh đó phải thúc đẩy doanh nghiệp phát triển để từ đó NLĐ có thu nhập cao hơn.

L.Bảo – M.Sang(Ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người lao động khốn khổ với 'tín dụng đen'