Nhà ở xã hội (NOXH) cho công nhân và người lao động ở TP HCM đang ở mức rất thấp. Trong khi đó thủ tục để triển khai một dự án NOXH lại còn phức tạp. Điều này làm giảm cơ hội sở hữu nhà ở của những lao động nghèo…
Thống kê mới nhất của của Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), hiện thành phố có trên 122 ngàn công chức, viên chức nhưng mới chỉ có hơn 5 ngàn cán bộ được hỗ trợ vay ưu đãi với lãi suất 4,7%/năm trong 20 năm để mua nhà. Thành phố hiện cũng có khoảng 3 triệu người nhập cư, chủ yếu là công nhân lao động, phần lớn trong số họ muốn thuê NOXH, hoặc phòng trọ. Có 285 ngàn công nhân tại 17 khu công nghiệp, khu chế xuất nhưng chỉ có 15% được thuê chỗ ở tại các nhà lưu trú công nhân.
Về nhà trọ, toàn thành phố hiện có khoảng trên 60 ngàn cơ sở nhà trọ của cá nhân, hộ gia đình với hơn 560 ngàn phòng trọ, đã giải quyết chỗ ở cho khoảng 1,4 triệu công nhân lao động thuê phòng trọ với giá thuê khoảng 800 ngàn cho đến 1,5 triệu đồng/tháng. Số tiền thuê nhà chiếm đến khoảng 20% thu nhập.
Đề cập đến việc phát triển NOXH của TP HCM, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho biết, giai đoạn 2016-2020, thành phố xây dựng 15.000 căn NOXH, đạt 75% kế hoạch, nhưng kết quả này chưa đáp ứng được nhu cầu NOXH rất lớn của người thu nhập thấp.
Khẳng định thêm về những khó khăn, ông Huỳnh Thanh Khiết - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM cho hay, 4 năm của giai đoạn 2016-2020 chỉ hoàn thành và đưa vào sử dụng 19 dự án NOXH. Điều đáng nói chỉ có 2 dự án trong số đó sử dụng vốn ngân sách với quy mô 366 căn hộ; 1 dự án vừa sử dụng vốn ngân sách, vừa sử dụng vốn doanh nghiệp với 718 căn hộ; còn lại là vốn doanh nghiệp. Trong khi đó, thành phố cũng chỉ đầu tư xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng một dự án nhà lưu trú công nhân với quy mô 1.449 phòng; một dự án ký túc xá sinh viên với 423 chỗ ở trong giai đoạn này.
Trao đổi về kế hoạch phát triển NOXH giai đoạn 2021-2025, ông Khiết cũng thừa nhận là việc này gặp rất nhiều trở ngại, bởi vướng thủ tục, nguồn vốn và nhiều việc cần phải tháo gỡ. Riêng trong năm 2022, thành phố đặt mục tiêu trển khai sẽ triển khai 18 dự án, trong đó có 6 dự án NOXH nhưng cố gắng lắm cũng chỉ triển khai được 3 dự án.
Ông Lê Hoàng Châu phản ánh, việc triển khai các dự án NOXH gặp nhiều khó khăn bởi nhiều nguyên nhân như: Doanh nghiệp phát triển các dự án NOXH chưa được vay ưu đãi NOXH với lãi suất 4,8% theo quy định. Trong khi đó, NOXH cho thuê chưa được giảm 70% thuế suất Thuế giá trị gia tăng, Thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, quy trình thủ tục đầu tư dự án NOXH của doanh nghiệp tư nhân còn khá rắc rối. Điển hình như chủ đầu tư dự án NOXH “được điều chỉnh tăng mật độ xây dựng hoặc hệ số sử dụng đất lên tối đa 1,5 lần” theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 Nghị định 100/2015/NĐ-CP, nhưng cơ quan nhà nước có thẩm quyền không dám phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của dự án NOXH do lo ngại tăng dân số cục bộ, không phù hợp với quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 đã được phê duyệt.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM cũng cho rằng, thủ tục đầu tư dự án NOXH đang cản trở nhà đầu tư. Quy định về thủ tục đầu tư xây dựng dự án NOXH nhiều hơn, và khó hơn so với nhà ở thương mại dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện, chưa thu hút các nhà đầu tư tham gia. Vì vậy nhà đầu tư không mặn mà tham gia, trong khi nguồn ngân sách thì không bảo đảm.
Kết quả khảo sát của Liên đoàn lao động TP HCM cho thấy, riêng với công nhân ngành may mặc thu nhập bình quân khoảng 6,8 triệu đồng/tháng, trong đó có 21% có thu nhập dưới 5 triệu đồng/tháng; 40% có thu nhập 5 - 8 triệu đồng/tháng; 16% có thu nhập 8 - 12 đồng/tháng và chỉ có khoảng 3% có thu nhập trên 12 triệu đồng/tháng. Đặc biệt có đến 41% công nhân lao động cho rằng không đủ sống; có 15,8% cho biết vừa đủ sống...