Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án dân sự nhóm 5 nữ sinh đánh hội đồng bạn ở Hưng Yên vừa diễn ra cách đây ít ngày. Hình ảnh 5 nữ sinh cúi đầu lặng lẽ trong phiên tòa ấy khiến người ta ái ngại, xót xa nhiều hơn…
Vấn nạn bạo lực học đường lâu nay dù bị lên án nhiều, nhưng vẫn có chiều hướng gia tăng. Đơn cử như mới đây nhất, lại tiếp tục một vụ việc nữ sinh đánh nhau xảy ra. Cũng chỉ vì mâu thuẫn trên mạng xã hội, hai nữ sinh khối 8 đánh, giật tóc 4 nữ sinh khối 6. Ngày 31/10, lãnh đạo Trường THCS Long Hậu (huyện Lai Vung, Đồng Tháp) đã xác nhận đoạn video lan truyền trên mạng hình ảnh 2 nữ sinh lớn tuổi đánh, giật tóc 4 học sinh khác là học sinh của trường mình.
Điều đáng nói là qua các vụ việc bạo lực đã xảy ra thời gian qua, có thể thấy vấn đề bạo lực học đường không chỉ diễn ra với đối tượng là các em học sinh với nhau, mà nhìn ở nhiều phía còn là ứng xử của giáo viên với học sinh, giáo viên với giáo viên; phụ huynh với giáo viên... Bạo lực học đường cũng không chỉ là là những hành vi bạo lực về thể xác mà còn là bạo lực, bạo hành về tinh thần... khiến cho môi trường giáo dục chưa thực sự văn minh, đúng như slogan mà mỗi trường học chọn treo ở nơi trang trọng nhất.
Nhiều nguyên nhân, lý giải về tình trạng bạo lực học đường được đưa ra. Trong đó người ta nhắc nhiều tới thế chân kiềng bị lỏng lẻo lâu nay trong việc phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Thêm vào đó là việc thiếu phòng tư vấn tâm lý học đường- trong khi học sinh bậc THCS, THPT ở độ tuổi dễ bị khủng hoảng tâm lý, dễ bị kích động.
Nhìn ở góc độ nào, những phân tích của các chuyên gia cũng đúng. Nhưng ở góc nhìn của phụ huynh, nhiều người sẽ có chung suy nghĩ: Mục tiêu giáo dục quyết định hiệu quả của giáo dục, nhân cách học sinh. Đơn cử như tôi không kỳ vọng con mình sẽ học giỏi văn, nên những bài văn con làm đủ ý, khái quát được yêu cầu của đề bài đã được coi là “đạt”. Nhưng con bảo, yêu cầu cùa cô giáo không phải thế, cô đo chất lượng của một bài văn bằng số trang giấy. Nói rồi con bức xúc chia sẻ, vừa rồi cô cho cho cả lớp làm bài kiểm tra 15 phút phân tích về nhân vật Sở Khanh trong trích đoạn Truyện Kiều. Trong khi con chỉ viết chừng 5-7 dòng, còn một vài bạn viết kín 2 trang giấy. Tuy viết dài như thế, nhưng các bạn ấy không xác định được Sở Khanh làm nghề gì (bởi nếu gọi đúng bản chất nghề nghiệp thì Sở Khanh là gã chuyên lừa tình). Vì thế, con cho rằng, những bài văn viết dài loằng ngoằng cũng vô nghĩa, khi mà họ không đưa ra được những thông tin tối thiểu về nhân vật đang được phân tích.
Từ một ví dụ cụ thể nêu trên để thấy rằng, khi giáo viên lo dạy chữ hơn dạy làm người, quan tâm đến một bài văn mẫu hơn là ý tưởng sáng tạo, tìm tòi phát hiện; hay quăng tập vở học trò xuống đất khi các em làm bài chưa đạt… thì rõ là những nhu cầu được chia sẻ về mặt tâm lý của học sinh vẫn là mong ước xa xôi. Những chuyện xích mích giữa các nhóm bạn học diễn ra ở trường - nếu không được người lớn/giáo viên giúp giải tỏa, giảng hòa kịp thời, ắt sẽ có ngày bùng phát thành mâu thuẫn lớn…Sau vụ việc nữ sinh đánh nhau xảy ra ở Hưng Yên, vai trò, trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm cũng được đặt ra. Nhưng đổ hết lỗi cho giáo viên chủ nhiệm, thì thật là không công bằng.
Nói khác đi, trong cái nhức nhối của vấn nạn bạo lực học đường, nói cho cùng tất cả “những người lớn” không ai là vô can. Bởi vẫn có không ít nhà trường và giáo viên chủ nhiệm nặng bệnh thành tích và thi đua; vẫn có không ít ông bố bà mẹ cả năm học không chủ động tương tác với giáo viên chủ nhiệm. Hay cũng có không ít những bậc cha mẹ luôn “né” đi họp phụ huynh, bởi cho rằng việc đó “mất thời gian”. Và khi sự việc đã rồi, ai cũng nháo nhác đi tìm người để đổ lỗi…