Những ngày qua, tại vùng lũ lụt Quảng Bình, người làm công tác Mặt trận các cấp luôn có mặt nơi đỉnh lũ để cứu dân, cùng chia ngọt sẻ bùi trong khó khăn, hoạn nạn…
Đến ngày 21/10, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, nước lũ vẫn một màu trắng xóa. Mặc dù lượng mưa đã giảm nhưng lũ rút chậm, cho nên hàng chục nghìn hộ dân vẫn đang gồng mình đối mặt với cơn lũ lịch sử. Hàng trăm gia đình vẫn phải tránh lũ trên nóc nhà, các trụ sở cơ quan hoặc chạy tránh lũ trên các động cát để ở tạm. Thời tiết chuyển lạnh cùng với mưa nặng hạt nên người chạy lũ cảm giác đói rét cứ chực chờ.
Gần dân để cứu dân
Hơn một tuần nay, ông Võ Văn Thông, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Sơn Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) lăn lộn trên dòng nước lũ để giúp đỡ người dân các thôn vùng rốn lũ. Ông chỉ trở về nhà khi trời đã khuya. Cũng như đợt mưa lũ lần trước (ngày 9 và ngày 10/10), ông Thông luôn xác định trách nhiệm, nhiệt tình có mặt ở những thôn ngập sâu để hỗ trợ bà con phòng, tránh lũ. Mới đây, ông Thông đã kêu gọi mọi người cùng chung tay hỗ trợ để mua thêm một chiếc đò nhôm rộng dài để chủ động phương tiện di chuyển trong mưa lũ.
Trên chiếc đò nhôm giữa cánh đồng mênh mông nước bạc, ông Thông cho biết, xã có 2.100 hộ dân, trong đó hơn 1.500 hộ nhà bị ngập hoàn toàn tập trung tại các thôn Vinh Quang, Ngô Bắc, Mỹ Hòa, Ngô Xá, Lai Xá, Hoàng Đàm… Nhiều hộ bị nước ngập lên nóc nhà nên chấp nhận bỏ của chạy lấy người.
Tiếng ông Thông át đi trong mưa gió.
Chiếc thuyền nhôm tiến dần về phía trước. Ông Thông chỉ về thôn Vinh Quang, địa phương “rốn lũ” ở huyện Lệ Thủy. Rồi ông ngậm ngùi: “Còn chi nữa mô, Vinh Quang như một ốc đảo bị cô lập giữa bốn bề biển nước. Những ngày qua, chỉ có ca-nô công suất lớn của bộ đội, công an mới tiếp cận hỗ trợ cho bà con lương thực, thực phẩm, nước uống tạm cầm cự chờ nước rút. Chứ đò nhỏ không thể vào Vinh Quang được. Toàn thôn Vinh Quang hiện có gần 180 hộ dân, không một nhà nào là không bị ngập”.
Trong mưa lũ lịch sử này, người dân tâm lũ Sơn Thủy tiếp tục chạy lũ lên trú tại Trường Tiểu học Sơn Thủy, sát đường Hồ Chí Minh thuộc thôn Hoàng Trung Lộc, điểm cao nhất xã. Và để người dân không bị đói, rét, thông qua mạng xã hội, ông Thông đã kêu gọi sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng. Vì vậy, bà con đã nhận được sự cưu mang, giúp đỡ từ các đoàn thiện nguyện và nhân dân các vùng lân cận theo tinh thần tương thân, tương ái, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.
Ông Ngô Văn Cán ở thôn Ngô Bắc nhận suất ăn do ông Thông mang tới, kể rằng: “Hai vợ chồng với đứa cháu nội ngồi trên tra (gầm) nhà rồi, nhưng nước lên nhanh, sóng gió to quá nên phải dỡ ngói chui ra kêu cứu. Thuyền cứu hộ của Mặt trận xã đã đưa chúng tôi đến nơi an toàn. Việc ăn uống đã có Mặt trận xã và các đoàn tình nguyện hỗ trợ nên chúng tôi thấy an lòng”.
Không để dân bị đói
Lệ Thủy là một trong những địa phương ở tỉnh Quảng Bình bị thiệt hại nặng nề nhất trong đợt lũ này. Ông Lê Vĩnh Thế, Bí thư Huyện ủy cho biết: huyện có 2 người chết, khoảng 30.000 nhà bị ngập nước từ 2-3 m. Đến tối ngày 21/10, trên địa bàn huyện vẫn có mưa vừa, nước rút chậm và hàng chục hộ dân các xã, thị trấn vẫn chìm trong biển nước. Hiện địa phương đang tập trung cứu trợ nhân dân để bà con sớm vượt qua cơn đói, rét”.
Theo nhiều bà con tại tâm lũ huyện Lệ Thủy, do lũ lên cao cuốn trôi nhiều tài sản nên họ đang thiếu lương thực, thực phẩm, quần áo, chăn ấm. Tại xã An Thủy, địa phương bị ngập sâu trong lũ, những ngày qua, công tác cứu trợ người dân ở đây gặp khó khăn, do địa hình chia cắt bởi nước sâu gió to nên phương tiện ứng cứu bằng thuyền bè, ca-nô bị hạn chế. Nhưng nhiều chuyến xe chở hàng cứu trợ đã tập kết ở ngã ba Cam Liên (xã Cam Thủy), sau đó dùng ca nô và thuyền vận chuyển tới từng hộ gia đình đang tránh lũ trên các gầm nhà.
Với quyết tâm không để người dân đói, khát, Mặt trận thị xã Ba Đồn (tỉnh Quảng Bình) đã phối hợp với các ban ngành, đơn vị huy động người, phương tiện cùng các nhu yếu phẩm đem cứu trợ người dân ở các xã vùng cồn bãi sông Gianh.
Bà Trần Thị Tuyết Lan, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã Ba Đồn cho biết, để giúp người dân vùng lũ, trong những ngày qua, người Mặt trận Ba Đồn đã cật lực mang hàng cứu trợ về trao tận tay ở các địa phương vùng cồn bãi dọc sông Gianh.
“Giữa mưa to, nước lớn, chúng tôi làm việc hết công suất để người dân không bị đói khát. Nhìn cảnh bà con trú tránh trên nóc nhà, bốn bề nước dâng cao chảy xiết, cái ăn cái uống thiếu thốn mà chảy nước mắt, chỉ mong thiên tai mau qua để người dân bớt khổ” - bà Lan chia sẻ.
Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Đinh Hồng Sâm, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Minh Hóa cũng cho biết: “Tới chiều ngày 21/10, đã có khoảng 10 đoàn cứu trợ với trên 2.000 suất quà đã, đang và sẽ được trao cho bà con vùng lũ. Các suất quà trước mắt chủ yếu là mỳ tôm, gạo, lương khô, nước uống… Ngoài ra, chúng tôi còn kêu gọi các tổ chức, đoàn thể, cá nhân tham gia nấu các suất cơm miễn phí để cứu trợ cho bà con vùng lũ và các lực lượng cứu trợ, cứu hộ. Trên địa bàn huyện Minh Hóa đã tổ chức nhiều điểm nấu ăn tại xã Trung Hóa, Hóa Thanh, Hóa Phúc và thị trấn Quy Đạt với 1.700 suất ăn sẽ được phát miễn phí cho bà con”.
Tuy nhiên, không phải nơi nào hàng cứu trợ cũng có thể đến ngay được với người dân. Trong những ngày qua, mưa lũ đã gây ngập lụt gần như toàn bộ các xã, thị trấn thuộc địa bàn huyện Quảng Ninh. Đến chiều ngày 21/10, lượng mưa đã giảm, nhưng nước lũ vẫn rút rất chậm. Vì thế, rất nhiều địa bàn ngập lụt vẫn đang bị cô lập, các lực lượng cơ động rất khó tiếp cận để cứu trợ lương thực, thực phẩm cho người dân.
Trong mưa lũ, chính quyền, Mặt trận các cấp huyện Quảng Ninh đã phát huy tinh thần tương thân tương ái, cộng đồng trách nhiệm, giúp đỡ lẫn nhau; đồng thời nhanh chóng tiếp nhận, phân bổ hàng cứu trợ của các nhà hảo tâm kịp thời đến người dân vùng trọng điểm ngập lụt.
Bà Lê Thị Minh Hải, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Quảng Ninh cho biết: “Chúng tôi đã tiếp nhận, đồng hành cùng hàng trăm đoàn cứu trợ ủng hộ lương thực, các nhu yếu phẩm cứu trợ bà con. Mặt trận huyện, Ban cứu trợ huyện cũng đã phối hợp tổ chức các đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đã chia các đoàn theo các thuyền trực tiếp về tận từng thôn, xóm trao lương thực, nước uống hỗ trợ bà con”.
Vẫn theo bà Hải, hiện các “bếp từ thiện” tại thành phố Đồng Hới và các địa phương vùng biển, vùng không bị ngập lụt vẫn tất bật chuẩn bị hàng nghìn suất cơm miễn phí cùng nhu yếu phẩm cần thiết để cứu trợ cho bà con ngập lụt trong huyện Quảng Ninh. Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Quảng Ninh lập ban cứu trợ để tiếp nhận, phân bổ các suất quà đến tay người dân vùng lũ nhằm giúp bà con ấm lòng, sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống…
Hỗ trợ sinh kế giúp người dân vượt qua khó khăn
Ngày 21/10, trên chiếc thuyền nhôm dập dềnh, bà Phạm Thị Hân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình đã về vùng rốn lũ ở huyện Quảng Ninh và huyện Lệ Thủy để thăm hỏi và hỗ trợ người dân.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình đã đến thăm và cảm ơn anh Trần Xuân Thế (ở thôn Xuân Dục 1, xã Xuân Ninh, Quảng Ninh) người trong đêm đã cứu gia đình ông Nguyễn Hữu Nghị, (xóm 6 Xuân Dục) đến nơi an toàn. Cụ thể vào lúc 3h sáng ngày 19/10, khi nước lũ dâng cao, nghe tiếng kêu cứu, trên chiếc thuyền nhôm giữa dòng nước lũ chảy xiết, anh Thế đã liều mình đi cứu bà con láng giềng, trong đó có ông Nghị.
Dịp này, bà Phạm Thị Hân đã đến thăm và hỗ trợ gia đình ông Nguyễn Văn Lợi, người mắc lũ tại cồn Long Đại. Giữa dòng lũ lớn, ông Lợi đã được lực lượng phòng, chống lũ lụt xã Xuân Ninh giải cứu vào đêm 17/10.
Chia sẻ những khó khăn với bà con ở thôn Đồng Tư, xã Hiền Ninh, bà Hân cho biết, cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Mặt trận các cấp ở Quảng Bình hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn này bằng những hành động cụ thể không để bà con thiếu đói hay mặc lạnh trong lũ lụt. Khi nước lũ rút đi, Mặt trận tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ bà con bằng con giống, cây trồng… bởi bà con ta thường động viên nhau “còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”.
Cũng theo bà Phạm Thị Hân, để giúp bà con vượt qua thiên tai lũ lụt lịch sử, những ngày này, Mặt trận tỉnh đã bố trí, cắt cử người hướng dẫn các đoàn từ thiện về cứu trợ ở các địa phương đảm bảo cân đối, tránh trường hợp nơi nhận nhiều nơi nhận ít.
“Chúng tôi cũng đã thành lập Ban tiếp nhận cứu trợ tại trụ sở đơn vị; đồng thời tổ chức các đoàn về các vùng lũ lụt để hỗ trợ, trao tặng lương thực, thực phẩm và các vật phẩm thiết yếu khác để người dân vơi bớt khó khăn” - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình nói.
Đón nhận phần quà hỗ trợ từ Mặt trận thị xã Ba Đồn, bà Nguyễn Thị Hoan, một người dân ở tổ dân phố Cầu, phường Quảng Thuận có nhà bị ngập sâu cho biết, vì nước lũ lên nhanh nên hầu hết đồ đạc, lương thực dự trữ trong nhà đều bị hư hại. Bà Hoan nay đã gần 70 tuổi nhưng theo bà thì chưa bao giờ chứng kiến lũ tràn vào nhà và gây ngập sâu đến như vậy. Chính vì vậy, khi nhận được sự giúp đỡ từ Mặt trận, bà Hoan cảm động chỉ biết nói lời cảm ơn và nói: “Thiệt đúng là một miếng khi đói bằng một gói khi no, trong hoạn nạn, tình người càng trân quý”.