Ông Hồ Khiên ở xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) không chỉ là một chi hội trưởng nông dân năng động khi tiên phong làm lúa nước mà còn là người có uy tín trong đồng bào ở bản Dộ - Tà Vờng.
Năm nay gần 60 tuổi nhưng ông Hồ Khiên đã có hơn 30 năm làm trưởng bản Tà Vờng (nay là bản Dộ - Tà Vờng). Ông Hồ Khiên còn là công an viên và chi hội trưởng nông dân. Ở vai nào, ông cũng là người luôn năng nổ với công việc; tích cực tuyên truyền, vận động bà con xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, sẵn sàng giúp đỡ bà con khi khó khăn.
Sinh ra lớn lên rồi gắn bó với bản làng, nương rẫy ở vùng biên giới Trọng Hóa, thấu hiểu được sự khó khăn của cộng đồng và chính gia đình mình, ông Hồ Khiên nhận thức, muốn vươn lên, phải biết tự sản xuất, tạo lập đời sống.
Giữa ngôi nhà sàn vững chãi, Hồ Khiên chia sẻ: “Làm trưởng bản, tức là làm cầu nối để đưa các chính sách của Đảng về với nhân dân. Những việc có ích, có lợi cho bà con thì mình phải cố gắng làm thật hiệu quả để bà con hiểu, bà con tin và bà con làm theo. Và để làm được những việc này, trước hết bản thân mình phải gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động ở bản làng”.
Nói đi đôi với làm, thời gian gần đây, ông Hồ Khiên đã khiến cho dân bản thán phục khi tiên phong “cõng lúa nước” về bản. Để gieo được hạt lúa nước bên sườn núi, ông đã tự mình cải tạo đất, tự dẫn nước suối về tới chân ruộng. Giữa trưa nắng vàng, dẫn chúng tôi ra thăm ruộng lúa nước bậc thang, ông Hồ Khiên chia sẻ: “Xem tivi thấy ở vùng miền núi phía Bắc người ta làm ruộng bậc thang nên mình cứ suy nghĩ, điều kiện của mình cũng có thể làm được lúa nước, sao mình không làm?”.
Sáng hôm sau, một mình ông Hồ Khiên lên rẫy cách nhà khoảng 500 m bắt đầu đào, cuốc, đắp bờ ruộng. Qua thời gian, cùng với sự giúp đỡ của cán bộ Mặt trận huyện, cán bộ nông nghiệp và đồn biên phòng, vụ lúa nước bậc thang đầu tiên, Hồ Khiên trồng giống lúa TH6 trên diện tích 700 m2. Suốt thời gian chăm sóc cây lúa, ông sử dụng phân bón hữu cơ, cuối vụ cho năng suất khá cao.
Năm nay, lãnh đạo xã Trọng Hóa huy động máy móc, nhân lực, giúp ông Khiên làm mảnh ruộng thành những ô, thửa đẹp mắt. Đảng ủy xã cử Phó Chủ tịch UBND Phạm Văn Bắc và trưởng bản Hồ Khiên ra tìm hiểu mô hình làm ruộng bậc thang ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Trở về, dưới sự hướng dẫn của cán bộ xã, ông Khiên ngâm, ủ giống rồi đưa vào gieo sạ. Ngày nào ông cũng có mặt ở ruộng để cho nước vào chân ruộng, theo dõi sự phát triển của cây lúa. Nhìn ruộng lúa nước xanh um, bà con kéo nhau đến xem ruộng lúa của Hồ Khiên rồi tấm tắc khen.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa Phạm Văn Bắc, việc đưa lúa nước lên miền non cao này là một hành trình, là bước đột phá để thay đổi tập quán sản xuất cho bà con người Khùa, Sách, Mày bên mái Trường Sơn. Không chỉ tiên phong trồng lúa nước, gia đình Hồ Khiên còn trồng hơn 9 vạn cây keo, trên 150 cây huê. Ông còn nuôi 4 con bò sinh sản. Từ năm 2018 đến nay, ông còn trồng thêm các loại cây ăn quả như ổi, bưởi, thanh long, mít… và trồng rau. Nhờ đó, cuộc sống gia đình ông Hồ Khiên ngày càng khấm khá.
Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hóa Hồ Thị Thoi nói: Ông Hồ Khiên không chỉ là trưởng bản năng nổ với công việc mà còn là chi hội trưởng nông dân nhiệt tình, luôn đi tiên phong trong lao động sản xuất. Ông là người Mày đầu tiên mạnh dạn khai hoang đồi núi làm lúa nước, mở ra hướng sản xuất mới để nâng cao đời sống cho đồng bào nơi đây.