Với sự tỉ mí, khéo léo, chị Phạm Thị Giáng Sinh (39 tuổi, TP HCM) đã “thổi hồn” biến những gôm đất sét thành tranh vẽ sống động y như thật.
Nghệ thuật là lĩnh vực mà ở đó con người có thể thỏa sức thể hiện sự sáng tạo bằng những ý tưởng độc đáo. Chị Sinh đã thỏa mong muốn của mình khi "thổi hồn" vào đất sét và “biến” chúng thành các tác phẩm nghệ thuật.
Xuất phát điểm là một nhân viên công nghệ thông tin, chị Sinh bất ngờ rẽ hướng với nghề cắm hoa tươi, rồi học làm hoa giấy và sau đó là tạo công ăn, việc làm cho nhiều học viên.
Thế nhưng, chỉ khi “phải lòng” đất sét, chị mới tìm ra chất liệu đặc biệt cắm trên nền tranh sơn dầu. Trên nền tảng có sẵn, chị phát triển chất liệu đặc biệt này và cần mẫn tạo nên những tác phẩm lãng hoa từ đất sét khiến người xem thích mắt.
Tìm chất liệu cho hoa không héo
Chị Sinh đã có cả chục năm gắn bó với hoa, từ hoa tươi, đến hoa giấy và giờ đây là hoa làm từ đất sét. Chị bén duyên với lĩnh vực này hết sức tình cờ, ngẫu hứng.
Năm 2006, chị Sinh bắt đầu với công việc chuyên môn mà mình được đào tạo bài bản và trở thành một kỹ thuật viên tin học. Khi đó, cả hai vợ chồng chị đều theo đúng chuyên ngành mình học. Thế nhưng, chị bất ngờ rẽ hướng đến với hoa như là cơ duyên tiền định.
Năm 2011, chị bắt đầu đăng ký học một khóa cắm hoa tươi, may mắn là được học tại một cơ sở cắm hoa khá đẹp. Ban đầu chị Sinh mở shop kinh doanh mặt hàng này, thế nhưng chị đối mặt với không ít khó khăn vì loại hình dịch vụ khá đặc thù. Bởi hoa tươi rẩt dễ héo nếu không bán hết. Lỗ nặng, chị đành tìm hướng đi khác cho mình.
Kinh doanh hoa tươi chừng 3 tháng, chị Sinh chuyển sang học làm hoa giấy, loại hình có thể khắc phục được những nhược điểm của hoa tươi. Năm 2017, sau 3 năm tiếp xúc với hoa giấy, chị Sinh chuyển sang đào tạo học viên, vừa sáng tạo ra các sản phẩm hoa giấy, vừa đem những kiến thức, kỹ năng mình rèn được truyền thụ cho các chị em có cùng đam mê.
Cuối năm 2019, chị Sinh gặp biến cố lớn trong đời, chị phát hiện mình bị ung thư vú, buộc phải nhập viện điều trị. Để đẩy lùi căn bệnh, chị phải thực hiện các bước hóa trị, phẫu thuật rồi xạ trị. Chị buộc phải dừng tất cả các khóa dạy để tập trung chop việc điều trị.
Cũng chính trong hoàn cảnh này, năm 2020 chị nảy ý tưởng dạy nghề qua video. Một mình chị vừa tự đặt máy quay, giảng lý thuyết và kiêm luôn việc giải đáp các thắc mắc rồi làm thực hành để hướng dẫn các thao tác, biên tập video gãy gọn cho các học trò.
Quãng thời gian dài miệt mài sáng tạo trên vật liệu giấy, chị Sinh có trải nghiệm với không biết bao nhiêu sản phẩm đẹp mình tạo ra. Rồi chị nhận ra một số vấn đề mà nếu so với hoa làm từ đất sét sẽ thấy hoa giấy có những hạn chế nhất định.
Như trên những tờ giấy màu nhập khẩu từ nước ngoài với những màu sắc cố định của nhà sản xuất, những đóa hoa thành phẩm phần nào đơn điệu về gam màu, tạo nên rào cản với những tâm hồn muốn tìm kiếm sáng tạo, khác lạ.
Những bình hoa, đóa hoa làm từ giấy trong suy nghĩ của nhiều người là bất tử theo thời gian, tuy nhiên chị Sinh nhận ra rằng, thật ra chúng sẽ phai màu và bám bụi bẩn theo năm tháng, khó có thể giữ vẻ đẹp được lâu dài. Mà những vấn đề ấy, chị Sinh lại khắc phục được bằng đất sét.
“Từ hoa giấy, hoa tươi… chỉ khi tìm thấy đất sét tôi mới thấy đây là vật liệu mình tìm kiếm bấy lâu nay. Năm ngoái, tôi nghĩ đến việc thử kết hợp đất sét và tranh vẽ. Sản phẩm làm ra may mắn được mọi người đón nhận”, chị Sinh tâm tình.
Đam mê với nghệ thuật
Chị Sinh là người tay ngang nên thời gian đầu tiếp cận với ngành nghề mới, chị gặp không ít khó khăn. Dù vậy, chị vẫn luôn kiên định với mục đích, ý tưởng ban đầu của mình. Chưa bao giờ chị thấy chán nản, từ bỏ ước mơ dù lắm lúc rơi vào bế tắc.
“Thật ra nghệ thuật tạo hình từ đất sét không còn xa lạ trong cuộc sống thường nhật bởi nhiều người đã biết sử dụng vật liệu này để sáng tạo ra các món đồ trang trí đẹp mắt. Tuy nhiên, để tạo ra được những tác phẩm nghệ thuật tinh tế từ đất sét chưa bao giờ là điều dễ dàng. Thời gian dài gắn bó với hoa, tôi nhận ra chỉ có đất sét là chất liệu lưu lại tác phẩm của mình lâu nhất. Tôi muốn mỗi một sản phẩm làm ra đều có giá trị và trường tồn với thời gian”, chị Sinh chia sẻ.
Vốn là một người có kinh nghiệm “chơi” hoa lâu năm thế nhưng chị Sinh vẫn gặp khó khăn khi thực hiện tác phẩm vẽ tranh bằng hoa. Chị nói, công đoạn làm chị đau đầu nhất đấy là vẽ tranh, bởi chị là người tay ngang, vì thế không có kỹ năng về vẽ, mỗi lần bắt tay vào vẽ như là một trải nghiệm mới. Để khắc phục điểm yếu, chị mày mò học hỏi từ người có chuyên môn hoặc lên Youtube tìm cách gỡ rối.
Tất cả những loại hoa đều được chị Sinh nặn bằng tay, từ các chi tiết nhỏ nhất. “Những cánh hoa dùng khuôn làm sẽ đều nhau. Nhưng hoa tự nhiên thì có cánh lớn, cánh bé, dày mỏng khác nhau”, chị Sinh lý giải.
Những bông hoa sau khi thành hình sẽ được sơn lại một lớp màu để hoa được bền, màu sắc tươi tắn và trông thật hơn. Khi đã có đủ hoa, lá cành và tranh nền đã đủ khô, công đoạn cuối cùng là ghép hoa lên tranh. Cuối cùng là cố định bằng keo nến.
Để biến những thỏi đất sét vô hồn thành bông hoa hồng xinh tươi, khi tay nghề đã thành thục, chị Sinh mất khoảng 1 giờ đồng hồ. Mỗi một tác phẩm đều được chị dành trọn tâm huyết gửi gắm. Chị cho hay, thời gian tới để “nuôi” đam mê, chị dự định sẽ tạo nên nhiều sản phẩm đa dạng như set hoa để bàn, đồ trang trí…