Bằng sự khéo léo, chị Nguyễn Thị Xuân Hoa (52 tuổi, TP Hải Phòng) đã biến những chai nhựa, đồ dùng bỏ đi thành bông hoa trang trí, hái tiền triệu khiến vạn người mê.
Sở thích “tha rác” về nhà
Bốn năm trước, chị Xuân Hoa thử làm một hộp bút bằng lọ nhựa để con tặng bạn nhân dịp sinh nhật. Người phụ nữ làm nghề vẽ trang trí gốm sứ và thủy tinh khoe sản phẩm tự làm lên mạng và nhận về nhiều phản hồi tích cực. Từ đó, những đơn hàng làm từ vật liệu tái chế cứ thế đến với chị.
Những vật dụng mà người phụ nữ này làm đa dạng từ mẫu mã đến kiểu dáng, gồm có: đèn, lọ cắm bút, đồ trang trí... Trong đó, đèn hoa trang trí là mặt hàng đòi hỏi tay nghề cao, tính tỉ mỉ chi tiết đến từng công đoạn.
Nguồn nguyên liệu chị Hoa sử dụng thông thường khai thác từ những vật dụng cũ, hỏng, người ta vứt đi không sử dụng đến. Chị Hoa cho rằng, rác cũng là một loại tài nguyên, một tài nguyên quý. Nếu biết tận dụng, chúng sẽ là kho báu vô giá.
Chị Hoa thường đến hàng xóm, bạn bè xin chai, lọ nhựa bỏ đi. “Bạn bè thường nói tôi là người đi đâu cũng “tha rác” về nhà”, chị Hoa tâm tình.
Trải lòng về khoảng thời gian “bén duyên” với rác, chị Hoa kể: “Hàng ngày lượng phế thải đổ ra khu dân cư nơi tôi sinh sống là rất nhiều, lượng rác này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn làm mất mỹ quan đô thị. Bởi thế, tôi luôn ấp ủ ước mơ tái chế lại những đồ dùng vứt đi. Năm ngoái, tôi bắt đầu thử thực hiện điều này và may mắn được nhiều người đón nhận”.
Ban đầu chị Hoa làm đồ handmade từ chai thủy tinh, cắt rồi vẽ trang trí. Sau đó, phát hiện chai nhựa có hình dáng phong phú lại cắt, uốn theo ý tưởng của mình. Nhận thấy, chai nhựa là vật liệu dễ kiếm nhưng khó phân hủy. Dần dà, chị mày mò tìm hiểu và sáng tạo thêm nhiều mẫu mã phong phú.
Theo chị, sản phẩm tái chế từ rác không có công thức chung, bởi nó còn tùy thuộc vào từng mẫu muốn thực hiện. Có những mẫu thì đơn giản nhưng cũng sẽ có những mẫu phức tạp. Công đoạn nhiều hay ít còn phụ thuộc vào mức độ sáng tạo của người thực hiện, đang làm rồi phát sinh thêm ý tưởng thì lại thêm công đoạn”.
Còn nhớ, giây phút cầm trên tay chiếc đèn làm từ bông hoa , chị vẫn chưa dám tin mình đã thành công. Sản phẩm ban đầu được mọi người truyền tay nhau, tấm tắc khen khiến chị càng có thêm động lực để cho ra đời nhiều sản phẩm mới lạ, độc đáo.
Tình yêu với môi trường
Có trách nhiệm, ý thức bảo vệ môi trường, chị Nguyễn Thị Xuân Hoa đã từ bỏ những công việc với mức thu nhập cao để tự mình đứng lên gom rác thải. “Phải lòng” những đồ vật vô tri, vô giác, người phụ nữ này đã "hô biến" chúng thành bông hoa, chiếc đèn, những vật dụng hữu ích.
Nhận thấy, môi trường đang có nhiều sự thay đổi theo hướng tiêu cực, chị Hoa không khỏi lo lắng, trăn trở về những việc mà bản thân đang theo đuổi.
Chị Hoa chia sẻ: “Thật ra, tôi không chú trọng quá nhiều vào việc kinh doanh, tôi chỉ mong muốn bản thân đã, đang và sẽ lan tỏa tinh thần bảo vệ môi trường tới cộng đồng đặc biệt là các bạn trẻ”.
Chị Hoa cho hay, điều khó nhất khi tái sử dụng những vật liệu nhựa xuất phát từ đặc tính của vật liệu đặc biệt này. Chai nhựa thường sẽ có độ nhẹ, mềm nên dễ móp méo, gặp nhiệt độ nóng như keo nến thì rất dễ co lại.
Chia sẻ bí quyết làm ra một sản phẩm ưng ý, chị Hoa thông tin điều quan trọng nhất là phải lên ý tưởng và tìm nguyên liệu phù hợp. Quá trình này sẽ hơi mất thời giờ bởi nguyên liệu không phải khi nào cũng sẵn có. Thời gian để tạo ra một sản phẩm phụ thuộc nhiều vào mẫu mã mình định thực hiện. Có những mẫu chị chỉ mất 1-2 giờ để hoàn thành nhưng cũng có những mẫu mất đến gần nửa ngày mới xong.
Chị nói, vật liệu nhựa mỗi ngày thải ra môi trường với khối lượng rất lớn. Nếu không tái chế nhựa thì số lượng rác thải nhựa xả ra môi trường ngày càng nhiều. Rác thải nhựa thì rất khó phân hủy, không những thế, còn làm hại đến canh tác hoặc cây trồng vì nhựa có thành phần độc hại rất cao nếu để trong thời gian lâu dài. Môi trường nước như sông, kênh, rạch... bị ô nhiễm nặng nề sẽ gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và chăn nuôi...
Với tình yêu môi trường và nỗi trăn trở làm sao để bảo vệ môi trường, chị Hoa mong muốn hành động của mình sẽ được đón nhận và truyền năng lượng tích cực làm môi trường sống tốt lên mỗi ngày.
Hiện, chị Hoa sử dụng thêm kênh Youtube để chia sẻ cách tái chế vật liệu nhựa tới mọi người. Đồng thời chị còn mở lớp hướng dẫn trực tiếp cho các bạn trẻ, nhân cơ hội này chị Hoa muốn tiếp cận và lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường rộng hơn tới cộng đồng.