Bà Bạch Thị Nga (57 tuổi, thôn 9, xã Ba Trại) hiến hơn 1.000 m2 đất để xây dựng đường giao thông nông thôn và mở trường học
Dù hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn nhưng trước phong trào xây dựng nông thôn mới, bà Bạch Thị Nga (57 tuổi, dân tộc Mường, ở xã Ba Trại, huyện Ba Vì, Hà Nội) đã tự nguyện hiến hơn 1.000 m2 đất để mở rộng đường và xây trường học.
Ba Trại là 1 trong 7 xã miền núi thuộc huyện Ba Vì, số lượng người dân tộc thiểu số chiếm gần 50%, đa phần là dân tộc Mường. Kinh tế của người dân nơi đây phụ thuộc chủ yếu vào việc trồng cây chè, canh tác lúa và chăn nuôi. Tuy nhiên vì điều kiện giao thông còn nhiều trở ngại, các con đường liên xã nhỏ hẹp và có nhiều "ổ voi, ổ gà", cộng thêm con đường vào các thôn chỉ thuần túy là đường đất gây khó khăn cho việc đi lại của đồng bào, nhất là vào mùa mưa. Không chỉ vậy, nó còn cản trở sự phát triển kinh tế và làm gia tăng tỷ lệ đói nghèo.
Trước thực trạng đó, năm 2015, xã Ba Trại đã được Nhà nước đầu tư dự án làm đường giao thông nông thôn (nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2015 - 2020), hướng tới đưa địa phương này trở thành một xã nông thôn mới. Nắm bắt chương trình này, Hội LHPN xã Ba Trại đã chỉ đạo tới 10 Chi hội phụ nữ trên địa bàn xã.
"Từ năm 2015 - 2017, có hơn 600 hộ gia đình, tất cả hiến trên 200.000 m2 đất thổ cư và trên 10.000 m tường bao để giải phóng mặt bằng, mở rộng đường giao thông nông thôn. Đặc biệt trong những năm đó, chúng tôi đã vận động ở khu vực thôn 9 là vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, thôn này có tới 60 hộ trong diện phải giải phóng mặt bằng để mở rộng đường.
Trong số các hộ dân hiến đất, có nhà chị Nga, một hộ trong diện thuộc cả 2 tuyến đường đều phải hiến, hiến đất thổ cư trong diện tích là 300 m2 và ngoài ra còn hiến 400 m2 nữa để làm đường giao thông nội đồng. Nhà chị Nga là một trong những hộ tiêu biểu hiến nhiều đất nhất trong thôn 9 để làm đường", bà Bạch Tố Uyên, Chủ tịch Hội LHPN xã Ba Trại, cho biết.
Được biết trước đây đường giao thông trong thôn 9 chỉ là con đường đất đã có từ rất lâu đời và chiều rộng chỉ vừa bằng chiếc xe công nông nên khiến việc đi lại của các hộ dân trong thôn gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy khi có chủ trương trên, không chỉ bà Nga mà nhiều hộ dân khác cũng đồng lòng hưởng ứng, mọi người đều không tiếc đất và chỉ mong sao đường mở rộng càng to càng tốt.
"Khi nghe có chỉ tiêu về con đường làng xóm, tôi phấn khởi quá, cả gia đình nhất trí hiến đất để cho Nhà nước làm đường, mở mang đường cho rộng rãi, cho dân làng đi được rộng rãi. Ngày xưa đi đường khổ quá, hễ trời mưa trời gió, phải xắn quần lên mới đi được. Bởi vậy, kể từ lúc đường được mở mang, gia đình tôi đi lại, làm ăn cũng dễ dàng hơn. Ví như khi gánh lúa lúc trời mưa gió đường chật thì gánh được về cũng khổ, nay đường mở rộng thì lúa má về, đi lại cũng dễ dàng hơn, thành ra cũng phấn khởi để làm ăn", bà Nga kể.
"Đây là một gương phụ nữ điển hình có ý thức tốt, chúng tôi cũng đã tuyên truyền nhiều về gương của chị Nga để cho chị em khác học tập", bà Bạch Tố Uyên đánh giá.
Gia đình bà Bạch Thị Nga là một hộ thuần nông gồm 7 người, hiện tại lao động chính trong nhà có 4 người, kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào việc trồng chè và nuôi ong.