Giáo dục

Người phụ nữ truyền cảm hứng

THU HƯƠNG (thực hiện) 17/02/2024 07:20

Giản dị và chân thành. Cởi mở và tràn đầy năng lượng. Giáo sư Đinh Thị Mai Thanh luôn khiến người đối diện có cảm giác như bị "lây nhiễm" ngọn lửa nhiệt huyết từ chính con người bà.

Năm 2023, bà Đinh Thị Mai Thanh là một trong 12 nhà khoa học nữ được phong hàm Giáo sư. Bà hiện đang là Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH).

PV: Năm 20 tuổi bà đã tốt nghiệp khoa Hóa học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Bà có thể chia sẻ lý do vì đâu chọn học ngành Sư phạm?

e207ce18e7b64fe816a7(1).jpg
Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thị Mai Thanh.

Giáo sư ĐINH THỊ MAI THANH: Tôi đi học sớm 1 năm. Hồi đó học hết lớp 8 xong là vào cấp THPT luôn, không có lớp 9 nên tôi tốt nghiệp đại học ở tuổi 20.

Hồi học cấp 3, tôi học khá tốt các môn Khoa học tự nhiên, đặc biệt là môn Hóa hầu như không có bài nào trong chương trình làm khó được tôi. Khi đó, tôi được các thầy cô tin tưởng giao cho chữa bài mẫu khá nhiều, tình yêu với nghề sư phạm nhen nhóm từ đó. Nên mặc dù sau này thi đỗ 3 trường đại học (hồi đó các trường ra đề thi riêng) là Đại học Xây dựng, Đại học Giao thông vận tải và Đại học Sư phạm I Hà Nội (khoa Hóa), nhưng tôi vẫn quyết định gắn bó với nghề giáo như một lẽ tự nhiên.

Khi về viện nghiên cứu, công tác giảng dạy chỉ là phối hợp, nghiên cứu mới là chính. Đến bây giờ, khi là Hiệu trưởng của USTH, công tác quản lý chiếm đến 2/3 thời gian nên dù vẫn đam mê dạy học nhưng thời gian dành cho điều đó còn rất ít.

Bí quyết nào giúp bà có thể làm rất nhiều việc cùng lúc như vậy?

- Một ngày của tôi cũng có 24 giờ và tôi cố gắng phân bổ thời gian hợp lý, sắp xếp khoa học các công việc phải thực hiện. Tuy nhiên, sẽ có những lúc quá nhiều việc không thể giải quyết kịp, tôi sẽ ưu tiên những việc bắt buộc phải giải quyết trong ngày hôm đó còn lại xếp hàng vào hôm sau.

Phía sau 1 người phụ nữ “siêu nhân” chắc phải có một “hậu phương” vững chắc?

- Tôi may mắn có được một người chồng tâm lý, tư vấn và hỗ trợ mình trong mọi mặt đời sống. Các con tôi cũng trợ giúp mẹ rất nhiều, chẳng hạn con nhỏ tự giác học tập, không làm mẹ thêm stress sau giờ làm việc căng thẳng. Con lớn thì có thể trao đổi, tư vấn cho mẹ nhiều vấn đề trong cuộc sống.

Một nữ Giáo sư từng chia sẻ, đối với các nhà khoa học, thời gian ở nước ngoài làm việc khá hiệu quả. Nhưng nhiều phụ nữ chấp nhận lùi lại không ra nước ngoài vì lý do gia đình, con nhỏ, không yên tâm hoặc nếu đi thì cũng đưa con ra nước ngoài cùng, rất vất vả. Đối với bà, thời gian bảo vệ Tiến sĩ tại Pháp có gặp trở ngại nào không?

- Tôi nhớ thời điểm đó, ở Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam có nhiều người đi học ở nước ngoài. Chính chồng tôi là người ủng hộ và tạo mọi điều kiện để tôi yên tâm đi học tiếng Pháp, sau đó là sang Pháp làm tiến sĩ. Khi đó, nhiều người vẫn “gàn” chồng tôi đừng để cho vợ đi xa. Nhưng anh hoàn toàn tin tưởng và thấu hiểu, không muốn tôi bỏ lỡ một cơ hội quý giá. Và thực tế đã chứng minh, nhờ quãng thời gian ở Pháp đó và nhiều yếu tố khác, tôi được lựa chọn và sau đó quyết định gắn bó với USTH hay còn gọi là Trường Đại học Việt - Pháp hôm nay.

Bà có thể chia sẻ những thuận lợi và khó khăn khi là một nhà nghiên cứu nữ? Theo bà, vấn đề công bằng và bình đẳng cho nữ giới ở Việt Nam đang ra sao?

- Là phụ nữ, có những thời điểm trong cuộc sống, tôi muốn dừng lại để giảm bớt áp lực, sẽ dễ dàng hơn cho chính mình nhưng chính ông xã và con gái động viên tôi hãy mạnh dạn bước tiếp. Thậm chí, gia đình luôn ủng hộ tôi vươn ra biển lớn, thoát khỏi những êm đềm mà tôi đang tận hưởng để trưởng thành hơn, vượt qua chính mình của ngày hôm qua…

Dẫu vậy, cũng có những lúc tôi ước mình là đàn ông! Chẳng hạn, để trở thành Phó Giáo sư, theo quy định, phải đảm bảo 6 năm liên tục giảng dạy và nghiên cứu. Khi được 3 năm, tôi sinh con. Để không bị gián đoạn, phải làm lại từ đầu, chỉ sau sinh hơn một tháng, tôi đã quay lại với guồng quay công việc, với nghiên cứu và báo cáo. Bận đến mức, bố tôi khi lên hỗ trợ hai vợ chồng cũng “có ý kiến”. Chính chồng tôi khi đó đã giải thích cho bố tôi hiểu về đam mê của vợ, thậm chí anh hài hước: “Vợ con đang làm việc với thế kỷ 22. Bố cứ kệ cô ấy đi”.

Kể lại câu chuyện này, tôi muốn nói rằng, thực ra trở ngại trên con đường làm khoa học nói riêng và trong công việc nói chung với phụ nữ đến từ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Bản thân tôi, trong công việc, tôi thấy mình có những lợi thế khi là phụ nữ. Chính phủ Việt Nam, các cơ quan, doanh nghiệp hiện nay đều đã bước đầu chú trọng việc ưu tiên giới nữ trong việc xét duyệt các cơ hội học tập, làm việc. Ngay như các quỹ tài trợ cho sinh viên của trường tôi cũng có tiêu chí ưu tiên sinh viên nữ. Tôi muốn nhấn mạnh ở đây là sự đòi hỏi ưu tiên ở cơ hội để học tập và làm việc chứ không phải đòi hỏi ưu tiên cho kết quả đó.

Trân trọng cảm ơn bà!

Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thị Mai Thanh tốt nghiệp Tiến sĩ ngành Hóa lý - Hóa phân tích tại Trường Đại học Paris VI, Cộng hòa Pháp. Bà đã công bố 189 bài báo khoa học trong đó có 54 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế uy tín trong hệ thống SCIE, 4 bài báo trong hệ thống ESCI và 9 bài báo trong hệ thống Scopus; được cấp 1 bằng độc quyền sáng chế của Việt Nam; xuất bản 3 sách chuyên khảo và 2 sách tham khảo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người phụ nữ truyền cảm hứng