Người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND không được làm thành viên Ban bầu cử hoặc Tổ bầu cử ở đơn vị bầu cử mà mình ứng cử.
1. Bạn đọc hỏi: Những trường hợp không được tham gia vào các tổ chức phụ trách bầu cử và việc thay đổi, bổ sung hoặc giữ nguyên thành viên tổ chức phụ trách bầu cử được quy định như thế nào?
Trả lời: Người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND không được làm thành viên Ban bầu cử hoặc Tổ bầu cử ở đơn vị bầu cử mà mình ứng cử.
Nếu đã là thành viên của Ban bầu cử hoặc Tổ bầu cử ở đơn vị bầu cử mà mình có tên trong danh sách chính thức những người ứng cử thì người ứng cử phải xin rút khỏi danh sách thành viên của tổ chức phụ trách bầu cử đó chậm nhất là vào ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử theo từng đơn vị bầu cử.
Trường hợp người ứng cử không có đơn xin rút thì cơ quan đã quyết định thành lập Ban bầu cử, Tổ bầu cử ra quyết định xóa tên người đó khỏi danh sách thành viên của tổ chức phụ trách bầu cử và bổ sung thành viên khác để thay thế.
Trường hợp thành viên tổ chức phụ trách bầu cử bị chết, bị kỷ luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc vì lý do khác dẫn đến khuyết thành viên tổ chức phụ trách bầu cử so với số lượng ghi trong quyết định thành lập thì căn cứ tình hình cụ thể của mỗi địa phương, UBND sau khi thống nhất với Thường trực HĐND và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp quyết định thay đổi, bổ sung thành viên tổ chức phụ trách bầu cử ở cấp mình trước ngày bầu cử.
2. Bạn đọc hỏi: Quyền bầu cử của các cử tri có giống nhau hay không?
Trả lời: Tùy thuộc thời gian cư trú hoặc quan hệ gắn bó với địa phương nơi đăng ký tham gia bầu cử mà Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND đã quy định từng nhóm đối tượng cử tri có phạm vi tham gia bầu cử không hoàn toàn giống nhau. Cụ thể là:
- Cử tri là người đăng ký thường trú tại khu vực bỏ phiếu và cử tri là người đăng ký tạm trú, có thời gian đăng ký tạm trú tại đơn vị hành chính cấp xã nơi có đơn vị bỏ phiếu từ đủ 12 tháng trở lên thì được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu ĐBQH và bầu cử đại biểu HĐND ở cả 3 cấp: Cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã (trừ nơi không có đơn vị hành chính cấp xã hoặc nơi thực hiện mô hình chính quyền đô thị không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, phường).
- Cử tri là người đăng ký tạm trú tại đơn vị hành chính cấp xã nơi có khu vực bỏ phiếu và có thời gian đăng ký tạm trú chưa đủ 12 tháng thì chỉ được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu ĐBQH, đại biểu HĐND cấp tỉnh và đại biểu HĐND cấp huyện ở nơi mình tạm trú nếu có nguyện vọng tham gia bỏ phiếu tại nơi tạm trú.
- Cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu ĐBQH và đại biểu HĐND cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.