Giữa những ngày này, cả xã hội tri ân thầy cô theo đạo lý tôn sư trọng đạo của dân tộc. Dù cho cuộc sống có biến đổi thế nào, những giá trị cơ bản bền vững nhất vẫn không thể mất đi. Đội ngũ trùng điệp những người gieo trồng cho thế hệ tương lai là hơn 1,2 triệu thầy cô cả nước, vẫn đang truyền cho thế hệ trẻ kiến thức, lòng nhân hậu, yêu thương.
Các tập thể được tặng cờ thi đua của Bộ Giáo dục và Đào tạo. (Ảnh: Tuấn Anh).
Trong những cuộc gặp gỡ của chúng tôi với những người thầy, điều căn bản nhất chúng tôi nhận được là lòng say mê, sự nghiêm cẩn gìn giữ những giá trị của nghề. Đó là những người coi trọng phương pháp, kỹ năng nghề nghiệp, nghệ thuật giáo dục nhưng hơn tất cả là gìn giữ nhân cách của người thầy. Thầy vẫn phải là người chỉ hướng tư duy, truyền cảm hứng và gieo niềm hy vọng vào lẽ phải, sự trung thực ở đời. Thầy vẫn phải làm gương cho trò không chỉ bằng học vấn mà bằng cả tính cách, khí chất của mình.
Có thể đó đây vẫn còn chuyện này chuyện khác. Nhưng chúng ta, cả xã hội vẫn tin rằng đó chỉ là thiểu số. Không người nào sở hữu một năng lực siêu nhiên khi chọn nghề thầy. Có tồn tại những tiêu cực và sự xuống cấp của đạo đức làm thầy. Nhưng mạch chảy chính vẫn là những tấm gương thầy cô thầm lặng, miệt mài dạy chữ truyền cảm hứng đam mê.
Nhiều trường đại học lớn đang có lễ kỷ niệm thành lập vào dịp này. Những thế hệ sinh viên Đại học Tổng hợp tuổi đã cao gặp lại nhau vẫn tay bắt mặt mừng rưng rưng nhớ về một thế hệ thầy cô. Trên các trang cá nhân của nhiều cựu sinh viên, hình ảnh các nhà giáo nổi tiếng một thời, tài năng và đức độ, được đăng lên đã gợi về một thời kỳ mà nghề thầy thật là cao quý.
Nói như PGS.TS Phạm Quang Long: “Điều cảm động nhất còn lưu lại trong tôi về các thầy cô giáo của tôi là các thầy cô tôi đã sống, làm việc với tinh thần xả thân, khai sáng. Những năm tháng gian khổ thời bao cấp, chiến tranh, ăn không đủ no, thiếu thốn trăm bề mà sao các thầy cô đã viết nên những công trình nghiên cứu dày dặn, sâu sắc thế. Có thể nói đạo lý làm thầy, trách nhiệm với đời đã khiến họ miệt mài làm việc, trở thành những nhà khoa học, nhà văn hóa như những đòi hỏi tự thân, như việc phải làm mà không cần bất cứ danh xưng to tát nào”.
Là người sáng lập trường Nguyễn Siêu - trường ngoài công lập đầu tiên đạt chuẩn quốc gia, NGƯT Nguyễn Trọng Vĩnh đã có gần 62 năm gắn bó với ngành giáo dục, người mà trong năm 2016, đã được UBND thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Công dân thủ đô ưu tú”. Gắn bó cả đời mình với học sinh, thầy Nguyễn Trọng Vĩnh tâm sự: Ở trường chúng tôi, việc giáo dục truyền thống tôn sự trọng đạo là một yêu cầu quan trọng và làm từ những ngày đầu thành lập. Cách đây 25 năm, chúng tôi đã “quy ước” cách xưng hô là “con – thầy cô”. Cách xưng hô đấy là cách xưng hô truyền thống của dân tộc Việt Nam từ bao nhiêu đời nay nhưng có những thời kỳ chúng ta lãng quên mất. Chúng tôi khơi lại cách xưng hô đó nhằm xây dựng nên mối quan hệ thầy ra thầy, trò ra trò. Bên cạnh đó tạo ra sự gắn bó, tình đoàn kết, thương yêu, tình đoàn kết cho các con học sinh, tạo ra niềm tin đối với cha mẹ học sinh.
Có nhiều tấm gương những người thầy thời nay xứng đáng được nhân lên. Từ bậc mầm non đến đại học, từ nơi phố thị phồn hoa tới vùng biên giới và hải đảo xa xôi. Theo chúng tôi, những nhà giáo chân chính vẫn đang giữ đạo làm thầy và họ xứng đáng được nhận hoa, nhận sự kính trọng từ xã hội trong những ngày này.
Cái khó nhất của nghề thầy ngày nay là chốn học đường đang chịu tác động ghê gớm từ xã hội. Nhà trường cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề có thể làm mất đi ý nghĩa trong sáng của chốn học đường, ảnh hưởng đến hình ảnh người thầy.
Không thể “bắt” thầy cô giữ đạo làm thầy nếu thiếu đi phần chăm lo vật chất. Không thể nào còn mãi hình ảnh những thầy đồ nghèo khó ngồi dạy ê a tam tự kinh trong cơn vần vũ của kinh tế thị trường mà vẫn giữ trọn tiết tháo người thầy.
Nhưng ngược lại, thì dù vật chất có đủ đầy cũng chưa chắc đã đồng nghĩa với việc giữ được đạo làm nghề. Cho nên, giữ phẩm hạnh người thầy là việc phải rèn luyện mới có. Mới hay, giữ gìn đạo lý là việc thật khó!
Chúng ta nói nhiều đến đổi mới giáo dục ngày nay. Điều này không phải là làm mất đi những giá trị, mà là cùng với sự đổi thay của xã hội, thầy cô cũng phải đổi mới tư duy sư phạm, để đến với học sinh bằng phương pháp của thời đại mới. Nhưng cho dù công nghệ có phát triển thế nào thì cũng không có một người “thầy ảo” nào thay thế được những người thầy nhân hậu, khoan dung.