Từ bản lĩnh được tôi rèn trong quân ngũ, khi trở về với cuộc sống đời thường, thương binh Đặng Văn Diên lại tiếp tục xông pha trên mặt trận kinh tế. Ông không chỉ làm giàu cho gia đình, quê hương mà còn khẳng định bản lĩnh, ý chí vượt khó vươn lên của “Người lính cụ Hồ”.
Trở về từ chiến trường
Trong những ngày tháng 7/2023, chúng tôi đến thăm gia đình thương binh Đặng Văn Diên, (sinh năm 1948, ở thôn Đức Hòa, xã Đức Ninh, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) mới thấy được nghị lực vượt khó vươn lên làm kinh tế của người lính khi trở về đời thường. Từ những đám đất hoang hóa, gia đình ông Diên bằng công sức lao động đã tạo nên mô hình trang trại Vườn - ao - chuồng (VAC) với nhiều cây, con đa dạng, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Đặng Văn Diên nhớ lại "Tuổi thơ sinh ra và lớn lên trong giai đoạn nước nhà đang trong cuộc chiến tranh giải phóng ách đô hộ của các đế quốc Pháp và Mỹ. Cuối năm Mậu Thân (1968) theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, tôi cũng như bao thanh niên cùng trang lứa lên đường nhập ngũ. Tôi được biên chế vào đơn vị H4, Quân khu Trị Thiên”.
“Một lần, đơn vị tôi chiến đấu ở chiến trường Huế, trong trận đánh cuối năm 1970, tôi bị thương ở vai rồi được đồng đội cõng về tuyến sau, chuyển về trạm y tế dã chiến cấp cứu rồi đưa về bệnh viện chữa trị. Suốt nhiều tháng liền, tôi phải nằm viện điều trị, an dưỡng và được xác định thương tật 21%. Năm 1971 tôi xuất ngũ trở về địa phương".
Phục viên trở về quê hương, thương binh Đặng Văn Diên xây dựng gia đình với bà Phan Thị Liếp (sinh năm 1953) trong hoàn cảnh kinh tế nhiều khó khăn, thử thách. Vợ chồng ông có 6 người con, nên phải xoay xở nhiều nghề, nhiều công việc khác nhau để đảm bảo nhu cầu cuộc sống hàng ngày. Sống trong cảnh nghèo túng, ông trăn trở tìm hướng làm kinh tế để vợ con có cái ăn, cái mặc. Những thửa ruộng ít ỏi canh tác cũng chỉ đủ ăn, nên ông nghĩ tới những đám đất cao táo bỏ hoang của xã chưa được canh tác, cần được phát huy để sinh lời trên mảnh đất bỏ hoang đó.
Năm 2007, được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, gia đình ông thuê 1 héc-ta đất 5% của xã rồi đầu tư làm mô hình VAC. Để có vốn, ông vay chương trình hỗ trợ tạo việc làm duy trì và mở rộng việc làm từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Bình đầu tư mua bò, lợn, gà chăn nuôi.
Gây dựng mô hình kinh tế
Những ngày đầu bước vào gây dựng mô hình kinh tế VAC, nguồn vốn ít ỏi, đất đai bạc màu gia đình ông gặp rất nhiều gian nan. Nhưng nhờ biết tận dụng tiềm năng, lợi thế sẵn có của gia đình và phát huy tinh thần yêu lao động, ý chí kiên cường, mưu lược của người lính cụ Hồ, được tu dưỡng, rèn luyện trong môi trường quân đội; ông Diên đã động viên vợ con cùng nêu cao tinh thần hăng say lao động quyết tâm vượt qua khó khăn để vươn lên thoát nghèo.
Ông Diên cho hay: "Tôi trăn trở lắm, thuê được đất của địa phương rồi, phải suy nghĩ, tính toán làm thế nào, nuôi con gì cho phù hợp. Bản thân khi trái gió trở trời cũng đau nhức, nhưng mình phải gắng chịu đựng để còn động viên vợ con. Để có kinh nghiệm nuôi trồng, tôi dành thời gian học hỏi các mô hình xung quanh và tích cực tham gia các lớp tập huấn. Sau đó, tôi mới mạnh dạn mua thêm con giống về để mở rộng chăn nuôi".
Mô hình kinh tế gia đình ông làm theo phương thức đa canh, khép kín. Ông tận dụng nguồn thải loài này sử dụng cho loài kia giúp giảm chi phí và đề phòng rủi ro khi thị trường lên xuống.
Ông Diên cho rằng, để mô hình VAC phát triển ổn định, bền vững, ngoài việc lựa chọn con nuôi phù hợp, nguồn thức ăn chăn nuôi đảm bảo thì quan trọng nhất phải làm tốt công tác vệ sinh, phòng chống dịch bệnh.
Phân chuồng của các loài vật sẽ được đưa đi ủ, tái sử dụng. Sau khi ủ kỹ, mang đi bón cho cây trồng, giúp tăng khả năng giữ nước của đất và trở nên màu mỡ hơn.
“Thời tiết Quảng Bình nắng lắm và thường xuyên xảy ra bão lũ nên vật nuôi, cây trồng gặp rất nhiều khó khăn. Cách đây 3 năm, trận lũ lịch sử đã cuốn lợn, gà của tôi đi trong đêm, nghĩ tới còn thấy buồn, nhưng tôi không chùn bước, từng bước vực dậy và làm lại mô hình" – ông Diên trò chuyện.
Chia sẻ kinh nghiệm
Với mong muốn làm kinh tế đạt hiệu quả cao, ông Diên cũng thường xuyên tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi, đồng thời tự nghiên cứu, tiếp cận khoa học kỹ thuật mới, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng cho phù hợp với đồng đất để đạt năng suất, hiệu quả cao.
Đến nay, trang trại rộng 1 ha của ông Diên đang nuôi 7 con trâu, 350 con gà, 35 con lợn cùng 2 ao cá thả các loài cá: cá chim, cá mè, cá trắm, cá trê phi… thu nhập trang trại mang về cho gia đình ông Diên từ 200 - 250 triệu đồng/năm.
Ông Đăng Văn Diên chia sẻ: "Để có cơ ngơi như bây giờ là bao công sức, mồ hôi và sự cố gắng không ngưng nghỉ và sự động viên của vợ, con. Tôi đã làm được thành công nên bà con xung quanh cũng có đến thăm quan, tìm hiểu kinh nghiệm”.
Không chỉ là tấm gương điển hình về làm kinh tế giỏi, thương binh Đặng Văn Diên còn tham gia nhiệt tình các phong trào hoạt động công tác Hội tại địa phương. Ông thường xuyên giúp đỡ những gia đình hội viên cựu chiến binh và nhân dân trong thôn có hoàn cảnh khó khăn hơn, như chia sẻ về kỹ thuật, cách làm kinh tế hộ gia đình, cho mượn vốn giúp nhau từng bước phát triển kinh tế, vươn lên ổn định cuộc sống.
Vào dịp tháng 7, ông Diên lại thổn thức nhớ về đồng đội đã từng sát cánh với nhau trong từng chiến hào nơi chiến trường với từng hình ảnh trận đánh vọng về. “Hằng năm, chúng tôi tổ chức gặp mặt đồng đội, để cùng thăm hỏi nhau, cùng khóc, cười lúc ôn lại chuyện cũ. Giờ mỗi năm tổ chức, đồng đội gặp lại ít dần đi. Chúng tôi đều già cả rồi, tổ chức gặp nhau cũng khó khăn lắm, người thì đau ốm đi lại không được, người về gặp tổ tiên nên càng ngày càng ít người tham gia được".
Ông Nguyễn Minh Vũ, Chủ tịch UBND xã Đức Ninh (TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình), cho biết: "Ông Đăng Văn Diên là thương binh 4/4, mang thương tật trong người nhưng ông có nghị lực rất lớn, vượt qua khó khăn luôn vươn lên số phận để phát triển kinh tế. Ông Diên là một trong những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở địa phương và luôn chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước. Ông rất tích cực tham gia các hoạt động trên địa bàn, là tấm gương sáng để nhiều người học hỏi và làm theo. Năm 2022, ông là một trong những tấm gương làm kinh tế xuất sắc, được thành phố Đồng Hới biểu dương”.