Ngày 10/8, phát biểu tại buổi toạ đàm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, người tiêu biểu có uy tín chính là lực lượng nòng cốt góp phần tạo nên đoàn kết trong nhận thức, hành động, trong việc phát triển mô hình của người dân tự quản góp phần chăm lo đời sống, trật tự trị an giữ gìn văn hóa ở cộng đồng dân cư.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại tọa đàm.
Cùng dự buổi toạ đàm có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh uỷ tỉnh Gia Lai, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai Dương Văn Trang; Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh; ông Nông Quốc Tuấn, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc của Chính phủ và 40 đại biểu đại diện cho gần 5 nghìn người tiêu biểu có uy tín các tỉnh Tây Nguyên về tham dự buổi toạ đàm.
Toạ đàm phát huy vai trò người tiêu biểu có uy tín các dân tộc thiểu số các tỉnh Tây Nguyên trong việc tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc do UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức diễn ra tại Gia Lai vào đúng thời điểm cách đây 70 năm Bác Hồ gửi thư Đại hội các dân tộc thiểu số (DTTS) miền Nam tổ chức tại Pleiku (19/4/1946).
Trong kho tàng di sản quý giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại, có một vấn đề càng học tập, càng nghiền ngẫm, càng chiêm nghiệm, càng thấy sáng rõ hơn tầm trí tuệ, phong cách của người. Đó là tư duy, cách nhìn nhận và thái độ ứng xử của Bác đối với vấn đề dân tộc và chính sách dân tộc.
Việt Nam là đất nước đa dân tộc, trong tiến trình lịch sử hang nghìn năm các dân tộc trên đất nước Việt Nam đã chung sống đoàn kết, xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Ngày nay, 53 dân tộc thiểu số ở khắp đất nước đang cùng nhau đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng sự tập hợp đoàn kết của MTTQ Việt Nam đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước và địa phương.
Trong không khí thắm tình đoàn kết, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đã nhắc lại những lời căn dặn của Bác Hồ cách đây 70 năm: “Tôi tuy xa, nhưng lòng tôi và Chính phủ vẫn gần gũi đồng bào. Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Jrai hay Êđê, Xêđăng hay Bana và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt.
Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau.
Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc của chúng ta và con cháu chúng ta”.
Với chiều dài lịch sử, các dân tộc thiểu số Tây nguyên có đóng góp quan trọng cho sự phát triển đất nước.
Ngày nay, đồng bào các dân tộc tại 5 tỉnh Tây Nguyên vẫn luôn là nền tảng văn hóa, lịch sử quan trọng để giữ gìn mảnh đất Tây Nguyên phát triển kinh tế-xã hội trên mảnh đất hết sức thiêng liêng của đất nước.
Khẳng định vai trò quan trọng trong việc thống nhất nhận thức và hành động của đồng bào ở mỗi giai đoạn phát triển của người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho biết, ngày nay những cá nhân tiêu biểu, có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số được Đảng, chính quyền các cấp quan tâm phát huy vai trò của mình.
Tuy nhiên, cũng từ thực tiễn chúng ta cần tiếp tục làm rõ khả năng và phương thức đóng góp của các cá nhân tiêu biểu trong đồng bào dân tộc như thế nào? Làm thế nào phát huy khả năng đóng góp của bà con trong điều kiện hiện nay, người đứng đầu Mặt trận nêu vấn đề.
Khẳng định tầm quan trọng về công tác đại đoàn kết trong nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho biết, vừa qua Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có Nghị quyết chuyên đề về công tác dân tộc trong thời gian tới nhằm góp phần làm rõ cơ sở thực tiễn và hoàn thiện chính sách trong công tác của Mặt trận, của Đảng, Nhà nước đối với vùng đông đồng bào dân tộc.
Theo báo cáo của 5 tỉnh dân tộc Tây Nguyên, đồng bào dân tộc thiểu số có 1,93 triệu người, so với tổng số dân cư 5 tỉnh là 5,5 triệu người, chiếm 35%. Tỉnh có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao nhất là Kon Tum 53%; Gia Lai 44,7%; Đắc Lắc 33%; Đắc Nông 31% và Lâm Đồng 23%.
Quang cảnh buổi tọa đàm.
Lấy ví dụ từ Gia Lai, nơi có 2.064 cá nhân tiêu biểu trong hơn 600 nghìn dân số đồng bào dân tộc, Chủ tịch Nguyễn Thiện nhân tính trung bình cứ 1 nghìn người dân tộc thì có 3 người có uy tín tiêu biểu.
Nhìn từ thực tế này, người đứng đầu Mặt trận cho biết, việc xác định bà con được công nhận là người uy tín tiêu biểu có nên giới hạn không, giới hạn như thế nào để có cơ sở thực tiễn khoa học phát huy vai trò người tiêu biểu trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số.
“Đây là nét đặc thù của đồng bào dân tộc thiểu số nhất là vùng Tây Nguyên và Tây Bắc. Tức là trong 1,93 triệu người dân tộc ở 5 tỉnh hiện có 5.340 người tiêu biểu được công nhận.
Chúng ta biết ở những buôn, làng xa điều kiện đi lại thông tin khó khăn thì vai trò của người tiêu biểu vô cùng quan trọng. Nếu xã đó có 1 người, 2 người, thậm chí 3 người thực sự được bà con thừa nhận là người tiêu biểu thì đây chính là lực lượng nòng cốt góp phần tạo nên đoàn kết trong nhận thức, hành động, trong việc phát triển mô hình của người dân tự quản, chăm lo đời sống, trật tự trị an giữ gìn văn hóa”- Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Đặt ra vấn đề đó, người đứng đầu Mặt trận cho rằng, MTTQ Việt Nam các cấp, HĐND, UBND cấp ủy cần tìm ra phương pháp hỗ trợ để người tiêu biểu có uy tín phát huy được vai trò quan trọng của mình.
Bởi đó là những người có lợi thế được nhân dân quý trọng, người nói và nghe bằng tiếng đồng bào mình, người hiểu được lịch sử của dân tộc và địa phương mình và cũng là những người có ý thức xây dựng cộng đồng, trách nhiệm với địa phương và đất nước.
Gia Lai là một trong những địa phương có chương trình tiếng Gia Lai trên đài phát thanh. Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, đây chính là một lợi thế để tuyên truyền về đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước của địa phương tới đồng bào dân tộc trong vùng.
“Trong thời gian tới, mỗi địa phương cần duy trì cả kênh tài liệu bằng tiếng Kinh và tờ rơi, những cuốn sách nhỏ về đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước bằng tiếng dân tộc”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân gợi ý.
Theo đó, 5 địa phương thuộc khu vực Tây Nguyên có thể ngồi lại, soạn thảo, xuất bản những cuốn sách theo ngôn ngữ của từng đồng bào dân tộc để dùng chung tuyên truyền cho hoạt động trong vùng. Từ đó, những người có uy tín, già làng có trong tay tiếng dân tộc của mình sẽ thuận lợi hơn trong việc tuyên truyền tới mỗi người dân.
Để tăng cường sự liên kết giữa chính quyền và đội ngũ người tiêu biểu có uy tín, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng, cần tổ chức nhiều hơn nữa những cuộc gặp gỡ định kỳ giữa lãnh đạo địa phương với người có uy tín, tiêu biểu.
Bên cạnh đó, cần tăng cường việc khen thưởng đối với các cá nhân tiêu biểu. Đồng thời phải phân định rõ vai trò, nhiệm vụ của các cá nhân tiêu biểu, uy tín tránh tư tưởng dựa vào sự phân công của ban công tác mặt trận ở mỗi khu dân cư.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân trao quà cho 40 đại biểu người tiêu biểu có uy tín thuộc 5 tỉnh Tây Nguyên.
Các đại biểu dự tọa đàm nhận định: Công tác phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số có ý nghĩa hết sức quan trọng trong công tác vận động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Tuy nhiên, công tác phát huy vai trò của người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên thời gian qua vẫn còn những khó khăn, hạn chế nhất định.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai Lâm Thế Tổng, người tiêu biểu có uy tín trong các dân tộc thiểu số thường là những người cao tuổi, nhiều người có trình độ học vấn không cao, hoàn cảnh đời sống gia đình còn nhiều khó khăn.
Mặt khác, do ảnh hưởng một số phong tục tập quán cũ, lạc hậu nên có những ảnh hưởng, hạn chế trong thực hiện vai trò, nhiệm vụ.
Vì vậy, để tiếp tục phát huy vai trò của gần 30 nghìn người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn cả nước nói chung và gần 5 nghìn người có uy tín trên địa bàn 5 tỉnh ở Tây Nguyên nói riêng, cần có sự lãnh đạo chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, sự quan tâm phối hợp, tạo điều kiện hỗ trợ của chính quyền và phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành trong tổ chức thực hiện.
Làng Lơ Bơ là một trong 13 thôn, làng nghèo của xã Yang Nam, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai nên đời sống của người dân vẫn còn không ít khó khăn, nhất là người dân tộc thiểu số.
Trong bối cảnh đó, Già làng Đinh Văn Chiêm được biết đến như một người tiên phong trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tộc thiểu số xây dựng nếp sống văn minh, từng bước xoá bỏ các tập tục lạc hậu, mê tín, dị đoan.
Bằng uy tín của mình, Già làng Đinh Văn Chiêm sẵn sàng chia sẻ với bà con những gì mình biết vào bất cứ thời gian nào, khi thì tổ chức họp bà con lại để tuyên truyền, khi lại tranh thủ những dịp lễ hội hay lúc bà con tập trung sản xuất.
Bằng những cách tuyên truyền khéo léo, có khi chỉ là cuộc trò chuyện thân tình về cuộc sống hàng ngày, về cách làm ăn… mà chính những người tiêu biểu, trưởng thôn của người dân tộc thiểu số như Già làng Đinh Văn Chiêm đã góp phần củng cố niềm tin của bà con vào Đảng, chính quyền, khuyến khích bà con chăm chỉ làm ăn, phát triển kinh tế.
“Bởi vì tôi luôn đặt niềm tin vào đồng bào của mình, cũng như một lòng tin vào Đảng, nhà nước”, Già làng Đinh Văn Chiêm chia sẻ với các đại biểu tại buổi toạ đàm.
Thực tế hoạt động của những già làng, người có uy tín trong cộng đồng trong đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian qua chủ yếu tập trung vào các nội dung như: Giáo dục con cháu, vận động nhân dân giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc; hoà giải các vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ dòng tộc hoặc trong làng trên cơ sở tập tục của dòng họ, của làng đồng thời trực tiếp tham gia xét xử các cá nhân vi phạm phong tục, tập quán trên cơ sở các quy định của dòng tộc, của làng.
Ông A Kheoh, người tiêu biểu có uy tín tại thôn Kon Drei, xã Đăk Blà, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum cho biết, tại thôn ông việc duy trì các buổi chào cờ vào sáng thứ hai đầu tuần vừa ý nghĩa lại tạo ra những hiệu quả rất quan trọng.
Tất cả các văn bản, các chương trình hành động của Đảng ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã đều được phổ biến cho nhân dân nghe, hiểu và thực hiện tại buổi chào cờ.
Đồng thời đây cũng là dịp để lãnh đạo chính quyền lắng nghe tiếng lòng của nhân dân để tham mưu cho các cơ quan chức năng xem xét và giải quyết kịp thời. Nhất là những khó khăn về đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt trong bối cảnh hạn hán kéo dài.
Mong mỏi của ông A Kheoh lúc này là mỗi năm ít nhất một lần thôn Kon Drei mở lớp tập huấn hướng dẫn bà con về khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất; công an thành phố Kon Tum cần phối hợp với công an xã tổ chức phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc trật tự an toàn xã hội…
Đồng bào các dân tộc thường nói, “nhỏ như con kiến, con ong cũng có con đầu đàn của nó, huống chi là conngười”.
Do vậy, từ xưa đến nay, nhất là trong tổ chức xã hội tự quản của từng dòng họ, từng dân tộc ở các địa phương vẫn duy trì những người tiêu biểu trong các dân tộc.
Tuy nhiên, hiện nay còn nhiều ý kiến xung quanh việc quy định ở địa phương cần có bao nhiêu người tiêu biểu có uy tín, ai sẽ được bầu là người tiêu biểu có uy tín. Những băn khoăn này cũng được các đại biểu chia sẻ tại hội nghị.
Với tinh thần “nghĩ trước, nói trước, làm trước để nhân dân noi theo’, Già làng Ybhiu Mlô, xã Pơ Drang, huyện Krông Búk, Đắk Lắk, người từng là Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Krông Búc cho rằng, tuỳ theo tình hình thực tiễn của từng địa phương mà quy định một địa phương có bao nhiêu người tiêu biểu có uy tín.
“Cần phải xác định rõ, Già làng khác với người tiêu biểu. Người tiêu biểu có trách nhiệm góp ý kiến, đề xuất với Già làng để cùng nhau giải quyết các vấn để nảy sinh ở cộng đồng dân cư”, ông Ybhiu Mlô, khẳng định.
Quan tâm tới vấn đề này, ông Kbi, bon Bu Sóp, xã Đắc Nia, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông, cũng chia sẻ nhiều tâm tư. Theo ông Kbi cần phải hiểu Già làng là ai? Người có uy tín là ai.
“Già làng là người gương mẫu, người hiểu lịch sử của khu dân cư mình ở đồng thời cũng là người giải quyết nhiều vấn đề nhất trong cộng đồng dân cư. Trong khi đó, người có uy tín có thể là người trẻ, họ không tham gia giải quyết công việc nhiều như già làng nhưng lại có phụ cấp. Còn Già làng chỉ có chế độ thăm hỏi một năm một lần”, ông Kbi chia sẻ.
Từ thực tế đó, theo ông Kbi, Đảng, Nhà nước cần xem lại chế độ chính sách cho phù hợp giữa Già làng và người có uy tín.
Nhìn từ thực tế này, người đứng đầu Mặt trận khẳng định, trong thời gian tới, sẽ kiến nghị với Đảng, Nhà nước cân đối chính sách chế độ với già làng, cần coi già làng cũng là người tiêu biểu có uy tín. Đồng thời cần có tiêu chí rõ ràng trong chính sách đối với người tiêu biểu có uy tín.
Cảm ơn tấm lòng của đội ngũ những người tiêu biểu có uy tín các tỉnh Tây Nguyên, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân tin tưởng trong thời gian tới, với sự nỗ lực hết mình của mỗi cá nhân tiêu biểu, sự đồng lòng của chính quyền các cấp, Mặt trận và các tổ chức thành viên, đồng bào các dân tộc tại 5 tỉnh Tây Nguyên luôn luôn là nền tảng văn hóa, lịch sử quan trọng để giữ gìn mảnh đất Tây Nguyên- mảnh đất hết sức thiêng liêng của đất nước.
Ông Y Dhun H’Mơk, buôn Dur, xã Dur Kmăn, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk: Trách nhiệm nặng nề của già làng Tiếng nói của già làng rất quan trọng, nhiều khi còn hơn cả vai trò của các cấp chính quyền cơ sở. Để trở thành người uy tín thì vai trò, trách nhiệm với cộng đồng, buôn làng rất nặng nề. Mọi vấn đề lớn, bé trong cộng đồng dân cư đều đến tay già làng. Trong các vấn đề khúc mắc, xích mích như tranh chấp đất đai, hôn nhân, trộm cắp... trong buôn làng, già làng, người uy tín luôn đóng vai trò trung tâm trong vấn đề hòa giải, là cán cân công lý để thật sự là tiếng nói chung của buôn làng. Già làng uy tín tỉnh Lâm Đồng - ông K’Bres người dân tộc Kơ Ho: Cần có cơ chế ưu tiên cho già làng Cần có cơ chế ưu tiên cho già làng, bởi hiện nay đã được Đảng, Nhà nước quan tâm xong vấn đề chế độ cho già làng chỉ dừng ở mức tuyên dương, khen thưởng. Mong Nhà nước cần chính sách đầu tư vào Tây Nguyên, tạo công ăn việc làm để con em học ra trường có việc làm, cộng đồng các khu dân cư sẽ giảm bớt các tệ nạn, lòng tin giữa dân với Đảng Nhà nước được giữ vững. Phạm Hưởng (ghi) Ông Nông Quốc Tuấn, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc của Chính phủ: Xây dựng nhiều chính sách tốt hơn Cho đến thời điểm này chính sách của Uỷ ban Dân tộc chủ yếu là hỗ trợ bà con còn các chính sách y tế, văn hóa đều do các bộ ngành khác quy định. |