Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” triển khai trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đang phát huy tác dụng, thu hút người tiêu dùng chuyển dần sang sử dụng hàng nội.
Sáng 29/12, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk năm 2023.
Ông Y Giang Niê Knơng, Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Lắk cho hay hội nghị nhằm đánh giá những kết quả đạt được trong triển khai, thực hiện cuộc vận động.
Báo cáo tại hội nghị cho thấy: Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk năm 2023 đã đạt được nhiều kết quả.
Trong năm 2023, Uỷ ban MTTQ Việt Nam từ tỉnh đến cơ sở đã phối hợp với chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân thực hiện 845 buổi vận động với 61.951 lượt người tham dự.
Mặt trận các cấp cũng tăng cường quảng bá làng nghề truyền thống, các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Khuyến khích sản xuất nhiều mặt hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; giúp nhân dân từng bước nhận thức đúng đắn hơn về khả năng sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam, về chất lượng của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam. Từ đó tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người tiêu dùng về sử dụng hàng hoá Việt Nam khi tiêu dùng cá nhân, cũng như khi mua sắm tài sản công đối với các cơ quan, đơn vị và tổ chức chính trị -xã hội trên địa bàn tỉnh.
Tại hội nghị, các đại biểu về cũng chỉ ra những tồn tại: Công tác thông tin, tuyên truyền về Cuộc vận động chưa duy trì thường xuyên, chưa thực sự đi vào chiêu sâu; nhận thức của một bộ phận nhân dân về Cuộc vận động chưa cao nên tâm lý ưa chuộng hàng ngoại vẫn còn.
Hiện nay, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc trên thị trường vẫn tồn tại ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Chính sách mang hàng Việt tới tận tay người dân, nhất là nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc...
Hội nghị đã đề ra giải pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế; tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành; nâng cao ý thức chấp hành; tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc triển khai, thực hiện Cuộc vận động nhằm tạo sự chuyển biến tích cực và mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.