Kinh tế

Người tiêu dùng với sản phẩm xanh

NAM ANH 02/05/2024 19:57

Tiêu dùng xanh là một trong những nội dung quan trọng trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng như trong Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030 (chương trình SCP).

anh-bai-tren.jpg
Người dân tham gia hội chợ và tin tưởng vào sản phẩm hàng hóa xanh. Ảnh: N.Anh.

Thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững

Tới nay, Hà Nội được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu cả nước triển khai mạnh mẽ các hoạt động nhằm thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Có mặt tại hội chợ “Hàng hóa, sản phẩm xanh vì người tiêu dùng” do Sở Công thương Hà Nội tổ chức mới đây, bà Lê Thị Hòa, quận Thanh Xuân) đã chọn được cho mình được nhiều sản phẩm ưng ý. “Gia đình tôi thường xuyên lựa chọn những sản phẩm có xu hướng sản xuất xanh. Tôi ưu tiên chọn lựa các sản phẩm, hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, thuộc các lĩnh vực liên quan đến đời sống tiêu dùng như, đồ gia dụng, thời trang, thực phẩm, sản phẩm tiêu dùng thiết yếu… Các sản phẩm được giới thiệu, quảng bá tại hội chợ đều được niêm yết rõ thông tin, giá bán, nguồn gốc xuất xứ, tính năng và hướng dẫn sử dụng. Vì vậy tôi yên tâm mua và chọn lựa làm quà cho người thân” - bà Hòa nói.

Vẫn theo bà Hòa, hiện nay tại nhiều siêu thị và cửa hàng tiện lợi cũng giới thiệu và phân phối sản phẩm, hàng hóa sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap. Nhưng để phân biệt được có phải hàng rõ nguồn gốc hay không với người tiêu dùng là rất khó. Vì vậy, người tiêu dùng vẫn có tâm lý dè dặt vừa mua vừa kiểm chứng, do đó, việc tổ chức hội chợ quảng bá và đem hàng nông sản sạch, rõ nguồn gốc có ý nghĩa rất lớn.

Thực tế, sản phẩm xanh đang là xu hướng lựa chọn của người dân. Kết quả khảo sát cho thấy khoảng 95% người tiêu dùng ở Hà Nội và TPHCM đã có ý thức về bảo vệ môi trường.

Chính vì vậy, trong thời gian qua TP Hà Nội đã đẩy mạnh triển khai các chương trình về thúc đẩy tiêu dùng xanh, tiêu dùng trách nhiệm, cũng như hỗ trợ các đơn vị sản xuất xanh, phát triển bền vững. Theo đó, đã hỗ trợ được khoảng 50% doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực phân phối được hướng dẫn, áp dụng các giải pháp về sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng; giảm 65% tỷ lệ sử dụng bao bì khó phân hủy tại các chợ dân sinh và các trung tâm thương mại, siêu thị; 70% các DN trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp áp dụng đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; 80% DN tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn.

Tạo dựng lòng tin của người tiêu dùng

Thời gian qua, TP Hà Nội đã tập trung đối tượng là các cơ sở, DN sản xuất kinh doanh có quy mô nhỏ để hình thành chuỗi sản xuất sạch theo từng lĩnh vực như, mây tre đan, dệt may, sơn mài, xây dựng, hàng tiêu dùng… với hệ thống các siêu thị, trung tâm phân phối bán lẻ. Từ đó hình thành mối liên kết chặt chẽ sản xuất xanh - phân phối xanh - tiêu dùng xanh. Đồng thời, Hà Nội cũng triển khai Chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Theo đánh giá sơ bộ, việc triển khai chương trình đã giúp khoảng 50% DN trong lĩnh vực phân phối được hướng dẫn, áp dụng các giải pháp về sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng; giảm 65% tỷ lệ sử dụng bao bì khó phân hủy tại các chợ dân sinh và các trung tâm thương mại, siêu thị; 70% các DN trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp áp dụng đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; 80% DN tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn. Bên cạnh đó tích cực tổ chức các hội chợ nhằm kết nối quảng bá sản phẩm sạch tới người tiêu dùng.

Đánh giá hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại đưa sản phẩm đặc biệt là sản phẩm sạch, an toàn của DN nhỏ, hợp tác xã tới tay người tiêu dùng, ở góc độ DN, bà Phạm Thị Mai Phương - Giám đốc Công ty TNHH Jolly Seed chuyên sản xuất sản phẩm thực dưỡng, ngũ cốc cho biết, tham gia tại hội chợ “Hàng hóa, sản phẩm xanh vì người tiêu dùng” do Sở Công thương Hà Nội tổ chức, DN không chỉ giới thiệu, quảng bá trực tiếp sản phẩm tới người tiêu dùng mà thông qua hội chợ giúp DN tìm được những đối tác để phân phối sản phẩm.

“Với DN nhỏ đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng vốn dĩ rất khó, đưa sản phẩm sạch, tạo lòng tin với người tiêu dùng càng khó hơn. Vì vậy, tôi đánh giá rất cao những buổi hội chợ như này, thông qua buổi hội chợ sẽ là cách giúp chúng tôi quảng bá sản phẩm của mình tốt hơn” - bà Phương cho biết.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Thế Hiệp - Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2024 với thông điệp “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn”, chính vì vậy cơ quan chức năng thành phố Hà Nội sẽ tổ chức nhiều hội chợ nhằm quảng bá, khuyến mại, tư vấn mua, sử dụng hàng hóa dịch vụ xanh, an toàn cho người tiêu dùng. Đồng thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN, góp phần thực hiện có hiệu quả việc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng bền vững tổng mức bán lẻ và cân đối cung cầu trên địa bàn thành phố.

Để công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được triển khai đồng bộ, thường xuyên, liên tục và hiệu quả, ông Hiệp cho biết, sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, tư vấn hỗ trợ, giải đáp cho người tiêu dùng về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phong phú. Đồng thời, phối hợp với các địa phương tổ chức các chương trình, sự kiện nhằm đẩy mạnh thực hiện kế hoạch kích cầu của thành phố và tri ân người tiêu dùng; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra (nhất là kinh doanh trên môi trường mạng), hướng dẫn nhận biết hàng thật, hàng giả cho người tiêu dùng; giải đáp kịp thời, chính xác các thắc mắc, hỏi đáp về quyền của người tiêu dùng...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người tiêu dùng với sản phẩm xanh