Người Trung Quốc có xu hướng chi tiêu tiết kiệm trong năm thứ 3 đại dịch

Mai Nguyễn (Theo CNBC) 01/04/2022 13:30

Người tiêu dùng Trung Quốc đang trở nên thận trọng hơn so với thời điểm gần bắt đầu đại dịch, theo công bố mới đây từ một cuộc khảo sát của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc.

Tiết kiệm thay vì chi tiêu

Theo một cuộc khảo sát của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) ngày 31/3, người tiêu dùng tại đất nước tỷ dân đang trở nên thận trọng hơn so với thời điểm gần bắt đầu đại dịch Covid-19.

Thay vì chi tiêu hoặc đầu tư tiền bạc của họ, nhiều người dân Trung Quốc lựa chọn tiết kiệm hơn trong ba tháng đầu năm 2022, kết quả từ cuộc khảo sát hàng quý cho thấy.

Người dân đeo khẩu trang khi đi ngoài đường phố Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: AP.
Người dân đeo khẩu trang khi đi ngoài đường phố Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: AP.

Những người đã tham gia trả lời khảo sát có xu hướng tiết kiệm hơn trong quý đầu tiên đã tăng lên 54,7% – mức cao nhất được ghi nhận kể từ quý 3/2002, theo dữ liệu được truy cập qua Wind Information – một công ty hàng đầu về dữ liệu tài chính tại Trung Quốc.

Thời điểm vài tuần gần đây, trước sự lây lan chóng mặt của siêu biến thể Omicron có khả năng truyền nhiễm cao tại nhiều khu vực kinh tế lớn như Thâm Quyến và Thượng Hải, chính quyền đã quyết định đóng cửa và kiểm dịch, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh và cuộc sống hàng ngày của phần lớn người dân.

Thành phố Thượng Hải đóng cửa kiểm dịch. Ảnh: Time.
Thành phố Thượng Hải đóng cửa kiểm dịch. Ảnh: Time.

Khi đại dịch Covid-19 bước vào năm thứ ba, chính quyền Trung Quốc đang có những dấu hiệu chuyển hóa câu chuyện của họ từ việc duy trì chính sách “Zero Covid” nghiêm ngặt sang “một cách tiếp cận thực tế hơn”, từ góc nhìn của Carlos Casanova, nhà kinh tế châu Á cấp cao tại ngân hàng UBP.

Nhưng Casanova lại không mong đợi những thay đổi đó sẽ diễn ra cho đến nửa cuối năm nay. Ông nói rằng, công ty của ông hiện đang cắt giảm dự báo GDP của Trung Quốc trong quý 2 mà không đưa ra một con số cụ thể.

Mặc dù cuộc khảo sát của ngân hàng trung ương đã cho thấy tỷ lệ người được phỏng vấn muốn chi tiêu trong quý đầu tiên đã giảm xuống còn 23,7%, nhưng đó chỉ là mức thấp nhất trong vòng một năm, dữ liệu truy cập qua Wind cho thấy. Mức thấp hơn, 22%, thậm chí đã từng bày tỏ sự thích thú trong việc chi tiêu giữa khoảng thời gian tồi tệ nhất của đại dịch vào quý đầu tiên của năm 2020.

Người dân mua sắm tại chợ Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh: The Economic Times.
Người dân mua sắm tại chợ Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh: The Economic Times.

Và giáo dục là lĩnh vực hàng đầu mà người tiêu dùng Trung Quốc có kế hoạch tăng chi tiêu trong ba tháng tới. Cuộc khảo sát của PBOC đã chỉ ra 28,9% người dân đang thể hiện cùng quan điểm như vậy – tăng từ 27,2% trong quý 4 năm 2021.

Cuộc khảo sát cũng cho biết, bất chấp những khó khăn của ngành bất động sản Trung Quốc, tỷ lệ người được hỏi dự định sẽ mua nhà vẫn giữ nguyên trong cả hai quý, ở mức 17,9%,

Lạnh nhạt trước cổ phiếu

Bên cạnh những kế hoạch cắt giảm chi tiêu rõ ràng, người tiêu dùng Trung Quốc cho biết họ cũng không có xu hướng đầu tư tiền bạc của mình.

Theo Wind, tỷ lệ người muốn đầu tư đã giảm xuống chỉ còn 21,6%, mức thấp nhất được ghi nhận kể từ quý đầu tiên của năm 2009.

Thay vì đầu tư, người dân sẽ lựa chọn tiết kiệm. Ảnh: France24.
Thay vì đầu tư, người dân sẽ lựa chọn tiết kiệm. Ảnh: France24.

Trong số đó, sự thèm khát đầu tư vào cổ phiếu vẫn giữ ở mức thấp nhất trong số ba loại hình đầu tư được liệt kê, đồng thời tỷ lệ người dân được hỏi liệu có muốn mua cổ phiếu hay không đã giảm xuống chỉ còn 16,2% trong quý đầu tiên - giảm từ mức 17,3% so với quý trước, dữ liệu khảo sát cho thấy.

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, cuộc khảo sát hàng quý của họ đã bắt đầu thực hiện từ năm 1999, trong đó đối tượng sẽ bao gồm 20.000 người có tiền gửi ngân hàng trên khắp 50 thành phố lớn, vừa và nhỏ tại đất nước tỷ dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người Trung Quốc có xu hướng chi tiêu tiết kiệm trong năm thứ 3 đại dịch