Để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, Ủy ban MTTQ huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ đặc biệt quan tâm đến việc phát huy vai trò của người có uy tín; đồng thời tìm các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho bà con nhân dân.
Thanh Sơn là huyện miền núi nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Phú Thọ. Toàn huyện có 32 dân tộc cùng sinh sống. Trong đó, dân tộc Mường chiếm 56,85%, dân tộc Dao 3,64%, còn lại là các dân tộc thiểu số khác. Tỷ lệ hộ nghèo các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn chiếm 27,35%, tỷ lệ hộ nghèo người DTTS là 81,86%. Để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, huyện Thanh Sơn đặc biệt quan tâm đến việc phát huy vai trò của người có uy tín; đồng thời tìm các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho bà con nhân dân.
Để thực hiện tốt các chính sách dân tộc trên địa bàn, Ủy ban MTTQ huyện Thanh Sơn xác định việc phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Do đó, Ủy ban MTTQ huyện đã phối hợp chặt chẽ UBND huyện, các ban, ngành, đoàn thể quyết liệt triển khai phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi với cách làm bài bản, khoa học, phù hợp với thế mạnh của địa phương.
Với đặc thù là một xã có đông đồng bào DTTS sinh sống, nhưng những năm qua, nhờ làm tốt công tác dân tộc mà đời sống của bà con nơi đây đã thay đổi đáng kể. Ông Triệu Văn Quang - người có uy tín tại bản Thành Công, xã Văn Miếu cho biết, bản Thành Công chủ yếu là đồng bào Dao. Nhiều năm nay, ông Quang được người dân bầu là Trưởng khu dân cư, đồng thời là người có uy tín trong đồng bào dân tộc. Từ khi được người dân tín nhiệm, ông Quang luôn trăn trở làm thế nào để giúp người dân thoát nghèo.
“Để có thể giúp bà con, tôi đã vận động mọi người cùng tham gia trồng rừng để làm nguyên liệu giấy, trồng sơn, trồng chè, chuyển đổi vườn tạp sang trồng cây ăn quả và phát triển chăn nuôi… Để gương mẫu đi đầu, riêng gia đình tôi đã nhận hơn 20ha đất rừng và vay vốn ngân hàng để phát triển kinh tế tổng hợp gồm: Trồng rừng, cây ăn quả, nuôi thả cá. Nhờ đó, thu nhập của gia đình tôi rất ổn định” - ông Quang chia sẻ.
Từ cách làm của ông Quang, bà con trong bản nhiều người đã học tập và làm theo ông. Đến nay, ở bản Thành Công, hầu như nhà nào cũng tham gia bảo vệ rừng và trồng rừng để phát triển kinh tế hộ gia đình. Bà con trong bản cũng luôn đoàn kết, hỗ trợ, chia sẻ, giúp đỡ nhau cùng phát triển kinh tế. Người nọ bảo người kia chịu khó làm ăn nên cuộc sống của nhiều gia đình đều no đủ. Nhờ đó, nhiều năm liền bản Thành Công không xảy ra tệ nạn xã hội, khiếu kiện, khiếu nại...
Hay như ông Phùng Đức Hòa, dân tộc Mường, là người có uy tín của khu Đồn, xã Hương Cần cũng là người hết lòng với dân bản. Là cán bộ nghỉ hưu, ông Hòa không chỉ gương mẫu, đi đầu trong phát triển kinh tế và các hoạt động của khu dân cư mà còn tích cực vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nỗ lực sản xuất kinh doanh, xây dựng nông thôn mới... Nhờ biết làm ăn, phát triển kinh tế hộ gia đình mà đến nay thu nhập của gia đình ông đạt hơn 200 triệu đồng/năm.
Để tiếp tục thực hiện tốt các chính sách dân tộc trên địa bàn huyện, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Thanh Sơn Trần Văn Hoan cho biết, MTTQ các cấp trong huyện sẽ triển khai, tổ chức giám sát Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Để thực hiện tốt việc này, huyện đã xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động giám sát như: Giám sát rèn luyện đạo đức, lối sống nơi làm việc của đảng viên, giám sát về đổi mới nội dung phương thức trong công tác dân tộc, giám sát xây dựng cơ sở hạ tầng; giám sát nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới nhất là nguồn lực do nhân dân đóng góp và nhà nước đầu tư…