Người viết cho thiếu nhi - đốt đuốc đi tìm

Thư Hoàng 29/05/2016 14:05

Bấy lâu nay chúng ta báo động tình trạng thiếu nhi ít đọc sách hoặc chỉ đọc truyện tranh. Tình trạng nhập siêu sách thiếu nhi của nước ngoài cũng được cảnh báo. Nguyên nhân được chỉ ra có nhiều. Nhưng dường như còn chưa có nhiều nơi, nhiều người nhìn thẳng vào thực tế: ở ta hiện nay còn mấy ai chuyên viết cho thiếu nhi?“Sân khấu” còn nhiều chỗ trống

Người viết cho thiếu nhi - đốt đuốc đi tìm

Một buổi ra mắt truyện tranh của tác giả trẻ.

“Sân khấu” còn nhiều chỗ trống

Cách đây chưa lâu, trong một hội nghị diễn ra ở TP HCM, ông Trương Minh Tuấn- Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông than thở: “Đất nước hơn 90 triệu dân mà không có ai viết sách cho trẻ con nước mình là không bình thường”. Quả vậy, mỗi năm có hơn 1 triệu trẻ em ra đời nhưng các tên tuổi sống chết với việc viết sách cho thiếu nhi thì rất ít. Nhìn trước ngó sau danh sách ấy cũng không nhiều. Những tên tuổi gắn bó với thiếu nhi như Tô Hoài, Võ Quảng, Phong Thu, Trần Đăng Khoa… thì hoặc đã mất, hoặc đã già, sức viết cũng “già” theo.

Địa hạt sách cho tuổi mới lớn có Nguyễn Nhật Ánh bấy lâu nay là bền bỉ. Nhưng sức một người mỗi năm cũng chỉ ra được 1 đến 2 đầu sách. Trong khi đó, sách cho thiếu nhi đâu chỉ có mảng sách cho tuổi mới lớn. Còn sách mầm non, sách nhi đồng… Rồi chia ra các mảng: thơ, truyện, truyện cổ tích, sách tri thức, phổ biến kiến thức, đặc biệt là mảng sách kỹ năng sống với các kỹ năng bơi lội, phòng tránh đuối nước… Nhìn vào thị trường xuất bản, sẽ thấy chỗ nào cũng cần có thêm tác giả viết. Nói cách khác, “sân khấu” cho tác giả Việt viết sách tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam vẫn còn rất rộng.

Các chuyên gia cho rằng, hiện nay, vì quá ít người đam mê, theo đuổi viết sách thiếu nhi, vì thế thị trường sách hiện giờ tràn ngập sách được mua bản quyền nước ngoài cũng là điều dễ hiểu. Theo một con số thống kê, trên 50% sách cho thiếu nhi hiện nay vẫn đang từ nguồn… nhập khẩu.

Bà Nguyễn Kim Thoa- Phó Giám đốc Công ty Tân Việt cho biết, mỗi năm công ty của bà phải chi nhiều tỷ đồng để mua bản quyền của các NXB ở nước ngoài. Những lúc như thế, bà ước mong số tiền đó được trả cho các nhà văn, nhà thơ, tác giả trong nước. Tuy nhiên, nguồn bản thảo sách thiếu nhi “nội” rất ít, kém đa dạng nên tiền Việt vẫn cứ chảy vào “túi Tây”.

Người viết cho thiếu nhi - đốt đuốc đi tìm - 1

“Quà cho con” – tập thơ có giá bản quyền hơn 500 triệu đồng.

Sách Việt nuôi dưỡng tâm hồn người Việt

Nỗ lực thúc đẩy, tìm kiếm thêm các tác giả Việt Nam chuyên viết sách cho thiếu nhi cũng luôn thường trực trong các đơn vị làm xuất bản. Tuy nhiên, có vẻ vẫn rất ít người dấn thân. Nguyên nhân thì có nhiều. Người đổ cho nhuận bút “không đủ sống”. Người thừa nhận viết cho thiếu nhi khó, và còn phải “chờ duyên”…

Thời gian qua, Dự án Hỗ trợ phát triển văn học thiếu nhi Việt Nam- Đan Mạch do đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam phối hợp với NXB Kim Đồng, Hội Nhà văn Hà Nội và Hội Nhà văn Đan Mạch tổ chức. Qua những hoạt động như thế, cũng đã phát hiện ra thêm những gương mặt mới. Như họa sĩ Bích Khoa, tác giả Tạ Lan Hạnh, Nguyễn Thị Bích Nga, Dương Ngọc Tú Quỳnh… Trong số này, đáng chú ý là họa sĩ Bích Khoa với những cuốn Artbook đã bán được bản quyền cho một số nước như Pháp, Anh…

Đặc biệt, tuần này, thông tin một cuốn thơ thiếu nhi đầu tay của tác giả Nguyễn Huy Hoàng đã được mua bản quyền tới 550 triệu đồng đã khiến nhiều người bất ngờ. Đó là cuốn “Quà cho con”- gồm 100 bài thơ viết về 100 kỹ năng sống cần thiết cho trẻ nhỏ. Điều đó cho thấy, nếu tác giả chọn lựa cho mình được một đề tài, triển khai một cách có hiệu quả, thì số tiền thu về cũng không thể nói là “nhuận bút bọt bèo”.

Theo các chuyên gia xuất bản, ở thời điểm này, các NXB, các công ty sách cũng đã rất “biết người, biết ta”. Cụ thể, họ sẽ trả giá xứng đáng khi bạn mang đến cho họ một bản thảo sách thiếu nhi hấp dẫn, mới lạ. Với tập thơ “Quà cho con” đang gây dư luận trước thềm 1-6 năm nay, bà Kim Thoa cho rằng, dù đây là lần đầu tiên Tân Việt trả giá cao cho một tập thơ thiếu nhi nhưng bà vẫn rất hân hoan vì đó là sản phẩm của người Việt. Khi “người Việt dùng hàng Việt”, thì người Việt cũng sẵn chi trả tác quyền cho người Việt với giá trị cao. Điều này không chỉ hạn chế “nhập siêu” mà còn có ý nghĩa cổ vũ phong trào sáng tác, khích lệ các tác giả trẻ Việt Nam giàu ý tưởng, đam mê viết sách bắt tay vào công việc sáng tạo.

Trong khi đó, cuốn “Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, NXB Trẻ ngay lần đầu tiên cũng sẵn sàng in 100.000 bản, theo đó, tác giả có cả tỷ đồng nhuận bút.

Tuy nhiên, một vài cái tên không đủ để “phủ sóng” thị trường cũng như khó lòng “đánh bạt” sách ngoại. Ý thức điều đó, mới đây, NXB Trẻ cũng đưa ra lời kêu gọi người Việt viết cho trẻ em Việt. Mỗi năm đơn vị này in hàng ngàn cuốn sách thiếu nhi, riêng dịp 1-6 năm nay đã phát hành hơn 100 cuốn. Tuy nhiên, số sách mua bản quyền nước ngoài cũng chiếm số lượng lớn. Theo Giám đốc NXB Trẻ Nguyễn Minh Nhựt, bán sách thiếu nhi không hề dễ, nhưng không phải vì thế mà chúng ta để mặc cho thị trường tràn ngập sách thiếu nhi ngoại nhập. “Sách thiếu nhi ngoại nhập có lợi thế về phổ biến kiến thức, nhưng những bài học về tâm hồn chưa chắc đã phù hợp với trẻ em Việt Nam. Người Việt viết cho người Việt mới thực sự là nuôi dưỡng tâm hồn cho nhau”- ông Nhựt nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người viết cho thiếu nhi - đốt đuốc đi tìm