Trong khi nhiều động lực tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam suy giảm trước tác động của dịch Covid-19 thì dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã có bước phục hồi và tăng trưởng tốt, đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng dương của tổng sản phẩm nội địa.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2021 đầu tư nước ngoài đã đạt gần 31,5 tỉ USD. Tính đến 20/1/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 2,1 tỉ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2021. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt trên 1,61 tỉ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, 3 dự án FDI lớn nhất đã “xông đất” các tỉnh Nghệ An, Bắc Ninh, Phú Thọ... Ngoài ra, trên cả nước còn có 100 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, 71 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư và 206 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài.
Về các tín hiệu này, theo GS. TS Khoa học Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, các dự báo gần đây cho thấy, vốn FDI toàn cầu năm 2022 có thể khôi phục về mức trước đại dịch, nhờ dịch bệnh trên thế giới được kiểm soát tốt, nhiều quốc gia ban hành cơ chế, chính sách mới ưu đãi đầu tư. Ông cũng cho rằng, có nhiều cơ sở để đưa ra kỳ vọng về thu hút FDI do các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mà Việt Nam tham gia ký kết đã có hiệu lực. Sau 2 năm diễn ra đại dịch Covid-19, vaccine từng bước phủ rộng toàn cầu, Việt Nam là một trong quốc gia có tốc độ phủ vaccine lớn, với nhu cầu phục hồi kinh tế, nối lại các đường bay, giao thương quốc tế… các nước cũng đã dần trở lại trạng thái bình thường. Dự báo vốn ngoại đăng ký sẽ tăng 20% trong năm nay, triển vọng Việt Nam có thể thu hút khoảng 40 tỷ USD.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, sau tác động của đại dịch Covid-19, nối tiếp đà phục hồi từ cuối năm 2021, nhiều doanh nghiệp FDI đã ổn định và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Vốn đầu tư thực hiện của các dự án FDI trong tháng 1/2022 tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, cho biết Việt Nam có rất nhiều triển vọng thu hút FDI, dự kiến đầu tư nước ngoài sẽ bứt phá trong năm 2022 khi các quốc gia đang dần mở cửa nền kinh tế, thích ứng với điều kiện bình thường mới.
Phân tích cụ thể hơn, ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nhấn mạnh, việc đơn hàng ngày càng tăng, doanh nghiệp nước ngoài tăng đầu tư vào Việt Nam chủ yếu do nguồn lao động dồi dào, kỹ năng tay nghề cao và ổn định, đảm bảo được chất lượng sản phẩm theo yêu cầu từ đối tác. Hệ thống nhà máy được đầu tư ở Việt Nam rất tốt, chi phí lao động vẫn đang ở mức cạnh tranh dù có tăng trong những năm qua. “Thực tế đang ngày càng có nhiều doanh nghiệp đa quốc gia tìm cách xây dựng cơ sở sản xuất tại Việt Nam”, ông Toàn nói.
Theo các chuyên gia kinh tế, sự phục hồi của dòng vốn FDI đã minh chứng cho những chính sách điều hành kinh tế vĩ mô hiệu quả, cũng như thể hiện sự yên tâm của các nhà đầu tư nước ngoài khi tiếp tục mở rộng đầu tư, sản xuất tại Việt Nam.
Tuy nhiên, việc nắm bắt cơ hội phải thể hiện bằng những giải pháp cụ thể, đặc biệt là các thủ tục cấp phép đầu tư. Thực tế chúng ta đã loại bỏ hàng nghìn điều kiện kinh doanh rườm rà nhưng thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư vẫn mất 6 tháng đến 1 năm, tiếp theo còn hàng loạt thủ tục nữa mới triển khai được dự án. Ðối với các tập đoàn đa quốc gia, yếu tố thời gian rất quan trọng. Việc cấp phép đầu tư và các thủ tục tiếp theo phải nhanh gọn, thuận tiện nếu không chúng ta sẽ mất cơ hội…