Mặt trận

Nguồn lực mạnh mẽ cho chương trình mục tiêu quốc gia

Nguyễn Quý 29/02/2024 07:01

Trong 3 năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã huy động trên 82.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách, vốn tín dụng và các nguồn huy động khác để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG).

duoi.jpg
Căn nhà mới khang trang của ông Lưu Văn Phàng (thôn Vòng Tre, xã Bình Dân, huyện Vân Đồn) được hỗ trợ 80 triệu đồng từ chương trình xóa nhà ở tạm, dột nát. Ảnh: Nguyễn Quý.

Từ nguồn lực đầu tư này, đời sống nhân dân khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh đã ngày càng khởi sắc.

Trong 3 năm thực hiện các chương trình MTQG và Nghị quyết 06 ngày 17/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, tỉnh Quảng Ninh đã huy động được trên 82.000 tỷ đồng. Đây là con số lớn, trong bối cảnh đến hết năm 2023, nhiều địa phương có tỷ lệ giải ngân các chương trình MTQG đạt thấp.

Điểm nổi bật của Quảng Ninh chính là huy động được mọi nguồn lực trong xã hội, khơi dậy ý chí, sức mạnh của nhân dân. Theo số liệu từ Cục Thống kê tỉnh Quảng Ninh, trong 82.000 tỷ đồng huy động được, vốn ngân sách nhà nước chiếm tỷ lệ khoảng 25% (tương đương 20.700 tỷ đồng). Riêng nguồn vốn tín dụng là 60.000 tỷ đồng, chiếm tới 73,1%, gấp gần 3 lần so với vốn ngân sách nhà nước. Còn lại vốn của tổ chức doanh nghiệp, hợp tác xã là 165,3 tỷ đồng chiếm 0,2% và vốn huy động hợp pháp là trên 1.100 tỷ đồng, chiếm 1,35%.

Như vậy, từ một đồng ngân sách nhà nước, Quảng Ninh thu hút được bốn đồng ngoài ngân sách để thực hiện mục tiêu nâng cao được chất lượng đời sống nhân dân, nhất là vùng đồng bào DTTS.

Quảng Ninh đã hoàn thành trước 3 năm Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, chuyển sang giai đoạn xây dựng và triển khai theo chuẩn nghèo đa chiều mới của tỉnh cao hơn mức bình quân chung của cả nước.

Để có được những kết quả đó, quá trình thực hiện, tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện các văn bản, cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện thực tế và quy định của Trung ương để thực hiện phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới (NTM). Lãnh đạo tỉnh đã thường xuyên kiểm tra tiến độ, đánh giá kết quả thực hiện các chương trình theo từng tháng, quý và cả năm, đặc biệt đối với các xã xây dựng NTM thuộc khu vực đồng bào DTTS, biên giới, miền núi, hải đảo.

MTTQ và các đoàn thể đã phát huy vai trò trong công tác tuyên truyền, vận động, giúp đỡ người dân xây dựng NTM, hỗ trợ các xã vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo phát triển kinh tế, quốc phòng an ninh, ổn định xã hội.

Từ nguồn lực lớn đã huy động được, tạo ra không khí sôi nổi thực hiện giảm nghèo, xây dựng NTM toàn tỉnh nói chung và xây dựng phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng – an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh nói riêng.

Nhờ đó mà bộ mặt nông thôn Quảng Ninh thay đổi rõ nét. Theo Ban Dân tộc tỉnh, đến nay, 100% số xã miền núi có đường ô tô đến tận thôn, bản; 100% các xã thuộc khu vực miền núi, biên giới, hải đảo có điện lưới quốc gia; 100% hộ dân được dùng điện lưới quốc gia; 100% hộ đã có nhà ở kiên cố. Nhiều công trình giáo dục văn hóa, y tế, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, hạ tầng thương mại ở vùng đồng bào DTTS được quan tâm đầu tư khang trang, hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập, khám, chữa bệnh, vui chơi cho nhân dân. Tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch đạt trên 70%...

Các mô hình kinh tế ngày càng nhiều với hiệu quả mang lại cao, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo bền vững, thậm chí trở thành hộ khá giả, giàu có. Nhiều địa phương vốn được gọi là vùng “lõi nghèo” nay người dân đã có cuộc sống mới, tiến bộ hơn rất nhiều. Điển hình như huyện Ba Chẽ có 7 xã vùng đồng bào DTTS, miền núi thì có đến 4 xã có thu nhập bình quân cao hơn mức thu nhập bình quân chung của huyện, với mức thu nhập 69,6 triệu đồng/người/năm; huyện Bình Liêu có 3/7 xã có thu nhập bình quân cao hơn mức thu nhập bình quân chung của huyện, với mức thu nhập là 64,3 triệu đồng/người/năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nguồn lực mạnh mẽ cho chương trình mục tiêu quốc gia

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO