Các thống kê cho thấy, tại Việt Nam, tỷ lệ sử dụng kháng sinh không đúng đơn lên tới 91% ở khu vực nông thôn, 88% ở khu vực thành thị. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo, không giải quyết được kháng kháng sinh, sẽ không chữa được nhiều bệnh thông thường.
Tỷ lệ kháng thuốc lên tới 90%
Dù đã có quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc, nhưng trên thực tế, người dân vẫn có thói quen tự mua thuốc điều trị, nhân viên các nhà thuốc tự chẩn bệnh, kê đơn. Đây là tình trạng đang diễn ra phổ biến hiện nay.
Dược sĩ Nguyễn Thanh Hà - phụ trách một quầy thuốc tại khu đô thị Tây Nam Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay, người dân ở các tòa nhà quanh đó thường mô tả các triệu chứng bệnh lý, nhẹ thì sổ mũi nhức đầu, nặng thì viêm nhiễm các vết thương…; thậm chí có không ít người mang các đơn kê đã cũ xuống mua thuốc chữa bệnh, sau đó các nhân viên quầy thuốc sẽ kê đơn để bán thuốc, hướng dẫn liều dùng.
Theo các chuyên gia y tế, Việt Nam đã xuất hiện vi khuẩn đa kháng (kháng 2 nhóm kháng sinh) và toàn kháng (kháng với tất cả kháng sinh). Chính vì vậy, trong khi tại nhiều nước, việc sử dụng kháng sinh thế hệ 1 vẫn điều trị hiệu quả, tại Việt Nam đã phải dùng kháng sinh thế hệ 3 và 4. Đáng lưu ý, hiện Việt Nam có nhiều loại vi khuẩn thông dụng, nguy hiểm, nhưng có tỷ lệ kháng thuốc cao đến rất cao, như nhóm vi khuẩn E.coli (vi khuẩn đường ruột), tỷ kháng thuốc lên tới 40%, thậm chí có địa phương lên đến 70%, kháng cả kháng sinh mạnh nhất là colistin, hay như vi khuẩn A.baumannii, vi khuẩn gây nhiễm khuẩn bệnh viện, tỷ lệ kháng với hầu hết các loại kháng sinh lên đến trên 90%.
BS Nguyễn Bá Cường - Trung tâm Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, có khoảng 40 - 60% ca bệnh có vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh trước khi nhập viện. Nhiều bệnh nhân vào viện vì một bệnh khác nhưng gặp vi trùng kháng kháng sinh khiến bệnh nhân nguy kịch và tử vong do nhiễm trùng chứ không phải do bệnh lý lúc bệnh nhân nhập viện. Một số bệnh nhân nhiễm trùng với những con vi khuẩn kháng tất cả các loại kháng sinh mà bệnh viện đang có.
GS.TS Ngô Quý Châu - Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội nhận định, nước ta là một trong các quốc gia gia tăng tình trạng kháng kháng sinh. Nguyên nhân do sử dụng kháng sinh không hợp lý tại các cấp của hệ thống chăm sóc sức khỏe như kê đơn không hợp lý, kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện chưa tốt, sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, trong chăn nuôi và trong cộng đồng...
Nâng cao nhận thức
Việc mua và dùng thuốc kháng sinh mà không có đơn của bác sĩ và dùng không đủ liều sẽ gây ra tình trạng kháng kháng sinh. Hậu quả của việc kháng kháng sinh là rất nghiêm trọng, có nhiều trường hợp các liệu pháp điều trị người mắc bệnh do nhiễm khuẩn sẽ không còn hiệu quả hoặc hiệu quả thấp. Kháng thuốc làm cho các lần điều trị sau trở nên kém hiệu quả hoặc không hiệu quả, kéo dài thời gian nằm viện, tốn kém chi phí điều trị. Theo các chuyên gia y tế, điều tồi tệ nhất khi bệnh nhân bị vi khuẩn đa kháng thuốc xâm nhập dẫn đến việc điều trị thuốc kháng sinh không còn tác dụng, nguy cơ tử vong cao vì suy đa tạng, suy hô hấp, nhiễm trùng huyết…
BS Nguyễn Thế Hưng - Khoa Hồi sức tích cực và chống độc (Bệnh viện Bãi Cháy, Quảng Ninh) cho biết: Hiện nay bệnh nhân có vi khuẩn kháng thuốc có xu hướng gia tăng, các chủng vi khuẩn kháng kháng sinh phổ biến hơn. Vi khuẩn đa kháng thường xuất hiện trên các bệnh nhân nằm thở máy kéo dài, có bệnh lý nền như đái tháo đường, mất máu, nằm lâu một chỗ có loét tì đè, nhiễm khuẩn ngoài da, mô mềm… Do đó, đa phần bệnh nhân đều có nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện rất cao, một số bệnh nhân từ tuyến khác chuyển tới kháng tất cả các loại kháng sinh khiến việc điều trị khó khăn, tăng nguy cơ tử vong. Bệnh nhân càng cần nhiều can thiệp y tế càng có nguy cơ nhiễm khuẩn.
Thực tế điều trị tại các bệnh viện cũng cho thấy, tình trạng sử dụng quá liều và việc lạm dụng thuốc kháng sinh đã khiến nhiều loại vi khuẩn kháng lại nhiều biện pháp điều trị, trong khi các phương pháp điều trị thay thế hiện đang được phát triển lại không nhiều.
Tại hội nghị khoa học mới đây do Hội Hô hấp Việt Nam- Hội Phổi Pháp - Việt phối hợp tổ chức, GS.TS Hans Liu (Bệnh viện Bryn Mawr, Hoa Kỳ) cho biết, hiện nay, thế giới đang thiếu các phát minh về nhóm kháng sinh mới. Hơn 10 năm trở lại đây không có phát minh về kháng sinh mới, trong khi số lượng vi khuẩn kháng kháng sinh gia tăng mạnh, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19.
Trước đó vào năm 2020, WHO đã xếp Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ kháng kháng sinh cao ở châu Á. Tỷ lệ sử dụng kháng sinh không đúng đơn ở Việt Nam lên tới 91% ở khu vực nông thôn và 88% ở khu vực thành thị. Theo WHO, kháng kháng sinh ảnh hưởng tới mọi đối tượng với các độ tuổi khác nhau. Các bệnh viêm phổi, lao, lậu và nhiễm khuẩn salmonella trở nên khó điều trị hơn do thuốc kháng sinh dần kém hiệu quả.
Mới đây nhất, tại Tuần lễ nâng cao nhận thức về kháng kháng sinh toàn cầu 2023, Bộ Y tế đã đề nghị tất cả các địa phương trên toàn quốc tăng cường nhận thức để ngăn chặn việc sử dụng kháng sinh quá liều lượng và sai cách góp phần ngăn ngừa kháng kháng sinh.
Mỗi năm thế giới có khoảng 700.000 người tử vong do kháng thuốc. Dự báo, đến năm 2050, cứ 3 giây sẽ có 1 người tử vong do các siêu vi khuẩn kháng thuốc, tương đương với khoảng 10 triệu người mỗi năm. Khi đó, thậm chí các bệnh thông thường như ho, hay chỉ một vết cắt trên da cũng có thể gây tử vong.