Nhiều năm nay, cứ đến mùa nắng nóng, tình trạng đuối nước ở trẻ em lại xảy ra. Làm gì để báo động tới tất cả các gia đình, nhà trường và học sinh về những nguy hiểm đang ẩn dưới mặt hồ phẳng lặng, không thể lơ là?
Nhiều vụ đuối nước thương tâm
Tại xã Sơn Kỳ, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi, ngày 8/4, hai học sinh lớp 1 tử vong khi đi bắt ốc. Các em bị dòng nước chảy xiết cuốn trôi mất tích khi lội qua suối Nước Lác.
Tại Nghệ An, ngày 5/4 xảy ra vụ đuối nước làm 3 học sinh lớp 6, Trường THCS Nghi Quang, huyện Nghi Lộc tử vong. Do được nghỉ học nên 7 học sinh rủ nhau đi tắm tại bãi Hoang, xã Nghi Thiết – một khu vực biển nguy hiểm, thường có sóng to nên 3 em bị sóng cuốn trôi.
Trước đó, chiều 19/3, nhóm 5 học sinh cấp 3 trên địa bàn huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu rủ nhau đến hồ Đá Bàng (thôn Phước Trung, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức) chơi. Sau đó, 3 trong 5 em xuống hồ tắm và mò trai, bất ngờ 2 em bị đuối nước… Một vụ đuối nước khác nạn nhân cũng là học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi (huyện Châu Đức) xảy ra ngày 6/1 làm 2 học sinh tử vong khi tới hồ chứa nước Kim Long (thôn Tân Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức) vui chơi sau khi kết thúc buổi thi ở trường.
Hàng loạt vụ việc đuối nước xảy ra trong 3 tháng đầu năm 2023 và trước đó dù đã được cảnh báo từ nhà trường, gia đình. Thậm chí nạn nhân của các vụ việc đều là học sinh của cùng một trường THPT và sự việc đáng tiếc xảy ra chỉ cách nhau hơn 2 tháng khiến người ở lại thực sự xót xa, bàng hoàng.
Thời tiết miền Bắc bắt đầu chuyển sang nắng nóng và một mùa hè đang đến gần khiến nỗi lo đuối nước ở trẻ càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Năm 2022, thống kê cho thấy trong 5 tháng đầu năm 2022 đã xảy ra 38 vụ đuối nước làm tử vong 113 trẻ, nhưng chỉ trong dịp hè từ tháng 5 đến gần hết tháng 6, số trẻ tử vong vì đuối nước cũng bằng 5 tháng đầu năm.
Theo ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trung bình mỗi năm nước ta vẫn có khoảng 2.000 trẻ em, học sinh tử vong do đuối nước, tỷ suất cao nhất so với khu vực Đông Nam Á và cao gấp 8 lần các nước phát triển. Các vụ đuối nước trẻ em xảy ra tập trung vào những tháng hè, khi các em chuẩn bị vào kỳ nghỉ hè.
Không thể thờ ơ
Chỉ ra nguyên nhân dẫn đến những vụ đuối nước, ông Lê Hải Long - Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Đội Trung ương cho rằng, xuất phát ban đầu là do phụ huynh và người chăm sóc trẻ lơ là, chưa sát sao trong giám sát, nâng cao nhận thức về kỹ năng bơi an toàn, nhất là với trẻ dưới 6 tuổi. Đặc biệt, vào những dịp hè khi trẻ được nghỉ học tình trạng này càng đáng báo động.
Ông Long cho biết, Trung ương Đoàn đã phối hợp với các nhà trường, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền tới phụ huynh và người chăm sóc trẻ về kiến thức phòng tránh đuối nước. Dự kiến đưa vào vận hành 25 bể bơi vào năm 2023 trên toàn quốc để phổ biến và thực hành kỹ năng bơi, phòng tránh đuối nước cho trẻ.
Trong các nhà trường, phụ huynh, địa phương đã liên tục nhắc nhở cảnh báo các em về các điểm đen nguy cơ đuối nước nhưng do trẻ tâm lý lứa tuổi hiếu động, việc chấp hành các quy định an toàn của các em chưa triệt để dẫn đến những sự việc đau lòng. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng bên cạnh việc cảnh báo, nhắc nhở cũng cần có chế tài cụ thể đối với người không chấp hành yêu cầu của các lực lượng quản lý khu vực sông, hồ, biển… để làm gương cho người khác.
Đại tá Nguyễn Minh Khương - Phó cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an) cho rằng, nếu như không có sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền cấp xã - tại nơi có nguy cơ dẫn tới sự cố đuối nước như ao hồ, sông suối, công trình và không có cảnh báo, giám sát, hạn chế đi lại thì nguy cơ đuối nước rất cao. Hiện Bộ Công an đã chỉ đạo tới công an cơ sở tăng cường kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở và kiên quyết xử lý theo quy định pháp luật những trường hợp vi phạm, cố tình không thực hiện phòng, chống đuối nước, nhất là ở bãi tắm, khu vui chơi giải trí, công trường xây dựng.
Sắp tới mùa nắng nóng, các địa phương cần tiến hành khảo sát tại các điểm thường xảy ra hoặc có nguy cơ cao xảy ra tai nạn đuối nước trên địa bàn và có các giải pháp xử lý cấp bách để đảm bảo an toàn ở mức cao nhất cho người dân. Vừa qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thực hiện khảo sát tại các địa điểm xảy ra vụ đuối nước thương tâm làm 2 học sinh tử nạn và nhận thấy mặc dù đã có gắn những bảng cảnh báo nguy hiểm nhưng mức độ cảnh báo chưa cao. Cần nhấn mạnh nguy hiểm, cảnh báo từ đầu đường, bảng cần bổ sung thêm độ sâu của hồ và số điện thoại đường dây nóng để người dân gọi điện báo lực lượng chức năng kịp thời. Đối với các điểm hụt chân, cần đánh dấu bằng cờ để cảnh báo…
Ghi nhận từ nhiều vụ việc đuối nước cho thấy, dù có những em biết bơi nhưng thiếu kỹ năng xử lý tình huống cũng có thể tử vong. Vì vậy, một trong những mục tiêu đặt ra để giảm tai nạn đuối nước đó là cần tiếp tục truyền thông, giáo dục từ nhà trường, các tổ chức đoàn thể một cách mạnh mẽ, lan tỏa hơn nữa để thực sự làm thay đổi hành vi ứng xử của học sinh, người dân. Đồng thời trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng nhận biết sự nguy hiểm, kỹ năng an toàn trong môi trường nước và kỹ năng bơi an toàn.
Hàng năm đề án phổ cập dạy bơi cho học sinh được thực hiện ở các địa phương, nhà trường đang góp phần giảm thiểu những sự việc đau lòng xảy ra. Đây được cho là giải pháp quan trọng, giúp trang bị kỹ năng ứng phó với tai nạn đuối nước. Bên cạnh đó cần khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân lắp đặt bể bơi di động, thông minh tại các trường học; thực hiện tốt công tác quản lý các dịch vụ dạy bơi, tạo môi trường để học sinh, trẻ em tham gia các dịch vụ nhằm tăng nhanh số trẻ em biết bơi cũng như có địa điểm bơi an toàn, được quản lý trong khu dân cư thay vì đến những khu vực tự nhiên ít được quản lý, trông coi vốn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn.