Viêm loét giác mạc là khi giác mạc bị trầy và nhiễm trùng. Đây là một bệnh rất nguy hiểm vì có thể để lại những di chứng vĩnh viễn cho mắt.
Bệnh viện (BV) Mắt tỉnh Phú Thọ cho biết, thời gian gần đây mỗi ngày tiếp nhận khoảng 300 bệnh nhân đến khám các vấn đề về mắt, trong đó có nhiều trường hợp bệnh viêm loét giác mạc do nấm.
Trong khi đó, ghi nhận tại BV Mắt tỉnh Thái Bình cho thấy, trong khoảng gần 250 trường hợp bệnh nhân tới viện thăm khám do viêm loét giác mạc trong thời gian qua, số ca được chẩn đoán viêm loét giác mạc do nấm chiếm hơn 50%.
Theo BSCKI Nguyễn Thị Thanh Huyền - Khoa Kết giác mạc (BV Mắt Hà Nội), viêm loét giác mạc do nấm thường gặp ở các nước có khí hậu nóng ẩm, các nước đang phát triển, có liên quan đến các chấn thương giác mạc do đất, bụi, cành cây, lá cây. Ngoài ra còn một số yếu tố nguy cơ khác như sử dụng kính tiếp xúc, sau phẫu thuật ở mắt, bệnh nhân có hội chứng suy giảm miễn dịch.
Bệnh thường tăng cao vào những thời điểm vụ mùa, nông dân thu hoạch nông sản các loại. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân chủ quan không chú ý phòng hộ trong quá trình lao động, bị cành cây, lá cây, mảnh cỏ, bụi, đất đá... văng vào mắt làm trầy xước hoặc rách giác mạc, tạo điều kiện cho các tác nhân gây nhiễm trùng, nấm phát triển.
BSCKI Hoàng Kim Tuyến - Trưởng khoa Kết giác mạc - Chấn thương (BV Mắt tỉnh Phú Thọ) thông tin: Tại BV ghi nhận phần lớn người bệnh bị viêm loét giác mạc do nấm thường làm nghề nông, mắc bệnh sau khi bị chấn thương vào mắt. Thời gian từ lúc khởi phát bệnh tới khi đến bệnh viện thường kéo dài sau khi tự điều trị nhưng không khỏi. Do vậy, việc điều trị của người bệnh thường rất khó.
Theo các chuyên gia y tế, viêm loét giác mạc do nấm là một bệnh nhiễm trùng giác mạc khó điều trị. Căn bệnh này gây ảnh hưởng thị giác từ nhẹ đến nặng, thậm chí có thể mù lòa. Ngay cả khi điều trị thì tỉ lệ biến chứng nặng như thủng giác mạc, viêm mủ nội nhãn, teo nhãn,... vẫn ở mức cao ảnh hưởng thị lực và chất lượng cuộc sống nghiêm trọng.
Thống kê do BV Mắt Hà Nội công bố mới đây cho thấy, hậu quả của viêm giác mạc do nấm có thể rất ảm đạm. Mất thị lực nghiêm trọng ở khoảng 26 - 63% bệnh nhân. 15 - 20% có thể cần múc nội nhãn. Phẫu thuật ghép giác mạc xuyên được yêu cầu trong 31 - 38% trường hợp.
Đáng lo ngại hơn, tỷ lệ viêm loét giác mạc do nấm ngày càng tăng và khó điều trị do vệ sinh môi trường kém, chế độ bảo hộ lao động kém và cả sự lạm dụng các thuốc tra mắt có corticoid.
“Tiên lượng của viêm loét giác mạc do nấm thường xấu hơn so với viêm nhiễm giác mạc do vi khuẩn nói chung, do viêm nhiễm giác mạc do nấm khó chẩn đoán, thuốc chống nấm ít, giá thành đắt và thói quen sử dụng thuốc có corticoid, kháng sinh bừa bãi của người dân. Viêm loét giác mạc do nấm thường xuất hiện sau một vi chấn thương mắt và có khởi đầu lặng lẽ, âm thầm, tiến triển chậm. Thế nhưng, bệnh sẽ bùng phát dữ dội khi bệnh nhân có sử dụng corticoid. Bệnh nhân thấy đau nhức mắt, đỏ mắt, cộm chói, sợ ánh sáng, chảy nước mắt, nhìn mờ. Các vết loét do nấm rất khó điều trị. Điều trị viêm loét giác mạc do nấm thường phải rất tích cực, kiên trì, cần theo chỉ định chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa mắt” – BS Nguyễn Thị Thanh Huyền lưu ý.
Để phòng mắc bệnh viêm loét giác mạc do nấm, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần cẩn trọng trong sinh hoạt, lao động để tránh xảy ra chấn thương ở mắt.
Nên đeo kính bảo vệ mắt khi làm việc và khi đi đường. Nếu không may bị bụi, hạn sạn, hạt thóc… bắn vào mắt, tuyệt đối không được day, giụi dẫn đến xước và rách giác mạc. Nếu trong trường hợp có thể kiểm soát được (như chỉ bị hạt bụi bay vào mắt), nên rửa mắt bằng nước sạch để bụi tự trôi ra. Nếu không đỡ, hoặc dị vật to hơn bắn vào mắt, cần đến ngay cơ sở chuyên khoa mắt để khám và điều trị. Những người sử dụng kính tiếp xúc cần tuân thủ chặt chẽ khâu vệ sinh.
Khi có triệu chứng bệnh ở mắt nói chung như ngứa, cộm… không nên tự ý mua thuốc nhỏ mắt về tra, và tránh tự ý sử dụng thuốc tra mắt có thành phần cortico - steroid. Việc khám và kê đơn điều trị bệnh mắt nên được thực hiện ở các cơ sở y tế chuyên khoa.