Giám sát - Phản biện

Nguy cơ mất trắng khi đem tiền gửi tiệm vàng

Điền Bắc 10/01/2024 08:54

Tưởng chừng dùng số tiền dành dụm bấy lâu gửi vào tiệm vàng để sinh lời. Vậy nhưng, chưa thấy lãi như cam kết mà hàng chục hộ dân ở huyện Yên Thành (Nghệ An) bỗng dưng có nguy cơ mất trắng số tiền gốc khi chủ tiệm vàng không có khả năng chi trả.

nghe-an.jpg
Doanh nghiệp Tám Nhâm in “sổ tiết kiệm” đưa cho người dân để tạo lòng tin. Ảnh: Điền Bắc.

Tiệm vàng cũng cấp “sổ tiết kiệm”

Bắt đầu từ nửa cuối tháng 12/2023, hàng chục hộ dân các xã Công Thành, Mỹ Thành, Khánh Thành, Đại Thành… huyện Yên Thành thường xuyên có mặt trước cổng gia đình ông Nguyễn Vĩnh Tám (54 tuổi)- Doanh nghiệp Tám Nhâm (chủ yếu kinh doanh vàng bạc) để mong nhận được tiền nợ. Họ mang theo nhiều băng rôn, căng trước cửa hàng yêu cầu chủ doanh nghiệp này trả lại tiền. Nguyên nhân là nhiều năm trước, hàng chục hộ dân quanh vùng tại địa phương này, do tin tưởng cửa hàng kinh doanh vàng bạc Tám Nhâm huy động vốn với lãi suất cao nên họ gửi tiền và được chủ tiệm vàng trao lại "sổ tiết kiệm".

Tuy nhiên, đến hạn người dân rút tiền ghi trong "sổ tiết kiệm" thì chủ tiệm vàng này tuyên bố vỡ nợ. Thời điểm đó, một số người được chủ tiệm vàng trả lại tiền. Nhưng từ năm 2017 đến nay nhiều người dân không đòi được tiền gốc và lãi đã gửi với tổng số tiền gần 10 tỷ đồng.

Bà Vương Thị Hạnh (62 tuổi), trú xã Mỹ Thành cho biết, gia đình bà là một trong những hộ có hoàn cảnh khó khăn. Chi phí sinh hoạt của cả nhà đều phải dựa vào công việc ra đồng mò cua, bắt ốc của bà.

Bà Hạnh kể, gần 10 năm trước, thấy hàng xóm đổ xô mang tiền đến gửi gia đình ông Nguyễn Vĩnh Tám, bà cũng bàn bạc với chồng rồi vét hết số tiền dành dụm để gửi. “Số tiền gần 40 triệu đồng là toàn bộ gia tài của vợ chồng tôi. Vì thấy lãi cũng cao hơn so với ngân hàng, lại tiện lợi vì có thể rút khi nào cũng được, thủ tục thì nhanh gọn, vợ chồng anh Tám cũng có họ hàng nên gia đình tôi tin tưởng, mang hết tiền gửi vào đó”- bà Hạnh nói.

Sau khi gửi tiền, bà Hạnh được chủ doanh nghiệp này cấp cho 1 cuốn “sổ tiết kiệm” do doanh nghiệp tự in, bên trong ghi rõ số tiền gửi, thời gian gửi và lãi suất. Tuy nhiên, đến năm 2016, gia đình ông Nguyễn Vĩnh Tám bất ngờ tuyên bố vỡ nợ, khiến bà Hạnh cùng hàng trăm hộ dân khác điêu đứng vì đã gửi tiền nhưng không thể lấy lại. Từ đó tới nay, năm nào các nạn nhân của ông Tám cũng đến đòi nợ nhưng chưa có kết quả.

Bà Nguyễn Thị Thanh (64 tuổi) trú xã Mỹ Thành cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, vì tin tưởng vợ chồng Tám Nhâm, bà Thanh cũng mang hết tiền trong nhà đến gửi, với mong muốn có chút tiền lãi để chi tiêu hàng tháng. Theo bà Thanh, lãi suất ông bà Tám Nhâm trả cho “sổ tiết kiệm” của gia đình với 9,6% mỗi năm. Thời gian đầu, bà được trả lãi suất đầy đủ. Tuy nhiên, sau đó vợ chồng ông Tám tuyên bố vỡ nợ. Số tiền bà đang gửi ở đó vẫn còn 160 triệu đồng.

Không chỉ bà Thanh, bà Hạnh mà hàng chục hộ dân gửi tiền vào doanh nghiệp Tám Nhâm trong 8 năm qua và nhiều lần họ đến gặp đòi lại tiền nhưng không có kết quả khiến họ như ngồi trên đống lửa.

Chủ tiệm vàng nói gì?

Qua tìm hiểu của phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, hiện có hơn 100 hộ dân vẫn còn tiền gửi doanh nghiệp Tám Nhâm nhưng đến nay chưa được nhận lãi, thậm chí nguy cơ mất cả vốn ban đầu, với tổng số tiền gần 10 tỷ đồng. Hầu hết người gửi tiền là nông dân, người nhiều hơn 1 tỷ đồng, người ít thì vài chục triệu đồng. Sự việc nóng lên do gần đây, một trong những nạn nhân phát hiện vợ chồng ông Tám dù tuyên bố vỡ nợ, nhưng vẫn đứng tên rất nhiều tài sản, trong đó có 4 lô đất, nên tiếp tục kéo đến để đòi, đồng thời đề nghị cơ quan chức năng phong tỏa số tài sản này, ngăn chặn hành vi tẩu tán.

Làm việc với báo chí, ông Nguyễn Vĩnh Tám thừa nhận, ông vẫn đang nợ tiền những hộ dân này. Tuy nhiên, ông Tám cho rằng, ông cũng là nạn nhân của những người khác. Theo lời ông kể, trước đây ông kinh doanh tiệm vàng bạc, dư giả nhiều tiền nên mở dịch vụ cho vay và nhận tiền gửi. Trong quá trình này, vợ chồng ông cũng tham gia phường hụi. Tuy nhiên, năm 2015, bà Phạm Thị Thương (47 tuổi), trú xã Liên Thành đã ôm toàn bộ gần 20 tỷ đồng tiền phường và còn vay thêm vợ chồng ông Tám gần 2 tỷ đồng rồi trốn khỏi nơi cư trú.

“Có tới 60 người đang vay nợ tiền của vợ chồng chúng tôi nhưng không trả, lên tới hàng chục tỷ đồng. Còn tiền bà con gửi ở chỗ chúng tôi, kể từ khi xảy ra vụ việc đến nay, chúng tôi cũng đã cố gắng khắc phục, trả được cho người dân hơn 22 tỷ đồng. Bây giờ còn nợ khoảng 9 tỷ đồng nữa”, ông Tám thông tin.

Tuy nhiên, phía người dân không đồng tình với ông Tám. “Đây là tiền chúng tôi gửi cho vợ chồng ông Tám để lấy lãi, chứ đâu phải đầu tư cổ phần vào doanh nghiệp của ông ấy đâu mà phải chia sẻ rủi ro đó. 2 vụ việc không liên quan đến nhau”, một trong những người dân đang cho vợ chồng ông Tám vay tiền nói.

Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Văn Tuấn - Bí thư Đảng ủy xã Công Thành cho biết: Vụ việc này kéo dài suốt nhiều năm qua. Thời gian gần đây, bắt đầu từ ngày 17/12/2023, người dân phát hiện vợ chồng ông Tám vẫn còn nhiều tài sản đứng tên họ nên tiếp tục kéo đến cửa hàng để đòi tiền. “Vụ việc gây ảnh hưởng an ninh, trật tự nên chính quyền địa phương phải cắt cử lực lượng chức năng thường xuyên có mặt. Còn việc tranh chấp giữa các bên thì xã không có thẩm quyền giải quyết”- ông Tuấn nói. Để có thêm thông tin, liên hệ với Công an huyện Yên Thành, Thượng tá Ngô Sỹ Hà - Trưởng Công an huyện cho biết: Công an huyện đã nắm được sự việc, đã hướng dẫn người dân thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Tại khoản 2, điều 8, Luật Các tổ chức tín dụng: "Nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng, trừ giao dịch ký quỹ, giao dịch mua, bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán". Đối chiếu với giấy phép hoạt động của doanh nghiệp Tám Nhâm vào năm 2005 cho thấy: Doanh nghiệp này không được cấp phép trong hoạt động ngân hàng. Do vậy, doanh nghiệp này phát hành sổ tiết kiệm, huy động tiền gửi trong dân là trái phép.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nguy cơ mất trắng khi đem tiền gửi tiệm vàng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO