Sức khỏe

Nguy cơ nhồi máu cơ tim do tập luyện thể thao cường độ cao

Đức Trân 25/11/2024 10:04

Nhồi máu cơ tim là tình trạng xảy ra khi 1 hoặc cả 2 nhánh động mạch vành bị tắc nghẽn đột ngột, dẫn đến tình trạng cơ tim không nhận đủ máu, và có khả năng bị hoại tử cơ tim.

bai chinh
Chăm sóc và điều trị bệnh nhân nhập viện do nhồi máu cơ tim tại Bệnh viện E. Ảnh: BVCC.

Đây là một bệnh lý tim mạch phổ biến không chỉ ở các nước phát triển mà còn ở các nước đang phát triển, nguy cơ hơn khi căn bệnh này ngày càng trẻ hóa.

Bệnh viện E vừa cứu sống một nam thanh niên nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp. Điều đáng nói, nam thanh niên này chỉ mới 32 tuổi, hoàn toàn khỏe mạnh, thường xuyên luyện tập thể hình nhưng vẫn có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến tính mạng và có thể để lại những di chứng nặng nề.

ThS.BS Đàm Hải Sơn – khoa Phẫu thuật Tim mạch và lồng ngực (Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E) cho biết, nam bệnh nhân (ở Vĩnh Phúc) nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở, vã mồ hôi... Ngay khi tiếp nhận người bệnh, các bác sĩ nhận thấy ở người bệnh có những triệu chứng điển hình của nhồi máu cơ tim cấp, lập tức chỉ định thực hiện các xét nghiệm, chiếu chụp cần thiết. Thông qua kết quả xét nghiệm, hình ảnh siêu âm tim và kết quả chụp động mạch vành phát hiện huyết khối làm hẹp khít động mạch liên thất trước. Người bệnh được chẩn đoán nhồi máu cơ tim và có chỉ định can thiệp cấp cứu ngay lập tức.

Khai thác tiền sử bệnh án, người bệnh là huấn luyện viên thể hình, do đó rất quan tâm đến thể hình, thường xuyên tập luyện với cường độ cao. Hôm đó, sau khi kết thúc quá trình tập luyện tại phòng tập, người bệnh cảm thấy khó thở, tình trạng khó thở tăng dần, rồi chuyển sang tức ngực tăng và đau thắt ngực, đau theo cơn kéo dài từ 10 -15 phút. Người bệnh được đưa đến cấp cứu tại Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện E).

Ngay lập tức, một ê kíp cấp cứu tim mạch được “báo động đỏ” dưới sự chỉ huy của BSCKII Lý Đức Ngọc – Phó trưởng khoa Nội tim mạch người lớn, Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện E) nhanh chóng tiến hành can thiệp lấy huyết khối và đặt stent tái thông động mạch khẩn cấp cho người bệnh. Sau can thiệp, người bệnh ổn định, tiếp tục được theo dõi, điều trị tích cực.

BS Đàm Hải Sơn cho biết, nhồi máu cơ tim là bệnh lý có tỷ lệ tử vong cao, từ 90 – 95% người bệnh tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Ở mỗi giai đoạn nhồi máu cơ tim khác nhau, bệnh sẽ tiến triển theo các mức độ khác nhau và tùy từng trường hợp bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị cho phù hợp. Do đó, việc tiếp cận và can thiệp càng sớm sẽ càng làm giảm tổn thương van tim, hạn chế những biến chứng nguy hiểm và thậm chí là tử vong cho người bệnh.

BS Sơn cảnh báo, tập luyện thể dục thể thao rất có lợi cho sức khỏe nhưng tập luyện quá sức có thể khiến cơ thể đối mặt với những nguy cơ nguy hiểm. Do vậy, những người thường xuyên luyện tập, nhất là các hoạt động thể lực gắng sức cần thường xuyên thăm khám nhằm tầm soát các nguy cơ về tim mạch. Như trường hợp người bệnh này, nếu có ý định luyện tập trở lại cần tham khảo ý kiến của bác sĩ và cần tránh những bài tập cường độ cao, gắng sức… có lối sống lành mạnh nhằm phòng ngừa tái phát nhồi máu cơ tim cấp. Bởi đối với những người bệnh đã có tiền sử nhồi máu cơ tim trước đó hoàn toàn có thể tái phát với một số biến chứng nguy hiểm như: Đau tim, rối loạn nhịp, suy tim cấp, thuyên tắc mạch phổi, đột quỵ, hở van tim cấp, đột tử…

Nhồi máu cơ tim là một trong những bệnh lý tim mạch nguy hiểm đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh. Bệnh thường gặp ở các đối tượng người lớn tuổi, có nhiều bệnh lý nền tuy nhiên ngày càng gia tăng ở những người trẻ, cho thấy tất cả các lứa tuổi đều có thể gặp các biến chứng nguy hiểm của tim mạch. Khi thấy các dấu hiệu như đau tức ngực, khó thở, chóng mặt, buồn nôn… cần đến ngay cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và có biện pháp can thiệp kịp thời nhằm đảm bảo an toàn về tính mạng cho người bệnh.

Bác sĩ cũng khuyến cáo, ở độ tuổi trẻ, muốn phòng tránh bệnh nhồi máu cơ tim, điều cần làm đầu tiên là thay đổi lối sống, chế độ sinh hoạt một cách khoa học, không hút thuốc lá, thuốc lào, ổn định cân nặng ở mức tương đối, phù hợp, chế độ ăn uống, dinh dưỡng hợp lý, tập luyện thể dục, vận động thường xuyên, giữ tinh thần thoải mái, tránh stress, áp lực. Hạn chế rượu bia, chất kích thích, chất béo

Khám sức khỏe định kỳ 1-2 lần/ năm để đảm bảo sức khỏe, tầm soát bệnh nói chung. Đối với người trẻ có nguy cơ tăng huyết áp, nhiều cholesterol, đái tháo đường, gia đình có người bị nhồi máu cơ tim cần khám sức khỏe thường xuyên hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nguy cơ nhồi máu cơ tim do tập luyện thể thao cường độ cao