Nguy cơ thiếu việc làm gia tăng

Lê Bảo 13/04/2023 06:33

Dù đã bước sang quý II/2023, song theo nhận định của giới chuyên gia, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tác động của khủng hoảng kinh tế, cách mạng công nghệ 4.0... thị trường lao động vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Nhiều doanh nghiệp tìm cách bảo đảm việc làm cho người lao động trong bối cảnh thiếu đơn hàng.

Theo ông Phạm Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động, cả nước có gần 118 nghìn lao động bị mất việc tại các doanh nghiệp (DN) trong quý IV/2022. Sang quý I/2023, con số này không giảm đi mà tăng lên, với số lượng là gần 149 nghìn lao động bị mất việc. Trong đó 55,2% ở ngành dệt may, da giày, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử (chiếm tỷ trọng tương ứng là 19,5%; 18,6% và 17%).

Kết quả khảo sát của Hiệp hội DN TP Hồ Chí Minh (HUBA) cho biết: 17,65% DN có xu hướng cắt giảm lao động, tương đương số có nhu cầu tuyển dụng thêm. Nguyên nhân, do lĩnh vực cơ khí điện thị trường ngày càng bị thu hẹp, đơn hàng giảm mạnh, có DN giảm đến 50%. Ngành mỹ nghệ và chế biến gỗ cũng giảm xuất khẩu khoảng 15%, trong đó các sản phẩm dăm, viên nén, pallet, đồ gỗ giảm đến 45%... Nhiều DN nhỏ và vừa phải giảm giờ làm, cắt giảm lao động nhằm tiết giảm chi phí sản xuất để duy trì. HUBA cũng dự báo, trong thời gian tới hoạt động sản xuất kinh doanh của DN vẫn còn khó khăn do kim ngạch xuất khẩu nhiều ngành hàng sụt giảm so cùng kỳ năm trước, sức mua của các thị trường toàn cầu vẫn ở mức thấp.

Giới chuyên gia cho rằng, thị trường lao động đang đứng trước 3 thách thức lớn là dịch Covid -19; lạm phát giá nguyên vật liệu tăng; kinh tế suy thoái. Theo Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, năm 2023, dự báo thị trường lao động chắc chắn sẽ chịu nhiều rủi ro, thách thức. Từ đó ông Thanh cho rằng các địa phương cần nắm bắt tình hình biến động của thị trường lao động; đặc biệt là tình hình sản xuất, kinh doanh, lao động, việc làm của các DN trên địa bàn để kịp thời có những biện pháp kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ DN tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động (NLĐ).

Trong khi đó, đề xuất giải pháp để thị trường lao động phục hồi, ông Phạm Hoài Nam cho rằng cần tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ DN và NLĐ; phát động các chương trình kích cầu nội địa, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm khai thác thị trường mới, đơn hàng mới cho DN. Trong đó, có giải pháp hỗ trợ hiệu quả các DN thiếu vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm và một số ngành, lĩnh vực bị tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm như da giày, dệt may, điện - điện tử. Cùng với đó đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực; sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại cho NLĐ để duy trì việc làm.

Được biết, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Nghị quyết hỗ trợ đoàn viên công đoàn, NLĐ bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do DN bị cắt, giảm đơn hàng với mức hỗ trợ từ 700 nghìn đồng tới 3 triệu đồng/người. Theo báo cáo chưa đầy đủ của 26 Liên đoàn lao động tỉnh/thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, đến hết tháng 3/2023, các cấp công đoàn đã nhận 53.592 hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho đoàn viên công đoàn, NLĐ. Đã thẩm định, quyết định hỗ trợ hơn 17.680 trường hợp đủ điều kiện với tổng số tiền hỗ trợ là 22,73 tỷ đồng. Số hồ sơ đang tiếp tục thẩm định là 35.911 hồ sơ với tổng số tiền dự kiến tiếp tục hỗ trợ là 56,397 tỷ đồng. Tổng số đoàn viên, NLĐ dự kiến được nhận hỗ trợ là 53.592 người, tổng số tiền dự kiến hỗ trợ là gần 80 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nguy cơ thiếu việc làm gia tăng