Theo Cục phòng chống HIV/AIDS - Bộ Y tế, HIV/AIDS đang có chiều hướng gia tăng rất nhanh ở độ tuổi từ 15-29, đặc biệt đối với nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới. Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi cùng PGS.TS Phan Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS.
PV:Bà có thể thông tin về tình hình và xu hướng sắp tới của dịch HIV/AIDS tại nước ta?
PGS.TS Phan Thị Thu Hương: Tại Việt Nam, kể từ ca nhiễm đầu tiên được phát hiện năm 1990 tại TPHCM, tính đến tháng 10/2022, theo báo cáo của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì cả nước có 220.580 người nhiễm HIV hiện đang còn sống và 112.368 người nhiễm HIV đã tử vong. Dịch tập trung chủ yếu ở khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long chiếm gần 80% số người nhiễm mới phát hiện trên toàn quốc (TPHCM chiếm hơn 1/4 số người nhiễm mới phát hiện trên toàn quốc) và chủ yếu ở đối tượng nam giới (trên 80%).
Từ năm 1990 đến 2015, tỷ lệ người nhiễm HIV là nam giới có xu hướng giảm nhẹ từ, tuy nhiên từ năm 2016 tỷ lệ người nhiễm HIV là nam giới bắt đầu có xu hướng gia tăng trở lại. Trong giai đoạn đầu của dịch, đối tượng bị lây nhiễm HIV chủ yếu là qua đường máu tuy nhiên trong những năm gần đây lây nhiễm qua đường quan hệ tình dục không an toàn trở thành đường lây chính trong những ca nhiễm HIV mới phát hiện.
Trong 10 tháng đầu năm 2022, cả nước xét nghiệm phát hiện mới 9.025 trường hợp nhiễm HIV, số bệnh nhân tử vong 1.378 trường hợp. Số người mới phát hiện nhiễm HIV tập trung chủ yếu ở độ tuổi 16 - 29 (48,6%) và 30 - 39 (28,4%). Đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (81,6%).
Có thể thấy, dịch HIV/AIDS tại nước ta đang có xu hướng diễn biến phức tạp, cụ thể hơn là thay đổi từ lây nhiễm chủ yếu qua đường máu sang lây nhiễm qua đường tình dục và nhóm MSM có tỷ lệ nhiễm mới ngày càng tăng. Như vậy, chúng ta đang ở đâu trong mục tiêu 95-95-95?
- Hiện nay ước tính có khoảng 242.000 người nhiễm HIV tại Việt Nam đang còn sống, trong đó: 86% người biết tình trạng nhiễm HIV, 80% người biết tình trạng nhiễm HIV được điều trị ARV và 96% người được điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế.
Rõ ràng, chúng ta đã đạt được rất nhiều thành tựu và kết quả nổi bật trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, nhưng trước mắt vẫn còn vô vàn những khó khăn thách thức?
- Dịch HIV/AIDS vẫn đang diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng ca nhiễm mới nhất là nhóm thanh thiếu niên trẻ. Nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới đang được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam hiện nay. Đây là một trong những khó khăn, thách thức không nhỏ tới công tác phòng, chống dịch HIV/AIDS tại nước ta trong thời gian sắp tới. Đáng lo ngại hơn, việc sử dụng và lệ thuốc vào ma túy tổng hợp đang gia tăng, nhất là trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới trong bối cảnh trên toàn cầu hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Bên cạnh đó, một số địa phương chưa phê duyệt đề án đảm bảo tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Hiện chưa có hướng dẫn nội dung chi và định mức chi mà do từng địa phương tự xây dựng và phê duyệt bởi cấp có thẩm quyền nên khó khăn. Quy trình, thủ tục mua sắm, đấu thầu thuốc ARV, sinh phẩm xét nghiệm cũng nhiều vướng mắc, quá trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cũng rất khó khăn.
Để vượt qua những khó khăn nói trên, chúng ta đang áp dụng những điểm mới nào trong công tác tiếp cận và xét nghiệm HIV/AIDS phù hợp với tình hình dịch tễ tại nước ta?
- Cục phòng, chống HIV/AIDS đã tổ chức đa dạng mô hình tư vấn xét nghiệm HIV bao gồm xét nghiệm trong cơ sở y tế, xét nghiệm HIV dựa vào tổ chức cộng đồng, các bạn trong cộng đồng người có quan hệ tình dục đồng giới, người nghiện ma túy, người bán dâm tham gia cung cấp dịch vụ tư vấn, xét nghiệm HIV và hỗ trợ kết nối điều trị ARV.
Cục Phòng, chống HIV/AIDS tổ chức cung cấp sinh phẩm tự xét nghiệm HIV qua website http://tuxetnghiem.vn tại 35 tỉnh, thành phố để những người có hành vi nguy cơ nhiễm HIV tự làm xét nghiệm HIV và được kết nối làm xét nghiệm khẳng định bị nhiễm HIV.
Bên cạnh đó, chúng tôi tư vấn cho người nhiễm HIV, cung cấp sinh phẩm tự xét nghiệm HIV để làm xét nghiệm...
Giai đoạn 2021-2022, hàng năm phát hiện 12.000-13.000 người nhiễm HIV mới, tăng 20% so với giai đoạn 2019-2020 (10.000 -11.000 người nhiễm HIV/năm) cho thấy sự hiệu quả trong việc áp dụng triển khai các mô hình mới trong tiếp cận và xét nghiệm HIV.
Trân trọng cảm ơn bà!