Việc đi lại chủ yếu bằng các phương tiện đò tự phát, được cải hoán từ các phương tiện nghề cá, công suất nhỏ, người điều khiển phương tiện chưa có bằng, chứng chỉ chuyên môn phù hợp theo quy định của pháp luật, gây tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao, nhất là vào mùa mưa bão hoặc những ngày có thời tiết xấu. Đó là những gì đang diễn ra tại khu vực ra vào đảo Bình Hưng của tỉnh Khánh Hòa.
Đò tự phát được cải hoán từ các phương tiện nghề cá, công suất nhỏ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn
Đảo Bình Hưng thuộc xã đảo Cam Bình, TP Cam Ranh (còn gọi là Hòn Chút) là một hòn đảo nhỏ, nằm biệt lập trên biển, cách xa đất liền (cách cảng Cam Ranh khoảng 8 hải lý), giao thông đi lại khó khăn, trên đảo có 375 hộ/1.800 khẩu; trước đây việc đi lại của người dân từ đảo vào đất liền được thực hiện bằng phương tiện đò, đi theo tuyến thủy nội địa vào cảng Ba Ngòi của TP Cam Ranh.
Từ khi con đường tỉnh lộ 702 nối liền từ ngã ba Mỹ Thanh (TP Cam Ranh) đi qua khu vực Bình Tiên, Bãi Kinh (thuộc thôn Vĩnh Hy, Vĩnh Hải, Ninh Hải, Ninh Thuận) được hoàn thành đã rút ngắn khoảng cách, thời gian đi lại từ đảo Bình Hưng vào đất liền (khoảng 400m, đi hoặc về chỉ mất thời gian từ 7 đến 10 phút, khu vực này là một dòng kênh không có sóng, gió lớn, do bị chắn bởi vách núi của đảo Bình Hưng và vách Núi Chúa thuộc tỉnh Ninh Thuận) và an toàn hơn so với đi tuyến đò cũ (từ Bình Hưng về cảng Đá Bạc - cảng Cam Ranh. Thời gian đi hoặc về mất từ 1h45 phút đến 2 giờ đường biển, qua nhiều khu vực nguy hiểm, thường có sóng to, gió lớn như khu vực Hòn Trứng, gây tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao, nhất là vào mùa mưa bão hoặc những ngày có thời tiết xấu).
Hiện nay, giao thông từ đảo Bình Hưng vào bờ không qua tuyến đò từ Bình Hưng vào cảng Đá Bạc/cảng Cam Ranh nữa, do người dân đã bán các phương tiện đò từ năm 2014; việc đi lại vào bờ của người dân trên đảo hiện giờ chủ yếu đi qua khu vực Bãi Kinh (Ninh Thuận); lưu lượng người trung bình một ngày khoảng 50 người (gồm người dân địa phương, số thầy cô giáo, các đoàn công tác…) và khoảng từ 5-7 tấn hàng hóa; chưa kể các đoàn khách đến đảo Bình Hưng tham quan, dã ngoại tự phát.
Việc đi lại chủ yếu bằng các phương tiện đò tự phát, được cải hoán từ các phương tiện nghề cá, công suất nhỏ (phía trước tàu sửa kiểu dáng giống tàu há mồm để dễ cập vào bờ); người điều khiển phương tiện chưa có bằng, chứng chỉ chuyên môn phù hợp theo quy định của pháp luật.
Theo thống kê của Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa, hiện có 23 phương tiện đò dân sinh tự phát hoạt động đưa đón khách hàng ngày và vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, tại khu vực Bãi Kinh (Ninh Thuân) không có cầu cảng để phương tiện cập bến, bên cạnh đó tuyến đò này chưa được các cơ quan quản lý nhà nước cho phép hoạt động và công bố mở.
Vì vậy, nếu BĐBP thực hiện kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ và kiên quyết không cho các phương tiện hoạt động sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của người dân trên đảo, nhưng nếu để cho các phương tiện đò dân sinh tự phát hoạt động hiện này thì chưa đúng với quy định của pháp luât và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông thủy nội địa, nhất là đối khách tham quan dã ngoại tự phát.
Cấp bách mở tuyến đường thủy nội địa
Trung tá Vũ Như Hà- Trợ lý tác chiến Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Khánh Hòa cho biết: Trong thời gian qua, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo đồn Biên phòng Bình Ba (392) tăng cường tuần tra, kiểm soát, nắm tình hình, nhiều lần đình chỉ hoạt động của các phương tiện trên các phương tiện trên và tiến hành xử phạt vi phạm hành chính.
Đồng thời, đã báo cáo, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo địa phương, các ban ngành liên quan có giải pháp cụ thể để bảo đảm an toàn giao thông thủy nội địa, giải quyết nhu cầu đi lại của nhân dân và phát triển kinh tế xã hội ngay từ tuyến đò dân sinh tự phát hình thành. Cùng đó, thông báo cho Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo Đồn Biên phòng Vĩnh Huy (404) thường xuyên trao đổi, phối hợp với Đồn Biên phòng Bình Ba tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, tiến hành các biện pháp ngăn chặn, xử lý, tránh để tình trạng mất an toàn xảy ra; tham mưu cho Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Ninh Thuận báo cáo UBND tỉnh Ninh Thuận có biện pháp xử lý, giải quyết.
Cũng theo Trung tá Hà, việc mở tuyến đường thủy nội địa giữa đảo Bình Hưng (Khánh Hòa) và Bãi Kinh (Ninh Thuận) là cần thiết và cấp bách để đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân trên đảo, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương và giao lưu văn hóa giữa đảo với đất liền.
Vì hoạt động của tuyến đò dân sinh tự phát trên đảo Bình Hưng hiện nay là chưa đúng quy định của pháp luật về giao thông thủy nội địa; nếu không có giải pháp chấn chỉnh kịp thời thì nguy cơ xảy ra mất an toàn giao thông thủy nội địa là rất cao, trong khi nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân hàng ngày đòi hỏi phải có tuyến đò dân sinh này.
Bên cạnh đó, xuất phát từ thực trạng trên, cần có sự thống nhất giữa lãnh đạo hai tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận để phối hợp quản lý nhà nước, vùng biển giáp ranh và liên kết phát triển du lịch. Trước mắt các cơ quan chức năng cần kiểm tra, rà soát nếu phương tiện nào đảm bảo an toàn thì cấp phép cho hoạt động tạm để quản lý, không để phương tiện không đảm bảo an toàn hoạt động như hiện nay.
Sau đó, mỗi tỉnh mở một tuyến đường thủy nội địa Bãi Kinh (Ninh Thuận) - Bình Hưng (Khánh Hòa) để các phương tiện vận chuyển hành khách, hàng hóa được phép hoạt động- Trung tá Hà cho biết thêm. Ngoài ra, cơ quan đăng kiểm nghiên cứu, hướng dẫn các chủ phương tiện đò tự phát (cải hoán từ phương tiện nghề cá) làm các thủ tục đăng kiểm cấp phép hoạt động theo quy định của pháp luật.
Về lâu dài cần đầu tư đóng mới các phương tiện chuyên chở hành khách, hàng hóa do Nhà nước quản lý hoặc có chính sách hỗ trợ người dân mua, đóng mới các phương tiện có công suất lớn, đủ các điều kiện đảm bảo an toàn theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm an toàn giao thông đường thủy và đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, vì điều kiện kinh tế của dân trên đảo còn gặp nhiều khó khăn không đủ khả năng tự mua sắm, đóng tàu lớn.