Số liệu thống kê từ Vụ Sức khỏe Bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế) được tổng hợp trên cơ sở báo cáo của các địa phương, trong những năm gần đây hàng năm có khoảng 200.000-250.000 ca phá thai. Tuy nhiên số liệu này có thể chưa thu thập hết các trường hợp phá thai ở các cơ sở y tế tư nhân.
Thực tế, tình trạng phá thai tại các cơ sở không đảm bảo, thậm chí là tự phá thai dẫn tới thai phụ gặp nguy hiểm tính mạng vẫn được ghi nhận.
Gần đây nhất là trường hợp bệnh nhân nữ mang thai tuần thứ 17 nhập viện cấp cứu tại Khoa Ngoại sản và kế hoạch hóa gia đình, Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an). Được biết, bệnh nhân do còn trẻ tuổi nhưng mang thai ngoài ý muốn nên đã tự lên mạng mua thuốc phá thai với giá 2,5 triệu và được người bán giao tận nhà. Sau khi sử dụng thuốc, bệnh nhân có dấu hiệu chảy máu nhiều nên đã nhập viện cấp cứu.
BS Nguyễn Văn Lựu - Phó Trưởng khoa Ngoại sản và Kế hoạch hóa gia đình (Bệnh viện 19-8) cho biết: Trong quá trình thăm khám đã gặp nhiều trường hợp bệnh nhân tự tìm hiểu, tự mua thuốc phá thai để sử dụng. Phương án phá thai bằng thuốc tuy có những ưu điểm nhưng cũng có thể gây biến chứng nguy hiểm. Bên cạnh đó, mọi trường hợp phá thai không an toàn đều có thể gây nguy cơ vô sinh. Phá thai bằng thuốc chỉ an toàn khi có sự thăm khám, chỉ định và giám sát của bác sĩ chuyên khoa sản phụ khoa.
Theo BS Mai Trung Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Quy mô dân số (Tổng cục Dân số), mặc dù hệ thống y tế và dân số tại Việt Nam đã có nhiều cải thiện đáng kể trong việc cung cấp các dịch vụ tránh thai cho người dân, vẫn còn nhu cầu rất lớn chưa được đáp ứng về kế hoạch hóa gia đình, dẫn đến tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn, cũng như phá thai còn rất đáng lo ngại. Thực trạng này đang gây ra những hệ lụy tiêu cực đến sức khỏe của phụ nữ cũng như áp lực lên hệ thống y tế quốc gia và những tác động lớn về kinh tế - xã hội.
Chuyên gia khuyến cáo, việc phá thai ảnh hưởng đặc biệt lớn đến sức khỏe thể chất và tinh thần cho chị em phụ nữ, chính vì vậy, việc có đầy đủ kiến thức, kỹ năng trong phòng tránh thai sẽ giúp họ tự tin và chủ động trong việc lựa chọn các hình thức tránh thai phù hợp, chủ động thời điểm mang thai, khoảng cách giữa lần sinh nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho cá nhân và hộ gia đình.
Thực trạng trên cho thấy cần phải tăng cường đầu tư để có thể đáp ứng nhu cầu về kế hoạch hóa gia đình và các biện pháp tránh thai hiện đại cho phụ nữ nói chung và nhóm trẻ vị thành niên nói riêng. Đặc biệt cần nâng cao nhận thức và hiểu biết của người dân về kế hoạch hóa gia đình, sử dụng các biện pháp tránh thai hiệu quả.