Nguy hiểm rập rình trong nhà trẻ

Thu Minh 12/11/2017 06:30

Khá nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của học sinh mầm non và tiểu học liên tiếp xảy ra trong thời gian vừa qua. Hầu hết vụ việc đều được lý giải bằng các nguyên nhân có có lý có tình song phần đông phụ huynh vẫn tỏ ra băn khoăn, thậm chí hoang mang về công tác đảm bảo an toàn cho trẻ trong các cơ sở giáo dục.


Nhiều nguy hiểm đến với trẻ mầm non nếu không được trông nom chu đáo

Sơ xuất nhỏ, tai nạn lớn

Mới đây, ngày 26/10, TAND Hà Nội đã mở phiên phúc thẩm xét xử hai cựu giáo viên mầm non của lớp mầm non tư thục Thiên Thần Nhỏ ở Long Biên (Hà Nội) để trẻ sặc cháo gây ra tử vong.

Theo đó, Ngô Thị Hà Quyên, SN 1986, trú tại quận Long Biên, Hà Nội và Đinh Thị Hồng, SN 1977, quê Ninh Bình, là giáo viên của lớp mầm non tư thục Thiên Thần Nhỏ, ở quận Long Biên, Hà Nội. Khoảng 10g ngày 27/8/2016, mẹ cháu Trần Nhật H, 1 tuổi, gửi cháu vào lớp. Mẹ bé nói, H chưa được ăn uống gì. Hồng trông giữ, cho ăn cháo. Thấy cháu H khóc, ăn ít, Hồng lấy sữa ra cho uống nhưng bé bị nôn hết. Quyên đã ôm bé và đặt xuống sàn ngủ cùng cả lớp. Đầu giờ chiều cùng ngày, Quyên phát hiện cháu H tím tái, bất động nên gọi người đưa đi cấp cứu nhưng H không qua khỏi. Viện pháp y quốc gia kết luận, nguyên nhân tử vong của bé gái 1 tuổi là ngạt do dị vật đường thở.

Quyên, Hồng bị truy tố tội “vô ý làm chết người do vi phạm quy chế nghề nghiệp”. Cơ quan tố tụng xác định, các bị cáo đã vi phạm các quy tắc nghề nghiệp chuyên môn chăm sóc trẻ mầm non, không phát hiện kịp thời việc cháu H. bị ngạt do thức ăn trào ngược. HĐXX TAND TP Hà Nội đã xử hai cô giáo án treo. Đây là bản án nghiêm khắc dành cho hai cô giáo nhưng cũng là lời cảnh tỉnh cho những giáo viên chủ quan với nghề này.

Khoảng giữa năm nay, chiều 11/5, khi vừa cho con gái đến lớp mầm non được đúng 1 tuần, anh Vũ Sơn Lâm (trú tại đường Phương Canh, phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) bàng hoàng khi nhận được tin báo từ phía nhà trường: Đề nghị phụ huynh đến trường gấp vì cháu bé bị tai nạn.

Được biết, bé Quỳnh Anh năm nay mới 2,5 tuổi. Vị trí cháu bị rơi là khe hẹp nằm giữa bức tường lớp học với hàng rào của nhà trường. Anh Lâm chia sẻ: Sau này, khi tôi gặng hỏi nhiều người thì mới vỡ lẽ là cháu Quỳnh Anh bị rơi từ cửa sổ của phòng máy tính. Liệu có phải cháu bị cô phạt nhốt trong đó và cháu cố tìm cách thoát ra hay không? Không riêng bé Quỳnh Anh mà trước đó 1 tháng, chính cháu lớn nhà tôi cũng đang học mẫu giáo tại đây đã bị ngã gãy tay. Một lớp có tới 4 cô giáo trông coi thì dù với bất kỳ lý do gì, việc để 2 con tôi hết tai nạn này đến tai nạn khác như vậy là rất khó chấp nhận.

Rất may, sau khi được thăm khám, chụp chiếu bé Quỳnh Anh không bị chấn thương nặng nào và chỉ phải nằm điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương trong 3 ngày, là được bác sỹ cho xuất viện.

Khi được hỏi về vụ tai nạn hy hữu này, bà Vũ Ngọc Dự - Hiệu trưởng trường Mầm non Mai Dịch cho biết, sự thực là bé Quỳnh Anh không bị phạt. Sở dĩ lý do cháu bị rơi từ phòng máy tính xuống đất là do căn phòng này nằm đối diện với lớp học trên tầng 2, các cô giáo đã quên không đóng cửa. Nhân lúc không ai để ý, cháu bé đã chạy vào đó chơi rồi trèo lên cửa sổ lách ra ngoài và rơi xuống đất. Sự việc diễn ra rất nhanh nên các cô trở tay không kịp.

Mới đây nhất, khoảng 8h30 ngày 1/11, bé trai hai tuổi được phát hiện tử vong do đuối nước ở bờ ruộng sâu, cách trường Mầm non phường Quảng Thọ (thị xã Ba Đồn, Quảng Bình) khoảng 200 m. Bà Đặng Thị Hồng Ân, trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình, cho hay thời điểm này cô giáo cho các cháu đi vệ sinh. Nhà trường đang xây dựng, có mở cổng ít phút để xe vào chở vật liệu, nên cháu có thể ra ngoài lúc này. Khoảng 10 phút sau giờ vệ sinh, các cô không thấy cháu trong lớp nên tỏa đi tìm thì phát hiện sự việc.

Cần sự bao quát của giáo viên

Đề cập đến việc phòng tránh tai nạn cho học sinh, theo cô Nguyễn Hồng Hạnh-– giáo viên trường mầm non Lạc Trung, trẻ nhỏ thường hiếu động, nghịch ngợm nên chuyện các con trêu đùa nhau, cào cấu, xô đẩy nhau thường xuyên xảy ra mà các cô dù có giám sát nhắc nhở thường xuyên cũng khó đảm bảo hết các tình huống. Nhưng các bậc cha mẹ khi thấy con mình có chút sứt sát thường không giữ được bình tĩnh…Cô Hạnh cũng cho rằng nếu không bao quát và lường trước mọi tình huống thì tai nạn có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào trên sân chơi, trong lớp học hay nhà vệ sinh… và gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Có thể nói nguyên nhân xảy ra tai nạn đối với trẻ ở trường mầm non có vô vàn nhưng xét cho cùng thì người lớn vẫn phải là những người chịu trách nhiệm chính trong mỗi sự việc. Theo cô Nguyễn Thanh Trà- hiệu trưởng trường mẫu giáo BimBon (Linh Đàm - Hà Nội) thì các bậc cha mẹ đưa con đến trường mầm non là giao phó toàn quyền quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, đảm bảo an toàn của con cho các thầy cô trong thời gian ở trường. Thế nhưng không ít trường hợp bảo mẫu hoặc cô giáo bất cẩn, hoặc vì lý do khách quan nào đó đã dẫn đến những tai nạn thương tâm. Vì thế ngoài chuyên môn sư phạm, giáo viên phải thực hiện tốt nguyên tắc trẻ ở đâu cô ở đấy, ngoài ra giáo viên còn cần được trang bị những kỹ năng kiểm soát trẻ trong mọi tình huống, đồng thời là khả năng ứng cứu, sơ cứu khẩn cấp nếu không may xảy ra tai nạn.

Về vấn đề này, cô Nguyễn Thu Hằng- hiệu trưởng trường mầm non Hoa Hồng phân tích: Những tai nạn đáng tiếc xảy ra tất nhiên đều ngoài ý muốn, tuy nhiên nếu thật sự chú ý chúng ta có thể giảm thiểu rất nhiều. Theo cô Hằng, ngoài yếu tố gia đình thì môi trường học tập, vui chơi, giải trí cho trẻ phải đảm bảo tuyệt đối. Điều này tránh cho trẻ những tai nạn không đáng có. Ngoài chuyên môn sư phạm, giáo viên còn cần tấm lòng bao dung để kiêm luôn vai trò làm mẹ của những đứa trẻ, đồng thời cần phải có những kỹ năng để sơ cứu trong trường hợp trẻ cần đến sự trợ giúp khẩn cấp. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần giáo dục trẻ những kĩ năng cần thiết, trong đó lứa tuổi đi nhà trẻ có thể dạy cho trẻ kĩ năng nhận biết những mối gây nguy hiểm cho bản thân để trẻ có thể tự bảo vệ mình trong chừng mực nhất định, tránh được việc nghịch dại với các thiết bị nguy hiểm.

Khi hệ thống các trường mầm non ngày càng phát triển đa dạng, tiêu chí chọn trường cho con của các phụ huynh cũng không chỉ gói gọn trong phạm vi gần nhà, học phí mà họ còn yêu cầu cao hơn về những tiêu chí khác như môi trường an toàn, chương trình giảng dạy... Đặc biệt là sau nhiều sự việc đáng tiếc mà nạn nhân là trẻ trong độ tuổi mầm non tại các trường không đạt tiêu chuẩn trong vài năm gần đây thì tiêu chí “môi trường an toàn” luôn được các phụ huynh chú trọng và đặt lên hàng đầu. Bởi một khi tai nạn đã xảy ra, mọi sự rút kinh nghiệm, bù đắp hay xin lỗi đều trở nên vô nghĩa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nguy hiểm rập rình trong nhà trẻ