Sốt mò là bệnh truyền sang người khi bị ấu trùng mò đốt. Bệnh có biến chứng thường gặp là viêm cơ tim, sốc nhiễm khuẩn, tổn thương đa tạng dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, bệnh có thể được điều trị và phục hồi tốt nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Thông tin từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, vừa qua, tại khoa Hồi sức truyền nhiễm của cơ sở y tế này đã tiếp nhận và điều trị thành công cho 2 bệnh nhân sốt mò biến chứng suy đa tạng. Bệnh nhân vào viện với biểu hiện sốt dài ngày, tổn thương đa cơ quan: suy hô hấp, suy tuần hoàn, tổn thương gan thận, ức chế tủy xương. Cả 2 trường hợp đã được điều trị tích cực từ tuyến dưới nhưng chưa tìm ra được căn nguyên vi sinh gây bệnh, vì vậy điều trị không đáp ứng.
Các bệnh nhân chuyển lên điều trị tại khoa Hồi sức truyền nhiễm trong tình trạng suy đa tạng (suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy gan), các bác sĩ đã khám và phát hiện vết loét do sốt mò điển hình, được điều trị kháng sinh đặc hiệu và điều trị hỗ trợ suy tạng. Sau điều trị bệnh nhân đáp ứng tốt, hết sốt, các tạng hồi phục dần, và được xuất viện sau 2 tuần điều trị.
BS Nguyễn Xuân Lâm - Khoa Hồi sức truyền nhiễm (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) cho hay, sốt mò là bệnh truyền sang người qua côn trùng trung gian ấu trùng mò. Người bị nhiễm bệnh khi bị ấu trùng mò đốt. Mò và ấu trùng ưa sống ở nơi đất xốp, ẩm mát trong các khe hang, ven bờ sông suối, nơi râm mát có bụi rậm và cây thấp có quả hạt để chờ thú nhỏ - gặm nhấm lui tới. Người có thể bị đốt trong các điều kiện sau: phát rẫy làm nương, bộ đội đi dã ngoại, ngồi, nằm nghỉ, trên bãi cỏ, để mũ nón buộc võng vào gốc cây…
Lúc đầu tại nơi ấu trùng mò đốt có một nốt phỏng nước bằng hạt đỗ, không đau, bệnh nhân thường không chú ý; sau thời gian ủ bệnh từ 8 - 12 ngày, bệnh khởi phát với những triệu chứng như sốt cao liên tục, đau nhức đầu, đau mỏi cơ. Trên da có thể có nốt loét đặc trưng thường ở vùng da mềm, ẩm, như bộ phận sinh dục, vùng hạ nang, hậu môn, bẹn, nách, cổ…, đôi khi ở vị trí bất ngờ trong vành tai rốn, mi mắt. Nốt loét thường không đau, không ngứa, hình tròn/bầu dục đường kính 1mm đến 2cm. Nốt phỏng ban đầu phát triển dần thành dịch đục trên một nền sẩn đỏ. Sau 4 - 5 ngày vỡ ra thành một nốt có vẩy nâu nhạt hoặc sẫm tùy vào vùng da mềm hay cứng và độ non hay già của nốt loét.
Sau một thời gian, vẩy bong để lộ nốt loét đáy nông, hồng nhạt, không mủ, không tiết dịch, bờ viền hồng đỏ hoặc thâm tùy theo bệnh đang phát triển hay đã lui. Từ khi hết sốt nốt loét liền dần, nốt loét gặp ở 65 - 80% các trường hợp.
BS Lâm nhấn mạnh, một số bệnh nhân có thể có nổi hạch gần vết loét, phát ban trên da. Trong trường hợp bệnh được chẩn đoán điều trị sớm (5 ngày đầu), kết quả điều trị sẽ rất thuận lợi. Nếu điều trị muộn, hoặc điều trị không phù hợp, có thể có biến chứng nặng như viêm cơ tim, sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi, suy hô hấp, viêm não - màng não.
Để phòng bệnh hiệu quả, các chuyên gia khuyến cáo người dân không để ấu trùng mò cắn đốt bằng cách phát quang bụi rậm, diệt ổ dịch, bôi thuốc diệt côn trùng, giữ gìn vệ sinh nhà cửa, giặt quần áo sau 1 lần sử dụng. Nơi ở gần nhiều lùm cây, sông, suối cần được che chắn cẩn thận, phun thuốc diệt côn trùng, vệ sinh sạch sẽ.
Người dân cần hạn chế các hoạt động trong rừng núi khi không cần thiết. Nếu bắt buộc phải sống, làm việc trong điều kiện nguy cơ cao như vậy cần các biện pháp bảo vệ cơ thể tránh bị ấu trùng mò đốt: mặc đồ che kín cơ thể, tẩm hóa chất diệt côn trùng lên quần áo chăn màn, xịt thuốc vào không gian hoặc bôi thuốc xua đuổi côn trùng lên da.
Đặc biệt, không được tự ý điều trị bệnh tại nhà, không được chủ quan, nên đến ngay cơ sở khám, chữa bệnh uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm của bệnh sốt mò.
Các bác sĩ lưu ý, nếu gặp phải 1 trong các biểu hiện như sốt cao đột ngột, sốt cao liên tục, kéo dài, kèm theo rét run, đau đầu, đau mỏi người, da xung huyết, kết mạc mắt xung huyết, có thể phù nhẹ dưới da vùng mặt và mu chân, người dân cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để thăm khám.