Dù đã được cảnh báo từ các chuyên gia y tế, thế nhưng, tình trạng một số người tự ý sử dụng thuốc hay bỏ thuốc theo đơn của bác sĩ đang là một vấn nạn gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, tính mạng.
Thói quen lạm dụng thuốc
Thông tin Bệnh viện Nội tiết trung ương cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận 2 trường hợp là anh em trai ruột (15 và 11 tuổi) được chẩn đoán suy tuyến thượng thận do lạm dụng thuốc xịt mũi có thành phần chứa corticoid.
Theo người nhà bệnh nhân, trong 3 năm gần đây, do bị viêm mũi dị ứng nên 2 bệnh nhi đã liên tục dùng thuốc xịt có chứa corticoid. Hiện tại, cả hai bệnh nhi đều có kiểu hình béo phì, gương mặt tròn, rậm lông, làn da mỏng, rạn da bụng và đùi màu tím đỏ, phù hai chi dưới...
Một trường hợp khác được ghi nhận tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, bệnh nhân (43 tuổi) nhập viện trong tình trạng sốt cao 39 độ C, xuất hiện khối sung nề, đau vùng thắt lưng. Theo người nhà bệnh nhân, trước khi nhập viện cấp cứu 1 tuần, bệnh nhân xuất hiện đau tức vùng thắt lưng phải. Bệnh nhân tự đến nhà người quen điều trị bằng phương pháp tiêm thuốc không rõ nguồn gốc (5 ống/ngày) vào hố thắt lưng phải. Sau 3 ngày, bệnh nhân tiếp tục cắt thuốc nam về uống nhưng không đỡ.
Đến ngày thứ 5, tình trạng bệnh nhân xấu đi, khi đó mới được gia đình đưa đến bệnh viện điều trị. Tại đây, kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy, bệnh nhân có áp xe cơ thắt lưng chậu có tổn thương mạch máu, nhiều ổ tụ dịch khoang sau phúc mạc, giảm tưới máu thận phải, sỏi thận, sỏi niệu quản phải, rối loạn tưới máu gan.
Đáng nói, những trường hợp phải nhập viện vì thói quen tự ý sử dụng thuốc hay lạm dụng thuốc như trên không hề hiếm. Thực tế đã ghi nhận nhiều bệnh nhân đã gặp phải những tác dụng phụ nặng nề do sử dụng thuốc không hợp lý.
Tự ý bỏ uống thuốc
Các bệnh không lây nhiễm đang là gánh nặng vô cùng lớn đối với sức khỏe của người Việt và một trong những tác nhân khiến gánh nặng này càng trở nên to lớn hơn là thực trạng tự ý bỏ thuốc theo đơn của người bệnh.
Gần đây nhất, Khoa Cấp cứu - Điều trị tích cực thuộc Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ) vừa cấp cứu 2 trường hợp nhồi máu não vì tự ý dừng uống thuốc chống đông theo chỉ định của bác sĩ.
Trường hợp thứ nhất là ông N.V.D., (87 tuổi) có tiền sử đái tháo đường, tăng huyết áp, có chỉ định điều trị thuốc chống đông máu, nhưng thời gian gần đây ông D. không uống thuốc. Trước khi vào viện 2 giờ, ông D. đang tắm đột ngột xuất hiện tình trạng rối loạn ý thức, nói khó, méo miệng, liệt nửa người trái, được người nhà đưa vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cấp cứu.
Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân D.T.N. (42 tuổi) có tiền sử hẹp van tim, không duy trì thuốc chống đông. Bệnh nhân N. vào viện trong tình trạng rối loạn ý thức, nói ngọng, liệt mặt, rối loạn vận nhãn mắt trái, liệt nửa người phải. Sau khi thăm khám và chỉ định cận lâm sàng, người bệnh được chẩn đoán nhồi máu não do tắc động mạch thân nền giờ thứ 2 và chỉ định sử dụng thuốc tiêu huyết khối; can thiệp động mạch.
Theo Dược sĩ Nguyễn Thu Giang - khoa Dược (Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec): Một số bệnh lý mạn tính có thể dễ dàng kiểm soát nếu bệnh nhân uống thuốc đều đặn. Đối với các bệnh mạn tính, phải dùng thuốc lâu dài, thậm chí là suốt đời như đái tháo đường, tăng huyết áp... nhiều người bệnh dùng thuốc điều trị một thời gian thấy huyết áp ổn định, đường huyết trở lại bình thường đã tự ý bỏ thuốc. Điều này vô cùng nguy hiểm. Bởi huyết áp và đường huyết bình thường là do có sự trợ giúp của thuốc. Nếu ngừng thuốc, huyết áp có thể tăng trở lại, đường huyết tăng cao là nguyên nhân dẫn đến các tai biến nghiêm trọng như: Đột quỵ, tai biến mạch máu não, hôn mê... nguy hiểm đến tính mạng.
Ví dụ, bệnh nhân đái tháo đường không tuân thủ việc dùng thuốc sẽ tăng nguy cơ tổn thương thần kinh, mất thị lực, các vấn đề về mạch máu và một loạt các hậu quả nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong. Hay những bệnh nhân đã từng bị đau tim thường được kê đơn thuốc huyết áp. Nếu không dùng thuốc, họ có thể bị đau tim tái phát. Vì thế, người bệnh cần thực hiện theo đúng liều lượng khuyến cáo của bác sĩ, tránh ngưng thuốc đột ngột, bỏ dở giữa chừng làm tăng nguy cơ tái phát bệnh rất nguy hiểm.
Bệnh nhân cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý bỏ thuốc hay giảm liều lượng thuốc. Đặc biệt, bệnh nhân lưu ý tái khám định kỳ theo lịch hẹn để bác sĩ điều chỉnh thuốc phù hợp với từng giai đoạn, đồng thời theo dõi tiến triển bệnh để can thiệp kịp thời.