Sau một thời gian khá dài đi ngang, giá thép những tháng cuối năm 2022 và ngay tháng đầu năm 2023 đã có sự “đổi chiều”, bật tăng mạnh. Tuy nhiên, theo lý giải của giới chuyên gia trong ngành, giá thép tăng không phải do cầu thị trường tăng mà là do tác động của giá đầu vào.
Giá thép bật tăng
Giá thép trên thị trường tiếp tục được điều chỉnh tăng mạnh. Khảo sát trên thị trường cho thấy, giá các loại thép phổ biến như thép cuộn, thép thanh vằn đều chứng kiến mức tăng từ 460.000 - 710.000 đồng/tấn.
Ở khu vực miền Bắc, thương hiệu thép Hòa Phát đã điều chỉnh tăng 510.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240. Giá bán của 2 sản phẩm thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 của thương hiệu thép này tại khu vực miền Bắc hiện lên 15,45 triệu đồng/tấn và 15,53 triệu đồng/tấn. Giá thép của thương hiệu Việt Sing: Thép cuộn CB240 ở mức 15.020 đồng/kg và thép thanh vằn D10 CB300 ở mức 15.120 đồng/kg. Giá thép cuộn CB240 của thương hiệu thép Việt Nhật đạt mức 15.580 đồng/kg. Giá thép thanh vằn D10 CB300 của cùng thương hiệu hiện ở mức 15.580 đồng/kg, lên 15,58 triệu đồng/tấn.
Tương tự, thị trường thép ở khu vực miền Trung và miền Nam cũng có xu hướng leo thang một cách gấp gáp.
Sau khi các hãng sản xuất thép đồng loạt điều chỉnh giá bán, các đại lý cũng điều chỉnh tăng theo, đẩy giá bán lẻ thép xây dựng tăng mạnh lên gần 17.000 đồng/kg thép. Cụ thể, sắt thép Việt Nhật (VinaKyoei) có giá 16.8000 đồng/kg; thép Pomina 16.400 đồng/kg; thép thương hiệu Hòa Phát giá 16.600 đồng/kg; sắt thép Miền Nam giá 16.500 đồng/kg. Như vậy, giá thép của toàn thị trường 3 miền Bắc, Trung Nam đều đã có sự điều chỉnh tăng mạnh, vượt mốc 16 triệu đồng/tấn.
Đại diện Công ty Thép Pomina cho biết, ngay từ đầu năm, công ty đã điều chỉnh tăng giá thép 3 lần với mức tăng gần 1 triệu đồng/tấn. Nguyên nhân là do nguyên vật liệu đầu vào tăng cao. Vị này dự báo thị trường thép sẽ còn tăng do nhu cầu thép ở các nước trên thế giới tăng.
Chưa hết khó khăn
Mặc dù, giá thép trong nước đã được các doanh nghiệp liên tục điều chỉnh tăng, nhưng không xuất phát từ nhu cầu thị trường, mà nguyên nhân chính là từ việc giá các loại nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thép tăng cao.
Theo chia sẻ của các đại lý kinh doanh, giá thép có khả năng tiếp tục tăng nữa trong bối cảnh giá thế giới vẫn đi lên, nguyên vật liệu sản xuất chính như quặng sắt, chưa có dấu hiệu dừng đà tăng.
Đưa ra lý do khiến giá thép tăng mạnh thời gian gần đây. Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nêu 4 vấn đề. Thứ nhất là do giá quặng sắt tăng cao. Theo báo cáo của VSA về tình hình thị trường thép Việt Nam tháng 12/2022 và năm 2022 cho thấy, giá quặng sắt ngày 6/1/2023 giao dịch ở mức 116,95-117,45 USD/tấn CFR cảng Thiên Tân (Trung Quốc) tăng khoảng 6,5 USD/tấn so với thời điểm đầu tháng 12/2022.
Vấn đề thứ hai về giá than. Giá nguyên vật liệu này tăng cũng tác động đến giá thép. Cụ thể, giá than mỡ luyện cốc xuất khẩu tại cảng Úc ngày 6/1/2023 giao dịch ở mức khoảng 282,5 USD/tấn FOB, tăng mạnh 52,25 USD/tấn so với đầu tháng 12/2022.
Thứ ba là giá thép phế liệu tăng. Giá thép phế liệu nội địa trong tháng 12/2022 tăng 500 - 700 đồng/kg và giữ mức 8.900 đồng đến 9.400 đồng/kg. Giá phế liệu nhập khẩu tăng 50 USD/tấn giữ mức 400 USD/tấn cuối tháng 12/2022. Trong những ngày đầu tháng 1/2023 giá thép phế liệu có xu hướng điều chỉnh tăng. Giá thép phế liệu giao dịch cảng Đông Á ngày 6/1/2022 ở mức khoảng 402-405 USD/tấn. Và nguyên nhân thứ tư là do giá thép cuộn cán nóng tăng..
Phân tích về triển vọng ngành thép năm nay, VNDirect nhận định, các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước vẫn sẽ đối diện với loạt khó khăn khi nhu cầu xây dựng giảm, giá nguyên liệu đầu vào sản xuất tăng...
Chỉ có một điểm sáng kỳ vọng cho ngành thép năm nay chính là câu chuyện về việc thực thi giải ngân đầu tư công với dự kiến tăng 20-25% so với 2022. Về phía xuất khẩu, trợ lực của ngành là giá thép có thể ít biến động hơn do nhu cầu từ thị trường Trung Quốc ổn định, khi quốc gia này mở cửa trở lại và đưa ra nhiều chính sách nhằm hỗ trợ, phục hồi thị trường bất động sản.
Giới chuyên gia vẫn bày tỏ quan điểm rằng, bức tranh ngành thép sẽ không mấy sáng sủa khi cầu thị trường vẫn chưa tăng, còn nguyên vật liệu đầu vào vẫn đang bị ảnh hưởng của tình hình thế giới. Do đó, ngành thép vẫn khó khăn ở nửa đầu năm và chỉ thực sự khởi sắc vào nửa sau của năm 2023.