Myanmar nằm trên ranh giới giữa hai mảng kiến tạo và là một trong những quốc gia có hoạt động địa chấn mạnh nhất thế giới.
Trận động đất mạnh 7,7 độ richter có tâm chấn ở Myanmar đã tấn công Đông Nam Á vào ngày 28/3, khiến nhiều người thiệt mạng và gây ra thiệt hại lớn, trong khi lực lượng cứu hộ ở Bangkok vẫn đang tìm kiếm những người bị mắc kẹt trong đống đổ nát của một tòa nhà bị sập.
Ít nhất 3 người đã thiệt mạng tại thị trấn Taungoo ở Myanmar khi một nhà thờ Hồi giáo bị sập một phần, các nhân chứng cho biết. Phương tiện truyền thông địa phương đưa tin ít nhất hai người đã chết và 20 người bị thương sau khi một khách sạn bị sập ở Aung Ban.
Chương trình Rủi ro Động đất của Cục Khảo sát Địa chất Mỹ cho biết, số người tử vong có thể lên tới từ 10.000 đến 100.000 người và tác động kinh tế có thể lên tới 70% GDP của Myanmar.
Thành phố Sagaing của Myanmar đã hứng chịu một số trận động đất trong những năm gần đây, với một trận động đất mạnh 6,8 độ Richter khiến ít nhất 26 người tử vong và hàng chục người bị thương vào cuối năm 2012.
Nhưng sự kiện hôm 28/3 "có lẽ là trận động đất lớn nhất" tấn công vào đất liền Myanmar trong 75 năm qua, ông Bill McGuire, một chuyên gia động đất khác tại UCL cho biết.
Ông Roger Musson, nghiên cứu viên danh dự tại Cục Khảo sát Địa chất Anh cho biết, độ sâu nông của trận động đất khiến thiệt hại sẽ nghiêm trọng hơn. Theo USGS, tâm chấn của trận động đất chỉ ở độ sâu 10 km.
“Trận động đất này rất nguy hiểm vì nó xảy ra ở độ sâu nông, do đó sóng xung kích không bị tiêu tán khi chúng đi từ tâm chấn của trận động đất lên bề mặt. Các tòa nhà đã hứng chịu toàn bộ lực rung lắc. Điều quan trọng là không nên tập trung vào tâm chấn vì sóng địa chấn không lan tỏa ra từ tâm chấn, chúng lan tỏa từ toàn bộ đường đứt gãy”, ông Musson nói.
Myanmar nằm trên ranh giới giữa hai mảng kiến tạo và là một trong những quốc gia có hoạt động địa chấn mạnh nhất thế giới, mặc dù các trận động đất lớn và có sức tàn phá tương đối hiếm ở khu vực Sagaing.
“Ranh giới mảng giữa Mảng Ấn Độ và Mảng Á-Âu chạy theo hướng bắc-nam, cắt qua giữa Myanmar”, bà Joanna Faure Walker, giáo sư và chuyên gia về động đất tại University College London cho biết.
Theo bà Walker, các mảng di chuyển qua nhau theo chiều ngang với tốc độ khác nhau. Mặc dù điều này gây ra các trận động đất "trượt ngang" thường ít mạnh hơn so với các trận động đất ở "vùng hút chìm" như Sumatra, nơi một mảng trượt xuống dưới mảng kia, nhưng chúng vẫn có thể đạt tới cường độ từ 7 đến 8 độ richter.
Theo ông Musson, những dự báo này dựa trên dữ liệu từ các trận động đất trước đây và về quy mô, vị trí và mức độ sẵn sàng ứng phó với động đất nói chung của Myanmar.
Sự hiếm hoi tương đối của các sự kiện địa chấn lớn ở khu vực Sagaing - gần với Mandalay đông dân - có nghĩa là cơ sở hạ tầng tại Myanmar chưa được xây dựng để chống chọi với chúng. Vì vậy thiệt hại có thể trở nên tồi tệ hơn nhiều.
Ông Musson cho biết, trận động đất lớn cuối cùng xảy ra ở khu vực này là vào năm 1956 và các ngôi nhà không có khả năng được xây dựng để chống chọi với lực địa chấn mạnh như những trận động đất xảy ra vào ngày 28/3.
"Hầu hết các trận động đất ở Myanmar đều ở xa hơn về phía tây trong khi trận động đất này lại chạy dọc theo trung tâm đất nước", ông Musson nói.
Myanmar cũng đã phải hứng chịu nhiều thảm họa thiên nhiên trong những năm gần đây, trong đó có Bão Yagi vào năm ngoái và Bão Mocha vào năm 2023 khiến chính quyền quân sự đã phải vật lộn để ứng phó một cách thỏa đáng.