“Cái được lớn nhất, kỳ công và công phu của thời kỳ đó là đưa ngày 18/11 trở thành Ngày hội Ðại đoàn kết ở khu dân cư” - ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường vụ Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam khi được hỏi dấu ấn về những ngày làm công tác Mặt trận đã nói như vậy.
Trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, sức khỏe của ông không tốt. Nhiều hôm ông đã phải vào bệnh viện điều trị và chúng tôi biết là không nên làm phiền để ông phải trò chuyện lâu như mọi lần. Trong cuộc đời công tác, trưởng thành từ người thợ lò ở mỏ than Quảng Ninh cho đến khi giữ trọng trách rất cao trong Đảng, ông Phạm Thế Duyệt ghi dấu ấn ở nhiều thời kỳ, nhiều việc. Có những việc rất khó mà ông đã thành công xuất sắc, chắc chắn sẽ còn được nhắc đến rất lâu sau này như một bài học lớn về lắng nghe tâm tư nguyện vọng nhân dân để giải quyết việc dân, việc nước một cách thấu đáo.
Ví dụ như ông Phạm Thế Duyệt trực tiếp về cơ sở cả tháng trời tháo gỡ câu chuyện điểm nóng ở Thái Bình để từ đó ra đời Quy chế dân chủ ở cơ sở. Ví dụ dấu ấn Đảng ban hành Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa XIII về xây dựng chỉnh đốn Đảng khi ông đang ở cương vị Ủy viên Thường vụ Thường trực Bộ Chính trị…
Riêng đối với công tác Mặt trận, ông dành nhiều tâm huyết và nhiều hoạt động của Mặt trận được khởi xướng vào thời kỳ ông ở cương vị Chủ tịch cho đến nay vẫn đang là những nội dung hoạt động quan trọng qua các kỳ Đại hội Mặt trận.
Khi chúng tôi đặt câu hỏi, nếu nói đến dấu ấn về những ngày làm công tác Mặt trận, ông nhớ nhất là việc gì? Ông đã trả lời: “Nhiều người nhắc tới Ngày Vì người nghèo. Ngày Vì người nghèo rất tốt, nhưng đó chỉ là một việc. Xây dựng được Ngày Vì người nghèo là một công phu. Nhưng cá nhân mình, tôi lại cho rằng cái được lớn nhất, cái kỳ công và công phu của thời kỳ đó là đưa ngày 18/11 trở thành Ngày hội Đại đoàn kết ở khu dân cư. Nhờ có Ngày hội mà làm cho toàn dân hiểu hơn về Mặt trận, hiểu về Mặt trận Dân tộc thống nhất và ngày truyền thống đại đoàn kết toàn dân. Từ hồi đó đến nay, Ngày hội Đại đoàn kết ở khu dân cư năm nào cũng có sự tham gia của các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, bà con ở khắp các khu dân cư trong cả nước cùng tham gia vào một hoạt động chung, gắn bó, đoàn kết, nhiều nơi còn sáng kiến có cả bữa cơm đoàn kết, thực sự đúng nghĩa là ngày hội. Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc ở khu dân cư đã được xây dựng rất cẩn thận. Tôi trực tiếp đi tới từng khu dân cư, đi đến sóc Bom Bo, đến khu dân cư ở vùng công giáo toàn tòng ở Đồng Nai, đi vào vùng đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên, đi hẳn vào những vùng rất khó khăn để xây dựng phong trào…”
Nói về những khó khăn và thách thức của công tác Mặt trận hiện nay, ông Phạm Thế Duyệt cho rằng: “Mặt trận phải nói những điều chưa nói hết, phải nói những điều mới chưa đề cập đến. Nói là để có đường hướng giải quyết, có giải pháp tích cực, giúp cho Đảng, cho các nhà lãnh đạo đất nước thấy được những điều toàn dân đang mong mỏi. Tôi không nói vai trò, vị thế của Mặt trận cao hay thấp nhưng Mặt trận là đại diện cho toàn dân phải thể hiện được tiếng nói đầy đủ nhất của các tầng lớp nhân dân. Chú ý những vấn đề mà dân cần, dân quan tâm là Mặt trận tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền thế nào để làm tốt khâu giám sát và phản biện xã hội. Tiếng nói của Mặt trận là tiếng nói trên tinh thần xây dựng”.
Đã nhiều lần trong lúc trả lời báo chí, ông Phạm Thế Duyệt trăn trở về việc thời gian qua hàng loạt cán bộ lãnh đạo (kể cả cấp rất cao) bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị khởi tố. Vậy với tình hình như vậy thì Mặt trận phát huy vai trò như thế nào trong việc giám sát công tác cán bộ và tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh? Là người luôn đặt ra câu hỏi ấy, ông Phạm Thế Duyệt nói rằng đứng ở góc độ của một người từng làm công tác Mặt trận, từng làm công tác Đảng, ông thấy Đảng phải thông qua Mặt trận để thực sự quan tâm tới đánh giá của quần chúng về cán bộ. Nếu có cách làm thẳng thắn, thì chắc chắn quần chúng nhân dân và cán bộ đảng viên ở cấp cơ sở sẽ có ý kiến rất tốt cho công tác cán bộ. “Còn nếu đề bạt cán bộ chỉ bằng quy trình của tổ chức thì chắc chắn sẽ có những hạn chế, tốt thì có cái tốt nhưng bảo thế là đã yên tâm thì không dễ. Thế cho nên phải có giám sát - phản biện. Giám sát - phản biện xã hội là giúp cho Đảng, qua tai mắt của nhân dân, nhìn thấy ông cán bộ này chưa xứng đáng, ông kia tốt” - nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam nêu quan điểm.
Theo ông Duyệt, đặc biệt là qua các kỳ hiệp thương, Mặt trận phải thể hiện rõ trách nhiệm trong việc chọn người xứng đáng vào cơ quan quyền lực cao nhất là Quốc hội. Mặt trận làm đúng, làm tốt, thì Đảng giới thiệu, nhưng Mặt trận phải có trách nhiệm trong việc thẩm định, trong việc nghe ý kiến của nhân dân qua 3 vòng hiệp thương, xem qua các vòng hiệp thương thì thực sự người dân có ý kiến về cán bộ thế nào. “Đây tôi nhấn mạnh chữ thật sự, chứ còn nếu làm cho đủ các bước, cho phải phép, cho đủ lệ, đủ quy trình thì nó sẽ có kết quả như chúng ta đã thấy là có những người sai phạm, không đủ phẩm chất và năng lực vẫn được giới thiệu và bầu làm đại biểu Quốc hội” - ông Phạm Thế Duyệt nhấn mạnh.
Trước thềm Đại hội X Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chúng tôi lại nhớ những tâm tư mà nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt không ít lần gửi gắm: “Biết dựa vào nhân dân để thực hiện nhiệm vụ cách mạng nói chung, kể cả công tác xây dựng Đảng, chỉnh đốn Đảng, công tác cán bộ, nếu biết dựa vào dân thì mới có kết quả. Nếu không có chắc chắn sẽ bị hạn chế, không dễ gì tốt được. Tôi thường suy nghĩ nhiều đến việc Mặt trận phải phát huy được toàn dân. Làm thế nào để các đoàn thể đều mạnh thì Mặt trận mới mạnh được. Đảng lắng nghe Mặt trận, lắng nghe thực sự, chú ý đúng mức, quan tâm đúng mức để Mặt trận và nhân dân góp phần vào giải quyết vấn đề then chốt của Đảng là công tác xây dựng Đảng”.
Bởi vậy, ông mong mỏi, Đại hội Mặt trận đánh giá được đúng đắn tình hình trong nước và thế giới, đánh giá được thuận lợi và khó khăn, những thách thức lớn đang đặt ra, đang phải vượt lên, đang phải tạo sự đồng tâm nhất trí trong toàn Đảng, toàn dân.
Nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt bày tỏ: “Với Đại hội lần này, giám sát và phản biện xã hội là vấn đề không còn mới nữa. Suy nghĩ từ góc độ của người đã từng làm Mặt trận thì tôi coi việc giám sát - phản biện rất quan trọng để phát huy dân chủ trong dân, giúp cho Đảng thực hiện xây dựng chỉnh đốn Đảng thiết thực”.
Trước thềm Đại hội X Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chúng tôi lại nhớ những tâm tư mà nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt không ít lần gửi gắm: “Biết dựa vào nhân dân để thực hiện nhiệm vụ cách mạng nói chung, kể cả công tác xây dựng Đảng, chỉnh đốn Đảng, công tác cán bộ, nếu biết dựa vào dân thì mới có kết quả. Nếu không có chắc chắn sẽ bị hạn chế, không dễ gì tốt được. Tôi thường suy nghĩ nhiều đến việc Mặt trận phải phát huy được toàn dân. Làm thế nào để các đoàn thể đều mạnh thì Mặt trận mới mạnh được. Đảng lắng nghe Mặt trận, lắng nghe thực sự, chú ý đúng mức, quan tâm đúng mức để Mặt trận và nhân dân góp phần vào giải quyết vấn đề then chốt của Đảng là công tác xây dựng Đảng”.