Nhà ăn phục vụ sinh viên: Nỗi lo an toàn thực phẩm

Nghĩa Toàn 11/05/2017 08:35

Ngày 10/5, một ngày sau cuộc kiểm tra đột xuất sáng 9-5 của Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) của TP Hà Nội, PV báo Đại Đoàn kết đã có dịp tìm hiểu thêm về các nhà ăn phục vụ sinh viên tại Hà Nội. Cảm nhận chung là vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại những nhà ăn như thế này là hết sức lo ngại.

Ảnh minh họa.

Trước đó, sáng 9/5, Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về ATVSTP do Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền làm Trưởng đoàn đã kiểm tra đột xuất nhà ăn A1-5 (phố Tạ Quang Bửu, quận Hai Bà Trưng).

Đây là nhà ăn phục vụ học sinh, sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Đại diện nhà ăn cho biết, trung bình mỗi ngày, nhà ăn cung cấp khoảng 300 suất ăn.

Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, cơ sở vật chất của nhà ăn này đã xuống cấp, tủ đựng thức ăn chưa có lưới chống côn trùng, nền nhà trơn trượt. Kết quả xét nghiệm nhanh các bát, đũa tại nhà ăn cho thấy, 6/15 số bát không đáp ứng đúng yêu cầu ATVSTP.

Bên cạnh đó, nhà ăn còn chưa xuất trình được hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ của thực phẩm với lý do kế toán đi vắng. Mặt khác, chỉ có 8/18 nhân viên đang làm việc tại đây có giấy khám sức khỏe, tập huấn ATVSTP theo quy định.

Điều đáng nói ở đây là tình trạng này không chỉ diễn ra ở riêng nhà ăn AA1-5 vừa nói, mà đây là điều khá phổ biến tại các nhà ăn phục vụ học sinh, sinh viên các trường đại học nói chung.

Khảo sát của PV Đại Đoàn Kết tại nhà ăn phục vụ học sinh, sinh viên Đại học Xây dựng cho thấy, cơ sở vật chất của nhà ăn này đã xuống cấp, nhà ăn chỉ phục vụ 2 món là mì tôm và cơm chiên tuy nhiên số bát đũa của nhà ăn cũng chưa đáp ứng đúng yêu cầu ATVSTP.

Một trường hợp khác có thể kể ra là nhà ăn phục vụ học sinh, sinh viên của Trường Đại học Thương mại, một sinh viên của trường cho biết nhà ăn không dùng bát mà thức ăn được đựng vào khay, mặt khác, theo sinh viên này, chất lượng thức ăn tại đây chưa phù hợp với giá cả của nhà ăn.

Khoảng 12h20 ngày 10-5, chúng tôi có mặt tại căng tin bán đồ ăn cho sinh viên của đại học Y Hà Nội, không chỉ riêng sinh viên mà còn có cả người nhà bệnh nhân từ Bệnh viện Đại học Y qua ăn. Suất ăn có giá giao động từ 20.000 - 50.000 đồng.

Sinh viên N.T.L cho biết, buổi trưa thường mua cơm ăn cùng 2 cây xúc xích, thêm một ít canh rau ngót. Khi được hỏi về việc, có cảm thấy lo lắng về chất lượng đồ ăn khi ăn tại nhà ăn, nhiều sinh viên tỏ thái độ thờ ơ, coi đây là vấn đề khá bình thường. Một bạn sinh viên cho biết: Sinh viên như thế nào cũng sống được, các thông tin vệ sinh an toàn thực phẩm dù có bủa vây thì vẫn phải ăn để có sức, vẫn ăn như không có chuyện gì.

Tuy gọi là căng tin phục vụ sinh viên, nhưng bản thân các trường đại học không đứng ra phục vụ. Hầu hết các nhà ăn hiện tồn tại trong khuôn viên (hoặc ký túc xá) các trường đại học đều được thực hiện theo hình thức đấu thầu.

Trước đó, Đoàn kiểm tra liên ngành ATVSTP thành phố Hà Nội cùng các thành viên Ban Chỉ đạo ATVSTP quận Đống Đa đã kiểm tra ATTP tại căng tin của Trường ĐH Ngoại thương (do Công ty cổ phần Văn hóa dịch vụ thể thao có địa chỉ 218 đường Trường Chinh đấu thầu), đã phát hiện nhiều sai phạm của cơ sở này như căng tin không đảm bảo điều kiện vệ sinh khu vực chế biến, không để riêng thực phẩm chín và sống, một số xúc xích hết hạn vẫn đang bảo quản trong tủ đá; thịt, pa tê đã qua sơ chế không ghi rõ nguồn gốc; đại diện nhà ăn không xuất trình được hóa đơn chứng minh nguồn gốc thực phẩm.

Được biết, từ ngày 15-4 đến nay, Đoàn liên ngành kiểm tra ATVSTP của quận Hai Bà Trưng, đội quản lý thị trường số 5, UBND của 20 phường trên địa bàn quận đã tiến hành kiểm tra được 174 lượt cơ sở, trong đó xử phạt 28 cơ sở với số tiền hơn 61 triệu đồng, tạm dừng hoạt động 5 cơ sở, thu giữ và tiêu huỷ hơn 400 kg thực phẩm không bảo đảm an toàn…

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 3.214 bếp ăn tập thể trong các KCN, KCX, trường học…, trong đó có những bếp ăn phục vụ đến 1.000 người.

Qua kiểm tra, các vi phạm chủ yếu là điều kiện vệ sinh ở phòng ăn, khu chế biến thức ăn không đạt yêu cầu; thiết bị, dụng cụ đựng thực phẩm không bảo đảm vệ sinh; sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ; việc thực hiện quy định về lưu mẫu thực phẩm, quy trình bảo quản không được thực hiện nghiêm...

Việc bảo đảm quy định về vệ sinh nhà xưởng chế biến, bếp ăn một chiều, sử dụng phụ gia trong chế biến, nguồn gốc thực phẩm… ở nhiều nơi chưa đạt yêu cầu.

Như vậy, qua những cuộc kiểm tra có thể thấy nổi lên sự mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong những nhà ăn phục vụ sinh viên là rất rõ. Cho dù là đấu thầu dưới hình thức nào đi nữa, các trường đại học vẫn phải chịu trách nhiệm chính về chất lượng của các nhà ăn này, không thể chỉ phó mặc cho bên đấu thầu.

Một trong những đặc điểm chính của các nhà ăn chuyên phục vụ sinh viên là giá rẻ. Tuy nhiên đây không thể là lý do để phó mặc sức khỏe, tương lai của rất nhiều bạn trẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà ăn phục vụ sinh viên: Nỗi lo an toàn thực phẩm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO