“Tôi cũng từng làm một khảo sát nho nhỏ với các người bạn là nữ giới của mình rằng họ đã bao giờ bị lạm dụng hay quấy rối chưa, thật bất ngờ là ai cũng trả lời rằng có, không nhiều thì ít”.
Minh họa: Hanna Barczyk.
Nhà báo/ Biên kịch Vũ Liêm, hiện công tác tại Truyền hình Công An Nhân Dân (ANTV), chia sẻ về vấn nạn QRTD đang tồn tại khá phổ biến trong xã hội hiện nay:
1.“Hành vi quấy rối tình dục là một vấn đề mà thời nào cũng có, đến mức chắc bạn từng nghe đến câu thành ngữ cửa miệng của một số người là: "Làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu"... Việc phụ nữ bị trêu chọc, rồi có thể thái quá hơn là một số hành vi động chạm, vuốt ve với nhiều người đó là chuyện bình thường. Rồi từ cái bình thường ấy nếu họ lấn được tới thì sẽ lấn.
Tôi nói rất thật là với sự phóng khoáng, cởi mở trong giao tiếp bây giờ, nhiều khi chính bản thân chúng tôi (nam giới) cũng không ý thức được hành vi của mình thực ra là một dạng quấy rối, một câu đùa thái quá, một cái đặt tay lên vai, hay lôi kéo nhau chẳng hạn, có điều nếu là mức nặng đến độ ảnh hưởng đến tâm lý cũng như thể chất của người khác thì không thể chấp nhận được”.
Nhà báo/Biên kịch Vũ Liêm.
“Hiện nay tôi đang tham gia thực hiện chuyên mục "Giải mã tâm lý tội phạm" trên kênh Truyền hình CAND ANTV, trong đó có khá nhiều vụ án cưỡng bức mà hung thủ sau đó trở thành người bị sát hại hoặc tổn thương bởi chính nạn nhân của mình trước đó. Tôi cũng từng làm một khảo sát nho nhỏ với các người bạn là nữ giới của mình rằng họ đã bao giờ bị lạm dụng hay quấy rối chưa, thật bất ngờ là ai cũng trả lời rằng có, không nhiều thì ít. Gần đây nhất tôi đến cơ quan một người bạn, đến nơi tôi gọi thì bạn báo bận, sau đó nhắn tin cho tôi là 5 phút nữa gọi lại cho cô ấy, nói giọng gay gắt giục giã. Tôi làm theo và sau đó mới biết, bạn buộc phải vào phòng một ông sếp mà lần nào gặp cũng kiếm cớ tấn công, quấy rối, cuộc gọi của tôi giúp bạn thoát khỏi tình huống nhạy cảm đó. Tôi có thể cam đoan rằng đã có rất nhiều chị em dùng "chiêu" này để thoát khỏi những tình huống nhạy cảm như vậy.
“Với tôi, Tòa soạn thì có lẽ cũng giống một số cơ quan khác thôi. Tình trạng này rất khó để phân tách, khi chúng ta còn chưa đưa ra được một định nghĩa rõ ràng rằng "thế nào là hành vi quấy rối" và chế tài xử lý ra sao, có cơ quan nào treo bảng nội quy cấm các hành vi a b c là quấy rối đâu. Người ta có thể nói rằng tôi đùa, tôi chỉ trêu cho vui thì sao? Mọi việc không thể rõ ràng khi căn nguyên của vấn đề này chưa được làm rõ, để đưa vào bộ chuẩn quy tắc, tác phong làm việc chẳng hạn”.
2.“Những phong trào như “#Me Too” bạn vừa nói là rất cần thiết, tuy nhiên việc gì chúng ta cũng phải nhìn ở hai mặt. Nếu đó lại là mục đích để người ta hãm hại, hạ thấp uy tín của nhau, hoặc là một sự hoang tưởng nào đó thì cũng có sự ảnh hưởng nghiêm trọng khôn lường. Cá nhân tôi nghĩ nếu kẻ xấu vẫn tiếp diễn hành vi của mình mà không bị trừng phạt, thì hành vi đó sẽ có được tiếp diễn, đến một ngày công lý sẽ được thực thi. Chúng ta có thể liên tưởng đến câu chuyện của một diễn viên X gần đây để thấy rõ điều này”.
“Theo tôi hành vi QRTD xuất phát từ nhiều hướng, nhưng chủ yếu có 3 hướng chính. Có những người thuộc về bệnh lý, trạng thái tinh thần tồn tại do bẩm sinh, môi trường sống từ thuở ấu thơ, sự ảnh hưởng trên phương diện ngoại cảnh đã khiến họ buộc phải làm thế mới có được sự thỏa mãn. Thứ hai là những người coi việc đó là điều bình thường, một sự trao đổi vì lợi ích nào đó, như họ đã từng làm trước đây với người a người b người c. Thứ ba tôi nghiêng về trạng thái tinh thần của con người lúc không được tỉnh táo do sự tác động của chất kích thích, hoặc một quan điểm nào đó bất ngờ nảy sinh trong tâm thức họ lại được ngoại cảnh của tình huống xảy ra hỗ trợ như ở một số không gian thời điểm nhạy cảm.
“Về chuyện người bị quấy rối hay xâm hại im lặng để được “yên thân”, chắc là rất nhiều. Vì nói thật để đưa ra bằng chứng xác đáng 100% rất khó. Hơn nữa do những mối quan hệ ràng buộc xã hội, rồi tâm lý xấu hổ, e ngại, khiến người bị quấy rối lo sợ không dám công khai. Vì họ cân đong đo đếm chắc gì nói ra sẽ được giải quyết, chắc gì nói ra sẽ được người khác thấu hiểu”.
“Những người dễ trở thành nạn nhân của hành vi quấy rối tất nhiên là những người yếm thế, đa phần đang cần sự giúp đỡ của những kẻ quấy rối. Họ có điểm yếu mà những kẻ kia nhận thấy, như tôi đã nói là sự giúp đỡ, hoặc một mối lợi ích nào đó. Kẻ quấy rối nhận thấy đối tượng của mình chắc chắn sẽ không thể lên tiếng, thậm chí "thuận theo" để đạt được mong muốn đó.
Với quan điểm của cá nhân tôi thì ít nhiều nạn nhân của hành vi quấy sẽ chịu sự ám ảnh trong một quãng thời gian dài, thậm chí là cả đời. Bởi lẽ chắc chắn hành vi này sẽ được tiếp diễn, nếu những đối tượng quấy rối không thấy sự phản kháng. Hệ quả trước hết là cho bản thân người bị quấy rối, nỗi đau tinh thần thể xác, v...v... Sau nữa còn là sự dung túng cho cái xấu, để cái xấu ấy tiếp tục nảy mầm, thậm chí phát triển khủng khiếp hơn”.
3.“Để chống lại hành vi quấy rối tình dục, tôi có thể trả lời rằng đây là trách nhiệm của những nhà tâm lý, những nhà đạo đức, nhưng đến tận cùng chúng ta đều hiểu, bảo vệ lẽ phải chống lại cái xấu là trách nhiệm của mọi người. Bởi thế quan điểm của tôi về vấn đề này trước tiên cần có sự đề phòng trong tư duy của tất cả mọi người, nhất là các bạn nữ trẻ (sinh viên, nhân viên mới...) sự đề phòng ở đây đừng hiểu là cái gì quá nghiêm trọng dẫn tới tâm lý sợ hãi bảo thủ e dè, đôi lúc là suy diễn với những gì mình tiếp xúc. Bạn có thể chú ý đến cách ăn mặc, việc xuất hiện ở những không gian nhạy cảm, hơn nữa bây giờ công nghệ thông tin phát triển, bạn có thể hoàn toàn cho đối phương thấy khả năng bạn có được bằng chứng chính xác nếu họ định thực hiện hành vi quấy rối. Hơn nữa bạn cần có sự hỗ trợ của tập thể, đôi khi chỉ cần một người nữa hiểu và chia sẻ cùng bạn đã là đáng quý rồi, chưa kể là một tập thể hay tổ chức nào đó có chức năng bảo vệ quyền lợi cho những người bị quấy rối, lạm dụng.
Và nếu điều đó đã xảy ra, chấp nhận hay phản kháng tùy thuộc vào bản lĩnh của bạn. Nếu bạn phản kháng thì không còn gì để nói, hãy làm tới cùng nếu cái xấu đó thực sự tồn tại, còn nếu chấp nhận thì cách chấp nhận của bạn như thế nào: không bao giờ gặp lại kẻ đó nữa (chuyển công tác, hoặc tránh mọi tiếp xúc...) hay cố giấu đi những tổn thương để rồi nó sẽ lớn dần và âm ỉ mãi trong suốt quãng thời gian sau này. Tôi nghĩ chắc mỗi người chúng ta đều có câu trả lời cho riêng mình rồi”.