Nhà báo Cao Kim và một thời viết trong lửa đạn

DẠ YẾN 25/01/2022 14:00

Nhà báo Cao Kim từng làm báo ở chiến trường Nam Bộ và Sài Gòn - Gia Định với vai trò là phóng viên Báo Giải Phóng - Cơ quan Trung ương của Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ông viết nên tuổi thanh xuân của mình từ những bài báo trong lửa đạn. Chiến tranh đã đi qua gần nửa thế kỷ nhưng trong câu chuyện hồi tưởng đầy cảm xúc, chúng tôi như đứng giữa quầng lửa của cuộc chiến, giữa những lằn ranh của sự sống và cái chết, để thấy bừng sáng lên gương mặt cương nghị, phi thường của ông - một nhà báo, một người lính trong cuộc chiến tranh chính nghĩa vì độc lập tự do của dân tộc.

Nhà báo Cao Kim những năm làm Báo Giải Phóng tại mặt trận Sài Gòn - Gia Định. Ảnh: NVCC.

Đột nhập Sài Gòn và giấy báo tử

Nhà báo Cao Kim thuộc thế hệ nhà báo cách mạng kiên trung, tuổi thanh xuân của ông là tác nghiệp ở chiến trường. Nhưng lần nào cũng vậy, khi bắt đầu câu chuyện với chúng tôi, có một người mà ông luôn trân trọng nhắc tới chính là nhà báo Hồng Châu (tức Thép Mới) - Tổng Biên tập Báo Giải Phóng.

Ngày ấy, khoảng giữa tháng Chạp năm Đinh Mùi – 1967, khi ông vừa từ mặt trận Bình Long trở về cơ quan Báo Giải Phóng tại căn cứ kháng chiến ở tỉnh Tây Ninh thì được thông báo chuẩn bị gấp để đi công tác tiếp. Khi đến B9 (cơ quan Ban Tuyên huấn Trung ương Cục) để nhận nhiệm vụ, ông ngạc nhiên thấy nhà báo Hồng Châu đang đợi mình tại một căn hầm lợp lá trung quân. Hồi đó, nhà báo Hồng Châu là đặc phái viên của Trung ương Đảng về báo chí tại miền Nam.

“Từ lâu, cánh làm báo trẻ chúng tôi rất kính trọng, quý mến anh về tài năng, đức độ và sức làm việc. Ở chiến trường, chúng tôi thường thân mật gọi anh là “anh Thép” hoặc “anh Năm” (Năm Hồng Châu). Nhiều anh em phóng viên mong muốn mà chưa có dịp đi công tác cùng anh để vừa góp phần phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, vừa được học hỏi kinh nghiệm của một nhà báo có uy tín thuộc lớp đầu của Báo Nhân Dân, một cây bút tầm cỡ lớn của báo chí cách mạng nước ta. Vậy mà lần này, tôi có may mắn ấy”, nhà báo Cao Kim nhớ lại.

Khi ấy, nhiệm vụ nặng nề mà nhà báo Hồng Châu và nhà báo Cao Kim là cùng với việc phản ánh cuộc đấu tranh long trời lở đất diễn ra trên toàn miền Nam, đặc biệt là ở đô thành Sài Gòn, thì cần sớm đột nhập Sài Gòn và chuẩn bị mọi mặt để nếu có thời cơ sẽ kịp thời xuất bản một tờ báo cách mạng.

Nhớ lại thời điểm đó, ông bảo, “đây là việc quá lớn và khó, tôi chưa từng làm. Dù biết rằng tôi được nhà báo Hồng Châu và lực lượng cách mạng tại chỗ giúp đỡ nhưng quả thật tôi rất lo, vì chưa hình dung được diễn biến của tình hình ra sao. Điều duy nhất là vì cách mạng, tôi quyết tâm và mạnh dạn làm, và cố gắng làm hết sức mình”.

Và đêm mồng một Tết Mậu Thân (1968) - đêm diễn ra cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta trên khắp các đô thị miền Nam đã tới. Nhà báo Cao Kim nhớ lại cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân của quân và dân miền Nam như đòn trời giáng xuống đầu bọn hiếu chiến Mỹ xâm lược, làm nức lòng quân, dân cả nước ta và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới.

Hòa mình cùng đồng bào và chiến sĩ trong khí thế cách mạng sục sôi giữa Sài Gòn quật khởi, khi ấy ông càng thấy tự hào được cùng nhà báo Hồng Châu có mặt tại đây đúng vào thời điểm đặc biệt, được cầm súng, cầm bút, góp phần phản ánh kịp thời những thông tin nóng bỏng về chiến thắng to lớn của quân và dân ta, ca ngợi các chiến công, những tấm gương chiến đấu, hy sinh dũng cảm, tinh thần yêu nước nồng nàn, tình quân - dân sâu đậm của đồng bào và chiến sĩ ta ở ngay sào huyệt của địch.

Nhà báo Hồng Châu (phải) và nhà báo Cao Kim - hai nhà báo từng hoạt động tại Sài Gòn - Gia Định trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. (Ảnh chụp sau ngày miền Nam giải phóng).

Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, tình hình tại Sài Gòn - Gia Định diễn biến nhanh và rất phức tạp. Để giành lại quyền kiểm soát những vùng bị quân ta chiếm giữ và cứu vãn tình thế thất bại, Mỹ - ngụy dốc sức phản kích nhằm “đẩy Việt Cộng ra xa thành phố”. Để tập trung chống địch phản kích và tránh gặp nguy hiểm, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định quyết định đưa nhà báo Hồng Châu ra khỏi nội thành, còn nhà báo Cao Kim được phân công ở lại, tham gia Đội vũ trang tuyên truyền T4, vừa góp phần chiến đấu, vừa tiếp tục hoạt động báo chí.

Đó là những ngày tháng cực kỳ gian khổ, đầy máu lửa. Nhà báo Cao Kim cùng đồng đội lao vào các trận đánh phản kích, quần nhau với địch triền miên cả ngày lẫn đêm ở khắp nội đô, vùng ven Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và vùng phụ cận. Chính thời gian ấy, vào đầu tháng 3/1968, tại mặt trận cửa ngõ phía Tây Nam thành phố, Ban Quân y Phân khu 3 gửi “giấy báo tử” về Báo Giải Phóng ở trên rừng, báo tin nhà báo Cao Kim hy sinh trong trận chiến đấu chống càn và được chôn cất tại ấp Nhứt, xã Long Định, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Cơ quan Báo tổ chức lễ truy điệu và cử nữ phóng viên Kim Oanh về T4 làm tiếp nhiệm vụ của nhà báo Cao Kim.

Theo nhà báo Cao Kim, việc báo tử nói trên chỉ là sự nhầm lẫn giữa lúc bom rơi đạn lạc, nhưng câu chuyện hy hữu đầy máu và nước mắt này lại trở thành một kỷ niệm sâu sắc đối với ông và các bạn đồng nghiệp thời lửa đạn chiến tranh.

Trong trận chiến đấu chống địch phản kích, đội trưởng Đội tuyên truyền vũ trang T4 Hai Ca hy sinh vào ngày 8/3/1968. Hôm đó, nhà báo Cao Kim cùng một tổ được cử sang chi viện theo một mũi chiến đấu ở hướng khác. Khi các đồng đội tìm được đội trưởng Hai Ca, đầu và mặt trúng mảnh đạn bê bết máu và bùn, vết thương quá nặng anh đã hy sinh khi cấp cứu tại trạm xá Phân khu 3. Bác sĩ tìm trong túi áo ngực của Hai Ca có giấy chuyển sinh hoạt Đảng mang tên Cao Kim - do chính nhà báo Cao Kim nộp cho đội trưởng, kiêm bí thư chi bộ hôm được điều chuyển về đội, mà anh chưa kịp lưu vào hồ sơ cất giữ. Sự nhầm lẫn giữa liệt sĩ Hai Ca và Cao Kim trong thời điểm chiến tranh diễn ra rất khốc liệt là như vậy.

Một số bản thảo viết tay tại chiến trường của nhà báo Cao Kim cách đây hơn nửa thế kỷ.

Chuyến hàng đặc biệt và số báo đặc biệt

Những câu chuyện đầy cảm xúc khi nhớ lại năm tháng làm báo ở chiến trường Nam Bộ và Sài Gòn - Gia Định được nhà báo Cao Kim kể lại với chúng tôi bằng một tâm thế thật bình thản. Bình thản như lúc ông sẵn sàng xông vào trận chiến để viết báo, làm báo vì đó là nghĩa vụ đối với Tổ quốc và niềm tin vào thắng lợi của chính nghĩa.

Ông cho chúng tôi xem lại nhiều bản thảo viết tay tại chiến trường. Những mảnh giấy với nét chữ nhỏ li ti, đủ màu mực, hầu hết đã ố vàng, giờ như một thước phim tư liệu quý giá lưu giữ kỷ niệm về cuộc đời làm báo ở chiến trường. Trong ngồn ngộn tư liệu, ông dặn chúng tôi, nếu có viết thì đừng quên kể về chuyến hàng đặc biệt và số báo đặc biệt.

Đó là đầu tháng 9 năm 1969, khi cả nước ta vô cùng đau buồn trước tin Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại và kính yêu của Đảng và dân tộc ta, người Anh hùng giải phóng dân tộc, từ trần. Thời điểm ấy, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đang gặp nhiều khó khăn.

Là những người trực tiếp làm báo tại chiến trường, với tấm lòng tôn kính Bác Hồ và tinh thần biến đau thương thành hành động, Tổng Biên tập Hồng Châu cùng anh chị em làm Báo Giải Phóng đã quyết tâm ra những số báo đặc biệt với chất lượng tốt nhất trong điều kiện có thể.

Nhà báo Cao Kim bảo, “bấy giờ chúng tôi vẫn băn khoăn, vì gặp khó khăn do chiến tranh, nhà in của Báo chưa có thiết bị làm bản kẽm (clicché) khổ lớn để in ảnh chân dung Bác Hồ như mong muốn. Các số Báo Giải Phóng, dù là số đặc biệt cũng chỉ in ảnh khổ nhỏ”.

Vì vậy khi nghe tin Báo Granma của Đảng Cộng sản Cuba mới đăng bức ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh khổ lớn - bức ảnh của nữ nhà báo Marta Rojas - nhà báo nước ngoài cuối cùng vinh dự gặp Bác Hồ trước ngày Bác đi xa, được Người ký tên tặng ảnh và ghi bút tích với dòng chữ: “Chào thân ái và quyết thắng!”, nhà báo Cao Kim đã mạnh dạn đề xuất Tổng Biên tập Hồng Châu nên gửi thư cho Tổng Biên tập Báo Granma đề nghị bạn cho Báo Giải Phóng bức ảnh đó và nhờ bạn giúp làm sẵn ảnh trên bản kẽm khổ lớn để đăng báo của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.

Tổng Biên tập Hồng Châu đồng ý và liên hệ ngay với cơ quan Đối ngoại của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục nhờ chuyển thư qua Đại sứ Raul Valdes Vivo - Đại sứ Cộng hòa Cuba tại Campuchia, cũng là đại sứ nước ngoài duy nhất bên cạnh Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại căn cứ kháng chiến.

Thư của Tổng Biên tập Hồng Châu được điện sang Cuba nhanh chóng, chừng hơn nửa tháng sau, Báo Giải Phóng được cơ quan Đối ngoại thông báo cử người tới điểm hẹn ở biên giới để nhận “hàng đặc biệt” của Cuba.

“Đó là một thùng gỗ lớn, được chuyển bằng máy bay từ thủ đô La Habana tới thủ đô Phnom Pênh của Campuchia, rồi chuyển tiếp bằng đường riêng qua biên giới, vào chiến khu của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Chúng tôi cảm động khi mở thùng “hàng đặc biệt” của Báo Granma. Các nhà báo Cuba không chỉ gửi tặng Báo Giải Phóng bức ảnh Bác Hồ có bút tích của Người đúng như đề nghị mà còn gửi thêm một số bài và ảnh khổ nhỏ cỡ hai cột báo (cũng làm sẵn bản kẽm) giới thiệu về các hoạt động của nhân dân Cuba trong phong trào đoàn kết ủng hộ nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược, để chúng tôi đăng dần trên nhiều số báo. Ngoài ra các bạn Cuba còn không quên gửi tặng chúng tôi những hộp xì gà thơm phức”, nhà báo Cao Kim xúc động kể lại.

Đón nhận bức ảnh quý của các bạn đồng nghiệp từ bên kia bán cầu gửi tặng Báo Giải Phóng tại mặt trận, cả Tòa soạn và Nhà in, tập trung cao độ làm tiếp số báo mới, trân trọng đăng trọn bức ảnh chân dung Bác Hồ trên trang nhất.

Nhân có bản kẽm tốt, sau khi in ảnh Bác trên báo, Tổng Biên tập Hồng Châu đã giao cho B15C (mật danh Nhà in của Báo) xuất giấy dự phòng, in thêm khoảng 5.000 tấm ảnh Bác cùng khuôn khổ ấy, để phục vụ đồng bào và chiến sĩ các địa phương, đơn vị tổ chức truy điệu, tưởng niệm vị lãnh tụ kính yêu.

Những số báo mới và ảnh Bác Hồ vừa ra khỏi máy in còn thơm mùi mực, lập tức được đội giao liên trẻ của Báo Giải Phóng chuyển đến điểm hẹn để từ đó tỏa đi nhiều đường, bằng nhiều hình thức (bí mật và công khai), tới khắp các vùng, vào cả nội đô Sài Gòn - Gia Định.

Hơn tháng sau, nhiều cán bộ từ vùng mới giải phóng và vùng địch chiếm đóng ở đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên về chiến khu của Trung ương Cục họp, kể rằng, họ đã khóc khi nhận được ấn phẩm đặc biệt của Báo Giải Phóng. Ai cũng nâng niu tờ báo của Mặt trận, ngắm nhìn mãi hình ảnh Bác với dòng chữ “Chào thân ái và quyết thắng!” do Bác ghi trên ảnh và đọc kỹ Di chúc thiêng liêng của Người.

Nhiều cán bộ địa phương, đơn vị cũng cất giấu kỹ Báo Giải Phóng làm tài liệu học tập, hướng dẫn đồng bào và chiến sĩ ta nêu cao tinh thần đoàn kết, vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, kiên trì chiến đấu, quyết tâm giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược.

“Đã hơn nửa thế kỷ kể từ ngày Bác Hồ đi xa và hơn 46 năm miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước hòa bình, thống nhất. Nhớ lại những kỷ niệm sâu sắc thời làm báo trong chiến khu, tôi và anh chị em B18 (mật danh của Báo Giải Phóng) vẫn nhắc đến chuyến hàng đặc biệt và số báo đặc biệt - một hoạt động sáng tạo, thiết thực, đầy tình nghĩa giữa những người làm báo Việt Nam và các đồng nghiệp Cuba chí cốt. Đó là một ấn phẩm độc đáo, thể hiện tấm lòng của các nhà báo cách mạng hai nước đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh kính yêu”, nhà báo Cao Kim chia sẻ.

Nhà báo Cao Kim với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết. Ảnh: Quang Vinh.

Đừng để lịch sử qua đi trong nuối tiếc

Báo Giải Phóng và những con người từng gắn bó một thời với tờ báo chiến trường ấy đã được nhà báo Cao Kim kể lại trong 3 cuốn sách mới xuất bản: “Làm báo ở chiến trường - Chuyện những người trong cuộc”; “Cánh chim nhỏ giữa sào huyệt địch” và “Viết trong lửa đạn”.

Những cuốn sách mang nhiều thông điệp giá trị về cuộc chiến tranh chống xâm lược, ở đó sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc. Tinh thần kiên gan của một nhà báo xung phong ở tuyến lửa đã giúp ông vững vàng vượt qua. Trong những cuộc trò chuyện với chúng tôi, mỗi khi nhắc đến tên những đồng đội, đồng nghiệp đã ngã xuống ông đều rưng rưng nước mắt…

Báo Giải Phóng đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang của mình. Nhà báo Cao Kim cùng các đồng nghiệp Báo Giải Phóng cũng trở thành một phần của lịch sử thiêng liêng ấy.

Vì vậy, ký ức của ông cũng chính là niềm tự hào của chúng tôi - những thế hệ làm Báo Đại Đoàn Kết hôm nay. Trong hành trình 80 năm Báo Cứu Quốc- Giải Phóng- Đại Đoàn Kết, có chặng đường 12 năm (10 năm trong chiến tranh và 2 năm sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước) của Báo Giải Phóng. Năm 1977, Báo Giải Phóng hợp nhất với Báo Cứu Quốc và trở thành Báo Đại Đoàn Kết như ngày nay.

Trước đó, chúng tôi đã tìm lại những bài viết của ông trong kho tư liệu của Báo Đại Đoàn Kết và thấy rất nhiều bút danh của ông trên Báo Giải Phóng như Cao Kim, Kim Trọng, Hải An hoặc Năm Kim, Kều Kều, Cao Cao… tuỳ theo mỗi thể loại báo chí ông lại sử dụng một bút danh cho phù hợp. Trong đó có rất nhiều bài viết thuộc các thể loại như phóng sự, ký sự, truyện ký, ghi nhanh, bình luận, tản văn… Thậm chí ông còn viết kịch, vẽ tranh châm biếm, tranh minh hoạ, tranh đả kích…

Bây giờ, khi đã ở tuổi bát tuần, mắt mờ, chân chậm, nhưng điều ông luôn khiến chúng tôi nể phục bởi sự nhiệt thành với từng câu, từng chữ. Ông vẫn cháy sáng với ngọn lửa đam mê viết báo và chăm chút, cẩn thận đến từng chi tiết. Mỗi khi chúng tôi chưa hiểu, ông đều giải thích cặn kẽ, thậm chí “biên tập” lại ngay những câu nói, câu viết chưa đúng hoặc thiếu chính xác.

Sự cẩn thận và chính trực của một nhà báo cách mạng càng khiến chúng tôi cảm kích. Có lẽ những năm tháng viết trong lửa đạn, giữa những lằn ranh sinh tử đã tạo nên trong con người ông những phẩm chất tuyệt vời.

Điều trăn trở của ông bây giờ vẫn là việc phải làm sao nhắc nhớ cho thế hệ trẻ về một Báo Giải Phóng - tờ báo anh hùng với những người làm báo quả cảm trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - niềm tự hào của báo chí cách mạng Việt Nam. Cho nên, ông luôn căn dặn chúng tôi - thế hệ làm báo của Đại Đoàn Kết ngày nay “đừng để lịch sử qua đi trong nuối tiếc”, phải biết trân trọng, tự hào về lịch sử của Báo Cứu Quốc, Báo Giải Phóng và sự hy sinh, cống hiến của các thế hệ đi trước để tiếp tục giữ vững ngọn lửa nhiệt tình cách mạng, phát huy truyền thống, xây dựng Báo Đại Đoàn Kết phát triển trong thời kỳ mới.

Nhà báo Cao Kim (Nguyễn Kim Toàn), sinh năm 1940 tại Hải Phòng. Ông làm báo từ năm 1960, tại Báo Kiến An và Báo Hải Phòng. Năm 1966, theo tiếng gọi của Tổ quốc, Cao Kim cùng bộ đội hành quân vượt Trường Sơn vào Nam Bộ làm Phóng viên Báo Giải Phóng - Cơ quan Trung ương của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, Cao Kim trở về thành phố Cảng quê hương làm Thư ký tòa soạn, Phó Tổng biên tập rồi Tổng Biên tập Báo Hải Phòng; Chủ tịch Hội Nhà báo Hải Phòng, Ủy viên Ban chấp hành, Ủy viên Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam cho đến ngày nghỉ hưu. Ông là một trong những nhà báo của Việt Nam được nhận Huy chương danh dự của Tổ chức Quốc tế các nhà báo OIJ(1996).

Báo Đại Đoàn Kết trân trọng cảm ơn các đơn vị đồng hành:

1/Tập Đoàn Novaland

2/ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

3/ Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam

4/ Ngân hàng Bưu Điện Liên Việt

5/ Ngân hàng NN và Phát triển Nông thôn Việt Nam Agribank

6/ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam Vietinbank

7/ Ngân hàng Đầu tư và PT Việt Nam BIDV

8/ Tập đoàn Điện lực Việt Nam

9/ Cty TNHH TM Dịch Vụ Tân Hiệp Phát.

10/ Cty Bất Động sản Thắng Lợi

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà báo Cao Kim và một thời viết trong lửa đạn