Nhà báo được quyền giữ bí mật nguồn tin

Thành Luân 23/05/2017 16:50

Trong các vụ việc điều tra, truy tố, xét xử tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì Viện trưởng VKSND và Chánh án TAND mới được yêu cầu nhà báo cung cấp thông tin.

Các nhà báo trong nước và quốc tế trong một sự kiện tác nghiệp tại TP HCM. (Ảnh: Hồng Phúc).

Ngày 23/5, tại TP HCM, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật TP HCM tổ chức Hội nghị giới thiệu những nội dung cơ bản của Luật báo chí và Luật tiếp cận thông tin dành cho cán bộ, công chức trên địa bàn thành phố.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được giới thiệu các nội dung cơ bản của Nghị định 08/2017/NĐ-CP ngày 8/2/2017 của Chính phủ quy định về lưu chuyển điện tử đối với loại hình báo nói, báo hình, báo điện tử độc lập với cơ quan báo chí; Nghị định số 09/2017/NĐ-CP ngày 9/2/2017 của Chính phủ quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước; các thông tư của Bộ TT-TT về thủ tục thành lập một cơ quan báo chí, cấp đổi, thu hồi thẻ nhà báo, dịch vụ truyền hình.

Luật sư Lê Bân, nguyên Tổng Thư ký tòa soạn Báo Người Lao động cho biết, Luật Báo chí mới Được Quốc hội khóa XIII thông qua và vừa có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2017 có một số điểm mới đáng chú ý, trong đó có thêm nhiều nội dung liên quan đến công tác quản lý báo chí. Chẳng hạn, quy định về ứng xử với tờ báo in đưa thông tin sai, lần này luật quy định bắt buộc cơ quan báo chí đó phải cải chính ngay trên trang 2 của số báo tiếp theo. Luật mới chưa cho báo chí tư nhân hoạt động, nhưng có mở rộng hơn đối tượng được phép thành lập cơ quan báo chí, như: các trường Đại học (được phép thành lập tạp chí khoa học), các Vụ viện từ cấp tỉnh trở lên,…

Báo cáo viên tại Hội nghị cũng nhấn mạnh một trong những điểm rất quan trọng của luật mới là đảm bảo quyền giữ bí mật nguồn tin của nhà báo. Luật trước đây quy định báo chí có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng Viện KSND hoặc Chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng. Tuy nhiên, luật mới yêu cầu trong các vụ việc điều tra, truy tố, xét xử tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì Viện trưởng Viện KSND và Chánh án TAND mới được yêu cầu nhà báo cung cấp thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà báo được quyền giữ bí mật nguồn tin