Nhà báo Phan Quang: Một trí thức dấn thân

Hoàng Thu Phố 05/12/2020 15:00

Uyên bác và hóm hỉnh, đó là cảm nhận của tôi khi đối diện với nhà báo - nhà văn - dịch giả Phan Quang. Sinh năm 1928, 92 năm tuổi đời, hơn 70 năm làm việc liên tục, bền bỉ ở nhiều lĩnh vực khác nhau, cho thấy một Phan Quang dấn thân.

Nhà báo Phan Quang.

Mới rồi, xuất hiện trong cuộc tọa đàm “Nhà báo Phan Quang với báo chí cách mạng Việt Nam”, nhà báo Phan Quang khiến nhiều người ngạc nhiên về trí tuệ minh mẫn của ông. Ông phát biểu vo, bằng một giọng nói ấm áp, và đặc biệt, một trí tuệ minh mẫn, không thấy dấu hiệu của tuổi già. Ông cảm ơn những người dù ít tuổi hơn, nhưng lại là thầy ông, như GS Hà Minh Đức. Ông nhắc tên những người anh lớn tuổi hơn, những người bạn cùng thời gắn bó, nay đã ở miền xa vắng. “Cho đến hôm nay tôi vẫn phải nói rằng, mỗi người khi trưởng thành không thể thiếu những người thầy, người bạn, người đồng chí. Tôi nghĩ rằng, trong cuộc đời của một người làm báo, viết văn, không thể nào không có sự học hành, tự học dù ít dù nhiều và học suốt đời”, nhà báo Phan Quang khiêm tốn tâm sự.

Tình đầu với văn chương

Tôi biết đến Phan Quang đầu tiên không phải trong tư cách ông là một nhà báo mà trong tư cách một dịch giả. Đó là những năm tháng tuổi thơ say đắm với bộ truyện “Nghìn lẻ một đêm”. Những câu chuyện về vua Shahriyar của đất nước Ba Tư, về nàng Sheherazade thông minh, tài trí lại giàu nghị lực qua sự chuyển ngữ của Phan Quang đã đưa tôi bước vào một thế giới kỳ diệu… Sau này, còn được đọc bộ “Nghìn lẻ một ngày” cũng do Phan Quang dịch. Đến bây giờ, đã có thêm nhiều bản dịch tiếng Việt về bộ sách nổi tiếng thế giới này, song bản dịch của Phan Quang vẫn được đánh giá là bản dịch hay nhất. Chính điều ấy, không bất ngờ, khi mới đây có đơn vị xuất bản đã ký độc quyền mua bản dịch của dịch giả Phan Quang để xuất bản trong thời gian tới, trong đó sẽ in cả những ấn bản đặc biệt S100 đóng bìa da dành cho những người chơi sách, sưu tập sách.

Nhưng Phan Quang không chỉ là một dịch giả. Trước đó, ông còn được biết tới là một nhà văn. Ông từng tâm niệm thế này: “Cuộc đời viết lách của tôi giống như một cuộc hôn nhân cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, dù đang yêu người khác. Tôi yêu văn học nhưng lại làm báo chí, và cuối cùng, trong cuộc hôn nhân lý trí này, dần dà tôi cũng tìm thấy tình yêu chân thực, và tôi đã sống hết mình, suốt đời chung thủy với nghề báo...”.

Ngược dòng thời gian, người ta có thể thấy những truyện ngắn của Phan Quang in trên báo chí từ rất sớm. Như truyện ngắn “Lửa hồng” Phan Quang viết năm 1948, lần đầu xuất hiện trên báo Cứu Quốc Liên khu IV số Tết Kỷ Sửu 1949. Cùng năm đó, Phan Quang viết truyện “Vô du kích” cũng in trên báo Cứu Quốc Liên khu IV vào số đặc biệt mừng Quốc khánh. Hay truyện ngắn “Đêm” in lần đầu trên tuần báo Văn nghệ ngày 23/1/1956…

Đó là những tác phẩm của một “mối tình đầu”, của một “tình một thuở còn hương”. Những tác phẩm ở tuổi “tam thập nhi lập” ấy mới đây được ông tập hợp in trong cuốn “Tím ngát tuổi hai mươi” do NXB Văn học ấn hành. Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam có lời nhận xét: Nhà báo Phan Quang quá đa tài nên chính ông đã che lấp ông. Mọi người vẫn nói đến Phan Quang như một nhà báo, nhà quản lý, nhà hoạt động xã hội nhưng lại quên mất Phan Quang là một nhà văn rất đặc sắc. Truyện của Phan Quang không chỉ có Tâm, còn có cả Tài. Chính cái Tài đã làm nên duyên văn, giữ cho trang văn không nhạt.

Tuy nhiên, Phan Quang không dấn sâu vào sáng tác văn chương. Một phần vì sau khi thử sức viết nhiều thể loại: truyện ngắn, truyện vừa, bút ký… ông nhận ra “về sáng tác, tôi luôn nghi ngờ năng lực sáng tạo của bản thân”. Thêm nữa, hiện thực cuộc sống, rồi nhất là bận bịu với nhiều công việc đã khiến ông rời xa văn chương.

Một đời “đọc - đi - nghĩ - viết”

Nhà báo Phan Quang tên thật là Phan Quang Diêu, sinh năm 1928 trong một gia đình có truyền thống đỗ đạt thành danh tại xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Năm 17 tuổi, Phan Quang Diêu đã tham gia cách mạng, sau đó ông được tổ chức cử đi học ở nước ngoài.

Đến với nghề báo từ khi chưa tròn 20 tuổi, Phan Quang đã sớm cho thấy khả năng của mình. Ông kể: “Tôi bước vào nghề báo cùng ba người bạn đồng hành: cuốn sổ nhỏ bỏ túi, cây bút sắt và lọ mực xanh”. Còn khi đã viết thì nội dung phải “đúng - trúng - nhanh - hay”.

Ngay từ những năm 1950, khi làm báo Cứu quốc Liên khu IV, Phan Quang đã cho thấy sự đam mê và dấn thân của mình. Có lẽ chính lẽ ấy đã khiến ông được điều về báo Nhân dân. Sau này, trong 28 năm liền làm ở báo Nhân dân, trải qua nhiều chức vụ, từ phóng viên rồi kinh qua các Trưởng ban: Nông thôn, Kinh tế, Xây dựng Đảng… đến Ủy viên Ban Biên tập, viết hàng ngàn bài ở nhiều thể loại, nhà báo Phan Quang càng cho thấy năng lực cũng như phong cách báo chí của mình. Cùng các nhà báo Hoàng Tùng, Thép Mới, Quang Đạm, Nguyễn Thành Lê, Hồng Hà, Hà Đăng, Hữu Thọ, Phan Quang đã góp phần làm nên một “thế hệ vàng” của nền báo chí nước nhà.

Cả cuộc đời ông gắn chặt với nghiệp viết. Nếu tính từ khi bắt đầu tham gia viết báo Cứu quốc Liên khu IV năm 1948 đến nay, ông đã cống hiến 72 năm cho sự nghiệp báo chí cách mạng. Nhà báo Phan Quang từng khái quát cuộc đời cầm bút của mình trong 4 chữ “đọc - đi - nghĩ - viết”. Đọc là học thông qua việc đọc, là không ngừng nâng cao trình độ văn hóa, làm dày thêm tri thức, cập nhật thông tin. Đi là tạo vốn sống, là trải nghiệm cuộc đời. Nghĩ là độc lập suy nghĩ và sáng tạo. Viết là để thể hiện tính chính trị, tính mục đích, tính hoa học, chất văn hóa “tươi mới”… Bốn khâu ấy hòa quyện với nhau, đặt trên cái nền viết vì nước vì dân!

Theo nhà báo Phan Quang, báo chí là một dòng sông không ngừng chảy, những nhà báo thuộc các thế hệ khác nhau là những giọt nước làm nên dòng sông ấy. Dù là thượng nguồn, hay hạ lưu, sông vẫn dòng sông ấy, nước vẫn giọt nước ấy. Dù già hay trẻ, chúng ta cùng có một điểm chung, ấy là lòng yêu nước và ý nguyện của nhà báo dâng hiến cuộc đời vì nước, vì dân...

Trí thức có cách thể hiện riêng

Mỗi khi có dịp nhìn thấy hoặc gặp gỡ Phan Quang, tôi luôn nghĩ về hình ảnh những người trí thức dấn thân, những “sỹ phu Bắc Hà” như cách nói một thời. Chính Phan Quang, trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí xoay quanh câu chuyện trí thức, cũng thẳng thắn cho rằng, người trí thức cần phải có khí phách. Ông đánh giá trí thức Việt Nam có khí phách, và đề xuất nên gọi “Sỹ phu Việt Nam”, bởi nói “Sỹ phu Bắc Hà” thì còn phải nói đến Hào khí Đồng Nai, đến Khí tiết Ngũ Quảng... “Tổ tiên ta rất coi trọng khí phách. Cụ Chu Văn An dâng Thất trảm sớ. Cụ Mạc Đỉnh Chi dám nói thời đi sứ Bắc triều. Cụ Phan Đình Phùng phản đối Tôn Thất Thuyết ngay tại triều đình. Cụ Hoàng Diệu tuẫn tiết khi thành Thăng Long thất thủ. Cụ Nguyễn Đình Chiểu “đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”... Đó là những phẩm chất cao thượng thể hiện khí phách sỹ phu Việt Nam”, nhà báo Phan Quang lý giải.

Cũng theo nhà báo Phan Quang, trí thức trước hết là công dân cho nên cần phải dấn thân vào đời sống xã hội với tư cách công dân. “Dấn thân theo cách nào lại là vấn đề khác. Một nhà khoa học không nhất thiết phải lúc nào cũng phải góp ý về chủ trương, chính sách cụ thể hay trả lời báo chí về thời sự. Họ dấn thân vào những công trình nghiên cứu khoa học của họ và khi đất nước cần điều gì hợp với khả năng của họ, họ sẽ cống hiến hết mình. Tôi nghĩ trí thức không nhất thiết lúc nào phải phát biểu quan điểm chính trị của mình một cách ồn ào. Họ có cách thể hiện riêng, bằng chính các công trình khoa học của họ, bằng thái độ của họ đối với cuộc sống”, nhà báo Phan Quang từng chia sẻ.

Giờ đây, ở tuổi 92, nhà báo Phan Quang vẫn không ngừng nghỉ, vẫn luôn đồng hành cùng các thế hệ làm báo Việt Nam. Hàng ngày, ông vẫn suy nghĩ và cố gắng đọc - đi - nghĩ - viết một cái gì đó. Với ông, từ lâu, đã tâm niệm một điều “Ta viết, tức là ta tồn tại”. Chính từ suy nghĩ ấy mà đến nay, những bài báo, những cuốn sách của ông về nhiều lĩnh vực tiếp tục được xuất bản, mang tới cho độc giả những suy nghĩ về thời cuộc, những câu chuyện về một thời và mãi mãi. Và những cuốn sách dịch của ông, vẫn tiếp tục được tái bản, tiếp tục mở những ô cửa cho bạn đọc bước ra với thế giới.

Thật không quá để ví rằng, Phan Quang là một cây viết đa tài, ở ông toát lên tầm vóc văn hóa của một trí thức dấn thân!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà báo Phan Quang: Một trí thức dấn thân