Kể từ đầu mùa giải chung kết EURO và COPA America năm nay, cơ quan chức năng đã liên tục triệt phá nhiều đường dây cá độ nghìn tỷ, đồng thời đưa ra nhiều cảnh báo về tình trạng này, tuy nhiên tệ nạn cá độ qua online vẫn tràn lan trên các trang mạng xã hội. Để rồi sau mỗi trận bóng lăn, người ăn mừng chiến thắng, kẻ lâm vào cảnh túng quẫn nợ nần vì ham mê cá độ, nhiều gia đình rơi vào cảnh cửa nát nhà tan… hệ lụy khôn lường.
Cái kết được báo trước: Sau ham mê là tù tội
Ngay khi vòng chung kết giải bóng đá EURO 2020 và giải vô địch bóng đá Nam Mỹ 2021 (Copa America 2021) khởi tranh đến nay, tình hình tội phạm đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá gia tăng nhanh chóng, cơ quan chức năng đã nhiều lần triệt phá hàng loạt các đường dây cá độ qua mạng với số tiền lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
Tháng 5 vừa qua, Phòng Cảnh sát Hình sự - Công an TP Hà Nội đã xác lập chuyên án, triệt xóa băng nhóm tổ chức đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá, mua bán số lô đề và sử dụng trái phép chất ma túy do Trịnh Thị Phương (52 tuổi, trú tại quận Bắc Từ Liêm) cầm đầu. Bước đầu, cảnh sát xác định đường dây tổ chức cá độ do Phương tổ chức đã giao dịch lên tới 1.200 tỷ đồng. Theo đó, đường dây tổ chức đánh bạc này hoạt động với nhiều thủ đoạn tinh vi, có quy mô lớn. Các đối tượng dùng sim rác, mạng xã hội để tổ chức cá độ bóng đá và mua bán số lô đề với số tiền lên tới hàng tỷ đồng mỗi ngày. Sau khi giao dịch, các đối tượng xóa tin nhắn để hủy dấu vết.
Trung tuần tháng 6, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp với Công an TP Hà Nội triệt phá đường dây đánh bạc qua mạng mùa EURO thông qua một trang web dưới hình thức cá cược các môn thể thao bóng đá, bóng rổ, quần vợt với số tiền giao dịch tới 1.500 tỷ đồng. Theo cơ quan chức năng, trang web này là trang đánh bạc trực tuyến, máy chủ được đặt tại Mỹ, giao diện website thể hiện nhiều ngôn ngữ khác nhau, trong đó có tiếng Việt. Trang web tổ chức đa dạng các hình thức đánh. Các đối tượng sau khi đăng nhập trang web sẽ được cấp tài khoản đánh bạc bởi các đại lý cấp trên và được ứng trước một số tiền ảo trên trang web để đánh bạc.
Tối 14/6, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an triệt phá một đường dây cờ bạc, cá độ bóng đá quy mô lớn trên địa bàn TP HCM với số tiền giao dịch hơn 1.500 tỷ đồng. Băng nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen trên địa bàn giáp ranh tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và TP HCM. Băng nhóm này đã gây ra nhiều vụ đâm chém lẫn nhau để tranh giành địa bàn, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng. Chỉ riêng giải EURO 2020 đang diễn ra, cầm đầu đường dây này quản lý tới 6 cổng master với hơn 200.000 điểm (tương đương khoảng 2 tỷ đồng) giao cho các đại lý cấp dưới quản lý điều hành.
Đầu tháng 7, công an huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) tóm gọn một đường dây đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá qua mạng Internet với số tiền tham gia cá độ là hơn 200 triệu đồng cho 1 trận đấu. Điều đáng nói, những kẻ điều hành của đường dây cá độ này còn rất trẻ, trong đó đối tượng cầm đầu mới chỉ sinh năm 1998. Theo điều tra, các giải đấu đường dây cá độ này lựa chọn để cho các “con bạc” cá độ là Euro 2020 và Copa America 2021. Mỗi trận đấu diễn ra ở các giải đấu này, “con bạc” sẽ liên lạc qua mạng xã hội để tham gia cá độ. Mỗi trận đấu, tổng số tiền cá độ trung bình mà các con bạc đặt chơi là hơn 200 triệu đồng.
Từ những đường dây tổ chức đánh bạc, đánh bạc mà các đơn vị chức năng vừa triệt phá trên nhiều địa phương, có thể thấy các đường dây đánh bạc đều có quy mô lớn, phương thức hoạt động tinh vi, sử dụng các ứng dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi phạm tội.
Sau những trận cầu, không ít người phải lao đao tìm cách trả nợ bằng bán xe, bán nhà, thậm chí cầm cố cả sổ đỏ để có tiền giao nộp cho nhà cái. Không ít trường hợp vì vợ/chồng ham mê cá độ mà gia đình ly tán, thậm chí có người còn chọn cái chết để trốn nợ.
Chưa dừng lại ở đó, các tệ nạn trộm cắp, lừa đảo, cướp tài sản cũng gia tăng trong mỗi mùa bóng lăn gây nên tình trạng mất an ninh trật tự xã hội.
Hệ lụy thì có thể nhìn thấy ngay trước mắt nhưng con bạc vẫn lao vào trò đen đỏ như thiêu thân, bỏ ngoài tai tất cả những cảnh báo của cơ quan chức năng.
Những quy định rõ ràng
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng luật sư Kết nối, Đoàn luật sư TP Hà Nội: “Vào thời điểm diễn ra các giải đấu lớn thì tệ cá độ bóng đá lại trở thành vấn đề cần phải giải quyết. Những năm gần đây với sự phát triển của công nghệ thông tin thì tình trạng này lại trở nên trầm trọng hơn khi các đối tượng sử dụng môi trường mạng để tổ chức và chơi cá độ bóng đá.
Khi sử dụng mạng máy tính để tổ chức cá độ thì số người tham gia rất lớn, lớn hơn rất nhiều so với cá độ bóng đá kiểu “truyền thống” như trước đây. Trang đường dây cá độ qua mạng có hàng chục nghìn, hàng trăm nghìn người chơi, số tiền giao dịch có thể lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Các máy chủ của các trang cá độ này hầu hết đều ở nước ngoài, các đối tượng cầm đầu có vai trò lớn nhất cũng ở nước ngoài nên rất khó cho cơ quan công an có thể đấu tranh diệt tận gốc”.
Luật sư Hùng khẳng định: Việc tổ chức cá độ bóng đá và chơi cá độ bóng đá dưới bất kỳ hình thức nào đều là vi phạm pháp luật và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Người lập ra các web cá độ cho những người khác chơi với nhau có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Tổ chức đánh bạc” theo quy định tại Điều 322 Bộ luật Hình sự năm 2015, khung hình phạt là phạt tù từ 5 năm đến 10 năm với tình tiết tăng nặng là “Sử dụng mạng máy tính, mạng internet, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để phạm tội”.
Người tham gia cá độ qua mạng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Đánh bạc” theo Điều 322 Bộ luật Hình sự nếu số tiền dùng vào chơi cá độ từ 5 triệu đồng trở lên hoặc dưới 5 triệu nhưng thuộc trường hợp đã bị kết án về tội này hoặc tội tổ chức đánh bạc, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc đã bị xử phạt vi phạm hình chính về hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc mà còn vi phạm. Người phạm tội đánh bạc trong trường hợp này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 3 đến 7 năm với tình tiết tăng nặng là “Sử dụng mạng máy tính, mạng internet, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để phạm tội”.
Ngoài ra các đối tượng chơi cá độ bóng đá trong quá trình chơi sử dụng tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử để nạp tiền, rút tiền. Ngân hàng hoặc ví điện tử phải có trách nhiệm quản lý trong việc này. Nếu phát hiện ra giao dịch nhằm vào mục đích cá độ bóng đá, đánh bạc hoặc mục đích vi phạm pháp luật khác thì ngân hàng sẽ chặn giao dịch. Tuy nhiên, để quản lý được là rất khó, bởi ngân hàng chỉ phát hiện ra ngay khi nội dung giao dịch có các từ khóa như “cá độ”, “đặt cược”… còn nếu các đối tượng bỏ trống nội dung hoặc có ký hiệu riêng cho nhau thì dễ bị ngân hàng bỏ qua. Nếu người chuyển tiền và nhận tiền nằm trong danh sách đen hoặc số tiền giao dịch từ 500 triệu trở lên hoặc ngoại tệ tương đương, giao dịch chuyển tiền quốc tế vào Việt Nam có giá trị từ 1000 đô la trở lên hoặc ngoại tệ có giá trị tương đương thì thuộc diện giao dịch đáng ngờ, có nguy cơ rửa tiền và được giám sát chặt chẽ.
Còn theo quan điểm của Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP Hà Nội: “Để cá độ online, người dùng phải nạp tiền, rút tiền thông qua tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử nên cần làm rõ trách nhiệm của các ngân hàng, ví điện tử này. Trường hợp các cán bộ tín dụng, người có thẩm quyền trong ngân hàng, ví điện tử biết việc tạo lập tài khoản ngân hàng để phục vụ việc đánh bạc nhưng vẫn cho phép mở tài khoản thì có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội danh trên với vai trò là đồng phạm giúp sức”.
Hồi đầu năm nay Ngân hàng Nhà nước ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN về tăng cường phòng chống vi phạm pháp luật trong hoạt động thẻ ngân hàng. Theo đó nêu rõ các tổ chức trung gian thanh toán phải kịp thời ngăn chặn giao dịch thẻ không phù hợp quy định của pháp luật (liên quan đến hoạt động trò chơi có thưởng, cờ bạc, cá độ, kinh doanh ngoại hối, chứng khoán, tiền ảo, tiền điện tử...).
Mới đây Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Công văn số 4347NHNN-TT về việc tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn; phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến cờ bạc, cá độ bóng đá. Theo đó yêu cầu các đơn vị hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán hướng dẫn người dân không thực hiện các hành vi bị cấm như: Thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán; mua, bán, thuê, cho thuê thẻ hoặc thông tin thẻ, mở hộ thẻ; thuê, cho thuê, mượn, cho mượn ví điện tử hoặc mua, bán thông tin ví điện tử...