Đó là nhận định của nhiều chuyên gia bất động sản về kỳ vọng phục hồi của phân khúc nhà, mặt bằng cho thuê.
Từ đầu tháng 10, việc nới lỏng giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19 trên nhiều tỉnh, thành được thực hiện, nhưng hàng loạt cửa hàng bán lẻ mặt phố cũng như trung tâm thương mại tại vẫn đìu hiu. Phần lớn chủ đầu tư và chủ nhà đã chấp nhận giảm giá, nhưng khách thuê vẫn còn lưỡng lự.
Khác với các đợt dịch trước, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 đã kéo dài suốt từ đầu tháng 5 tại nhiều tỉnh thành, khiến mặt bằng bán lẻ nhà phố và các trung tâm thương mại đóng băng.
Dịch bệnh lần thứ 4 bùng phát khiến nhiều ngành kinh doanh bị tạm dừng hoạt động, dẫn tới tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Thực tế đó khiến một bộ phận người lao động đã rời thành phố về quê lánh dịch. Điều này dẫn tới tình trạng phân khúc nhà cho thuê dư thừa do cầu thấp. Đây cũng là nguyên nhân khiến giá nhà cho thuê giảm. Đặc biệt, trong quý II-2021 khi bị giáng thêm làn sóng thứ 4 của đại dịch thì phân khúc này càng trở nên ảm đạm.
Bên cạnh đó, do nguồn cung lớn nên thị trường nhà cho thuê không còn là một miếng bánh ngon, không còn là một xu hướng đầu tư sinh lời như những năm 2010-2017. Dự báo, phân khúc bất động sản cho thuê có thể sẽ còn bất động cho tới khi chiến dịch phổ cập vaccine được hoàn thành và Covid-19 bị đẩy lùi. Như vậy, ít nhất một năm nữa, lĩnh vực này mới có khả năng hồi phục.
Nhìn nhận về thị trường này, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam đánh giá, thời gian qua khi phải đối mặt với dịch bệnh, cũng như nhiều lĩnh vực kinh tế khác, thị trường bất động sản Việt Nam đã không thể đứng ngoài tác động tiêu cực. Cụ thể là phân khúc nhà cho thuê/mặt bằng bán lẻ, hay bất động sản nghỉ dưỡng tạm thời bị giảm thanh khoản do nhu cầu giam sút mạnh.
Trong khi đó, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cũng cho rằng, không kỳ vọng vào một gam màu sáng cho thị trường bất động sản phân khúc cho thuê trong thời gian tới khi dịch bệnh vẫn chưa thể dập tắt ngay. Các tháng cuối năm 2021, thị trường bất động sản nói chung và phân khúc nhà ở cho thuê sẽ còn nhiều khó khăn.
Về giá thuê, sau khi hết giãn cách, theo thống kê của CBRE Hà Nội, tại các trung tâm thương mại ở khu vực các quận mới như Hà Đông, Long Biên, Nam Từ Liêm, tỷ lệ trống cao 35-45%, số còn lại hầu như chỉ mở cửa để duy trì hoạt động. Còn mặt bằng nhà phố các quận trung tâm, cũng chỉ có khoảng 50% mở cửa đón khách.
Trong khi đó, tại các đợt dịch trước, sau khi hết giãn cách xã hội có đến 80% mặt bằng bán lẻ sớm mở cửa trở lại. Khảo sát của Savills Việt Nam cũng cho thấy, mặt bằng bán lẻ ngoài trung tâm có tỷ lệ trống cao hơn, lên tới 50%.
Cùng với việc tỷ lệ trống tăng cao thì giá cho thuê giảm đáng kể. Theo CBRE Hà Nội, giá chào thuê mới trung bình tầng trệt và tầng 1 khu vực ngoài trung tâm đạt 24 USD/m2/tháng, giảm 4% theo quý và giảm 4% theo năm. Savills Việt Nam cho biết, giá cho thuê tại một số trung tâm thương mại giảm 50% từ quý 2 nhưng vẫn không có khách thuê. Các mặt bằng kinh doanh mặt phố cả trong và ngoài trung tâm có mức giảm giá từ 35-50%.
Theo ông Trần Hiếu, Phó Tổng giám đốc kinh doanh Công ty Cung cấp giải pháp dịch vụ bất động sản (DKRA Việt Nam), hiện tại thị trường mặt bằng bán lẻ vẫn trầm lắng. Nếu dịch kiểm soát đồng đều ở các địa phương, độ phủ vaccine rộng, nền kinh tế hồi phục thì thị trường sẽ cần một thời gian ngắn để lấy lại đà và khả năng giữa quý I-2022 mới tái khởi động lại.
Một số chuyên gia đưa ra dự báo, thị trường bất động sản nói chung sẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt phân khúc cho thuê tiếp tục thiếu thanh khoản cho đến khi chiến dịch phổ cập vaccine được hoàn thành và dịch Covd-19 được kiểm soát, dự kiến là trong quý II-2022 hồi phục dần.